"Chung sống an toàn" với Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhận định đúng tình hình, chủ động và kịp thời ứng phó với phương châm sớm hơn một bước, cao hơn một bậc đã giúp Gia Lai không bị động, bất ngờ, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Chuyển từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn

Từ ngày 26-4-2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại Gia Lai diễn biến hết sức phức tạp. Theo ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, 4 nhóm nguy cơ lớn làm cho dịch xâm nhập và bùng phát trong tỉnh đó là: người về từ các địa phương có dịch Covid-19 trốn tránh khai báo, giám sát y tế bằng nhiều hình thức; nhiều xe vận chuyển hàng hóa, phương tiện cá nhân từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn tỉnh hoặc đi qua địa bàn tỉnh; liên tiếp xuất hiện trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi ra viện, dương tính khi cách ly tại nhà sau thời gian cách ly tập trung; xuất hiện tình trạng nhập cảnh trái phép khi dịch Covid-19 tại Campuchia diễn biến ngày càng phức tạp. Sau khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, lượng người về địa phương tăng đột biến, trong đó có rất nhiều người dương tính cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát và diễn biến phức tạp.

Gia Lai đẩy mạnh bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Như Ý
Gia Lai đẩy mạnh bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Như Ý


Trước tình hình đó, Gia Lai chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát và quản lý rủi ro. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Giai đoạn đầu khi chưa có miễn dịch cộng đồng, tỉnh tiếp tục phương án kiểm soát, giám sát chặt các nguồn lây, các yếu tố nguy cơ để ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Tỉnh vẫn giữ nguyên tắc khoanh vùng, phong tỏa, xét nghiệm nhanh; thực hiện cách ly tập trung để hạn chế lây lan; khẩn trương triển khai tiêm chủng mở rộng để đảm bảo phủ mạnh vắc xin cho người dân, đồng thời chủ động xây dựng tình huống trong phòng-chống dịch với 5.000 ca và cao hơn. Bên cạnh đó, ngành Y tế phân tầng điều trị; triển khai thí điểm quản lý F0 không triệu chứng tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động… Giai đoạn có miễn dịch cộng đồng, tỉnh sẽ nới lỏng dần các hoạt động nhưng vẫn giữ nghiêm 5K. Tiếp tục tập trung cho việc điều trị và củng cố miễn dịch bằng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại.

Gia Lai là tỉnh miền núi với hơn 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhân lực y tế mỏng. Tuy nhiên với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng-chống dịch. Sự chung tay, hỗ trợ kinh phí, nguồn lực phòng-chống dịch của các đơn vị, tổ chức, cá nhân giúp tỉnh có thêm điều kiện phòng-chống dịch hiệu quả. Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-thông tin: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các tập thể, cá nhân vẫn nêu cao tinh thần “tương thân tương ái”, trách nhiệm với cộng đồng, chung tay phòng-chống dịch. “Tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục kêu gọi, vận động người dân chung tay hỗ trợ nguồn lực phòng-chống dịch với phương châm “Người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”, chung sức, đồng lòng giúp tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh”-bà Lan nói.

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Trong đợt dịch lần thứ 4, tình hình phức tạp khi dịch lan rộng và xuất hiện các ổ dịch trong làng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao, khó kiểm soát. Thành phố Pleiku ghi nhận nhiều ổ dịch phức tạp tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng lây lan sang các địa phương lân cận.

Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-nhìn nhận: Trải qua các đợt dịch Covid-19 và thực tiễn chống dịch trên địa bàn, thành phố rút ra một số bài học trong công tác phòng-chống. Đó là khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, công tác phòng-chống dịch tuân thủ nguyên tắc: “Khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm kịp thời, cách ly triệt để và đúng đối tượng, điều trị hiệu quả” với phương châm “Thần tốc khoanh vùng; truy vết; cách ly; lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm và trả kết quả”. Phòng-chống dịch gắn liền với đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và quan tâm hỗ trợ người dân trong khu vực khoanh vùng, cách ly; đồng thời giám sát chặt chẽ người dân trong việc thực hiện cách ly theo quy định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội chung tay phòng-chống dịch; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

 Nhân viên xét nghiệm mẫu làm việc 24/24 giờ để sớm trả kết quả mẫu phục vụ công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Như Ý
Nhân viên xét nghiệm mẫu làm việc 24/24 giờ để sớm trả kết quả mẫu phục vụ công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Như Ý


Trải qua thực tiễn phòng-chống dịch, Gia Lai đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ông Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh: Trong công tác phòng-chống dịch, tỉnh ta vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền địa phương và huy động cả hệ thống chính trị, người dân cùng tham gia thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Cùng với đó, tỉnh triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định biện pháp chống dịch đề ra từ đầu, xuyên suốt các giai đoạn với phương châm “4 tại chỗ”, kiên định “5 nguyên tắc” là ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch; đồng thời thực hiện hiệu quả thông điệp “5K + vắc xin + công nghệ”; xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực.

Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã đánh giá đúng tình hình, thường xuyên xây dựng và điều chỉnh kế hoạch đáp ứng từng mức độ dịch phù hợp với các giai đoạn. Trên cơ sở kế hoạch tỉnh đã xây dựng, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai tổ chức thực hiện một cách khoa học, linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực và địa phương. Việc nghiên cứu thiết lập và áp dụng bản đồ Covid ngay từ đầu đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn, đảm bảo công tác điều hành, khoanh vùng dịch tễ nhanh chóng và phù hợp. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng để nâng cao tính chủ động trong quản lý và giám sát dịch bệnh.

Ngoài ra, tỉnh minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng, tạo sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng-chống dịch. Công tác phòng-chống dịch đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế; nghiêm cấm tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương nên đã giảm ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh.

 

NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm