(GLO)- Bạo lực gia đình luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Nhằm phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, thời gian qua, Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa (Gia Lai) đã xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Phòng-chống bạo lực gia đình” tại địa phương.
Bên cạnh việc triển khai Luật Phòng-chống bạo lực gia đình đến các tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn, năm 2010, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa đã thành lập 10 CLB “Phòng-chống bạo lực gia đình” tại phường Sông Bờ. Mỗi CLB có một Ban chủ nhiệm gồm 3 người và 20 hội viên là các cặp vợ chồng tham gia.
Tranh minh họa. |
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, các CLB đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ 20 hội viên ban đầu đã tăng lên 23-25 hội viên ở mỗi CLB. Hoạt động của các CLB đã tạo điều kiện cho các hội viên giao lưu, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống. Đặc biệt, bằng sự khéo léo, tế nhị và lý lẽ thuyết phục, các tổ hòa giải đã động viên và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng và nâng cao nhận thức cho các hội viên về bình đẳng giới cũng như cách giữ ấm hạnh phúc gia đình.
Trong số 10 CLB nói trên, CLB “Phòng-chống bạo lực gia đình” của tổ dân phố 7 hoạt động có hiệu quả nhất. CLB đã kịp thời động viên, giúp một số cặp vợ chồng đã ly thân trở về sum họp với nhau. Chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động, bà Nguyễn Thị Nhành-thành viên Ban Chủ nhiệm CLB cho biết: Để vận động được hội viên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt và hòa giải thành công những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình các hội viên không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Do vậy, chúng tôi thường động viên nhau phải kiên trì làm việc với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Có như vậy, CLB của chúng tôi ngày càng hoạt động sôi nổi và có hiệu quả hơn”.
Năm 2013, Phòng Văn hóa-Thông tin tiếp tục thành lập thêm CLB “Phòng-chống bạo lực gia đình” ở thôn Bôn Sar, xã Ia Rbol-nơi từng có một số phụ nữ Jrai tự tử vì không chịu được những hành vi bạo hành về thể xác lẫn tinh thần. Đến nay, CLB đã đi vào hoạt động khá nền nếp, bước đầu giúp cho các hội viên và nhân dân trên địa bàn thôn hiểu rõ hậu quả của bạo lực gia đình, qua đó giảm bớt được mâu thuẫn giữa các thành viên.
Ông Lê Minh Cường- Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa cho hay: việc thành lập các CLB “Phòng-chống bạo lực gia đình” hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, làm sao để vận động được người dân tin tưởng và tham gia vào CLB, sinh hoạt đúng giờ, đúng số buổi, hiểu được tầm quan trọng của các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về phòng-chống bạo lực gia đình là cả một “chiến lược” lâu dài. Đặc biệt là ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc thành lập và duy trì hoạt động của các CLB gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các CLB cũng đang gặp khó về kinh phí hoạt động. Ngoài kinh phí tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hỗ trợ, tiền mua tài liệu sinh hoạt, điện thắp sáng, nước uống, công tác liên lạc đều được chi từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp nên nguồn hỗ trợ này cũng hạn chế, mỗi báo cáo viên chỉ nhận được tiền hỗ trợ cho một đêm tuyên truyền là 50 ngàn đồng. Riêng đội ngũ những người nằm trong Ban chủ nhiệm và các tổ hòa giải là những người làm tự nguyện, chưa có phụ cấp.
Hồng Thương