"Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15-11 đến 15-12-2017), P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn bà TRẦN THỊ HOÀI THANH-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh về một số nội dung liên quan.

- P.V: Thời gian qua, việc thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa bà?

 

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh gặp mặt phụ nữ làm việc ở lĩnh vực đặc thù. Ảnh. Đ.Y
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh gặp mặt phụ nữ làm việc ở lĩnh vực đặc thù. Ảnh. Đ.Y

Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Sau 10 năm  ra đời, Luật Bình đẳng giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới và Chương trình quốc gia về phòng-chống bạo lực gia đình. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới nhằm đảm bảo công bằng và sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội đều vào cuộc để triển khai, tổ chức thực hiện.

Nhờ vậy đã tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị; các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội đã nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới trong mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; lên án đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Đưa nội dung giáo dục về giới, Luật Bình đẳng giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các chương trình học chính trị và các trường học.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp thường xuyên triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới. Thường xuyên  tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình và Chương trình quốc gia về phòng-chống bạo lực gia đình, các văn bản pháp luật liên quan khác. Qua đó góp phần xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và giáo dục phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- P.V: Việc thực hiện bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới hiện vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Vậy, cần phải làm gì để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái?

Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Thách thức lớn nhất hiện nay trong công tác phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới là nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của phụ nữ, trẻ em gái vẫn xảy ra nhưng không được tố cáo và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Các vụ bạo hành không chỉ diễn ra ở vùng nông thôn mà còn ngay cả trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kể cả đội ngũ trí thức. Nhiều người cho rằng việc tố cáo các hành vi ngược đãi, bạo hành trong gia đình là chuyện “vạch áo cho người xem lưng”. Không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ chính quyền, đoàn thể cũng coi “bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình”. Vì vậy, khi phát hiện bạo lực gia đình, cán bộ chính quyền, đoàn thể thường có xu hướng khuyên nạn nhân nhẫn nhịn và “tự giải quyết nội bộ” để cho yên cửa ấm nhà, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chính vì thế mà số vụ bạo lực gia đình ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2009 đến 2016, trên địa bàn tỉnh có đến 9.717 vụ án liên quan đến hôn nhân-gia đình. Trong đó, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý, giải quyết ly hôn 6.917 vụ. Điều đáng quan tâm là có khoảng 20% vụ ly hôn có yếu tố bạo lực gia đình. Trong số này, bạo lực liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái chiếm 55-58% và hơn 58% phụ nữ đã từng là nạn nhân của bạo hành; số vụ bạo hành về tinh thần chiếm 15%; nhiều vụ bạo hành đã để lại những vết thương suốt đời cho phụ nữ và trẻ em gái.

Để góp phần xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hàng năm tỉnh ta tổ chức “Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới”. Tháng hành động gồm nhiều hoạt động nhằm truyền đi thông điệp “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Theo đó, các ban ngành, địa phương cần tập trung giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của xã hội về bình đẳng giới và bạo lực giới, bạo lực gia đình. Ngoài truyền thông, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội tham gia-thụ hưởng, bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng với đó là tập trung huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, nhất là tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ nữ, tăng cường vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội; quan tâm và tạo cơ hội cho phụ nữ trong lĩnh vực lao động việc làm, học tập nâng cao trình độ, xử lý có hiệu quả các vấn đề xã hội như mất cân bằng giới tính khi sinh, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tổ chức các diễn đàn đối thoại, hội thảo; các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian diễn ra tháng hành động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình, điều tra xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, các vụ bạo lực bạo hành, quấy rối tình dục, hiếp dâm phụ nữ và trẻ em gái.

- P.V: Xin cảm ơn bà.

Đinh Yến (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm