Chương trình đổi mới giáo dục-Lùi để chuẩn bị cho tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới đây, Chính phủ đã đồng ý với giải pháp lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lại 1 năm (ban đầu dự kiến áp dụng chương trình mới vào năm học 2018-2019, nhưng nay cho phép thực hiện vào năm học 2019-2020).

Bên cạnh đó, dự kiến ban đầu là áp dụng chương trình mới và thay sách giáo khoa đồng loạt cho cả 3 lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10), nhưng nay, năm đầu tiên chỉ áp dụng với lớp 1, năm thứ 2 mới thực hiện cho lớp 2 và lớp 6, năm thứ 3 mới áp dụng cho lớp 10, và tiếp tục cuốn chiếu cho đến hết các lớp bậc phổ thông. Sắp tới, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội, nếu được thông qua thì chương trình giáo dục tổng thể mới sẽ được áp dụng như đề xuất.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Theo Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông đổi mới-GS. Nguyễn Minh Thuyết-thì các thành viên Hội đồng biên soạn đã khẩn trương để hoàn chỉnh các phần việc còn lại với tinh thần chuẩn bị áp dụng cho năm học 2018-2019, nhưng nay lùi lại 1 năm là hợp lý để có thời gian chuẩn bị và rà soát tất cả các điều kiện cần và đủ để mở màn.

Có 2 vấn đề quan trọng mà dư luận cho rằng chính là nút thắt dẫn đến thành công hay thất bại cho đợt đổi mới lần này, đó là cơ sở vật chất trường học và đội ngũ giáo viên. 2 điều kiện “cốt tử” này đang là khâu yếu nhất trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Nói đến cơ sở vật chất, thiết bị trường học là đụng đến ngân sách quốc gia. Trong tình hình ngân sách thu không đủ bù chi thì đây là bài toán khó cho cả trung ương và địa phương. Vì thế, chỉ cần ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đồng loạt học 2 buổi/ngày thì hàng ngàn phòng học cần phải xây dựng thêm; chưa nói đến các yêu cầu về phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh và các thiết bị đồng bộ đi kèm, sẽ vô cùng tốn kém. Đồng thời phải xem xét, rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay đã sẵn sàng cho đợt cải cách căn bản và toàn diện chưa? Đây là vấn đề ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đang lúng túng. Vì thực chất đa phần cán bộ, giáo viên ở các trường học chưa nắm bắt được tinh thần và mục tiêu của đợt đổi mới lần này.

Bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là khâu then chốt trong mọi cuộc cải cách. Vì vậy cần nghiên cứu phương pháp và kế hoạch bồi dưỡng một cách khoa học, bài bản và hiệu quả. Với kiểu làm lấy được như trước đây, Bộ truyền đạt đến Sở, Sở truyền đạt đến Phòng và cuối cùng giáo viên, người trực tiếp giảng dạy tiếp nhận chẳng được bao nhiêu so với yêu cầu.

Có thể nói, đội ngũ giáo viên có vai trò trung tâm trong đợt đổi mới khá quy mô lần này, nên việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho họ để bước vào “trận chiến” mới là bước quan trọng vì thời gian nhập cuộc không còn dài lắm. Bên cạnh đó, cần phải tính đến việc cải tiến chế độ chính sách đối với người trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao đời sống của họ lên một bước, tương xứng với công sức bỏ ra.

Các trường sư phạm là đội ngũ tiên phong, chủ động trong cải cách giáo dục nhưng hiện nay dường như còn loay hoay với các sự vụ, chưa thực sự đi vào trung tâm của sự kiện quan trọng mà chủ trương đổi mới đang đề cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đứng ra xâu chuỗi hệ thống các trường sư phạm để thực hiện chức năng vừa đào tạo vừa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Có thể chọn một số trường sư phạm các vùng, miền làm trung tâm tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục một cách thường xuyên, định kỳ. Đó là cách tốt nhất để các trường sư phạm có điều kiện tự đổi mới chính mình, hòa nhập với thực tế cuộc sống và yêu cầu đổi mới giáo dục trong thế giới hội nhập.

Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm