Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” là chủ đề của Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 được phát động trên cả nước từ ngày 15-11 đến ngày 15-12.

Xử phạt trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình - Ảnh minh họa.
Xử phạt trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình - Ảnh minh họa.

Ngày 4-11, tại TP. HCM, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1. Điểm nhấn của Lễ phát động năm nay là nghi thức thắp sáng tòa nhà UBND TPHCM bằng ánh đèn màu cam - biểu tượng của chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tháng hành động sẽ tạo nên đợt cao điểm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên toàn quốc nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đến nay đã có 9 Bộ, ngành và 28 địa phương, 8 cơ quan, đối tác quốc tế và trong nước xây dựng kế hoạch và dự kiến tổ chức hàng trăm sự kiện hưởng ứng trong Tháng hành động này.

Thông qua Tháng hành động, các thông điệp về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn đến mọi tầng lớp trong xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ, phát triển bền vững và không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Để đạt được những tiến bộ này, Đảng và Nhà nước đã chú trọng ban hành và triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm tạo chuyển biến của xã hội về nhận thức và hành động về bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.

Việc tiếp tục lựa chọn chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Thu Cúc (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm