Phóng sự - Ký sự

Chuyện 3 người con trong gia đình "gieo mầm" cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ba người con trong một gia đình trung hiếu ở xứ Quảng đã mang lý tưởng của Đảng, vượt qua gian khổ để “gieo mầm” cách mạng trên mảnh đất Gia Lai.
Đồng chí Phan Thêm (thứ 2 từ phải sang) trong một cuộc họp. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phan Thêm (thứ 2 từ phải sang) trong một cuộc họp. Ảnh tư liệu

Mới đây, tôi có dịp về Quảng Nam thăm Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cơ sở cách mạng nhà ông Cả Phô (Trần Công Cuộc)” ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Đó là một gia đình có truyền thống hiếu học, sớm giác ngộ cách mạng với thế hệ con, cháu, dâu, rể đều có công trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Gia đình ông Cả Phô bấy giờ là nơi nuôi giấu cán bộ, là điểm hội họp của các nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như: Võ Chí Công (Võ Toàn), Phan Thị Nễ, Chu Huy Mân… Trong số những người con của ông Cả Phô, ở đây, tôi chỉ điểm danh 3 nhà hoạt động cách mạng trở thành lãnh đạo, có công trạng với mảnh đất Gia Lai thân yêu là: Phan Thêm (con rể)-nguyên Bí thư Đảng bộ Tây Sơn (Đảng bộ tỉnh Gia Lai); Trần Thị Nguyên (con gái, vợ ông Phan Thêm)-nữ Tỉnh ủy viên đầu tiên của Gia Lai; Trần Văn Quế (con trai, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Gia Kon). Đó là chưa kể đến ông Trần Văn Huệ (con trai thứ 11) sau ngày giải phóng là Trưởng ty Lương thực tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Đồng chí Phan Thêm (Phan Khắc) là cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên sau năm 1930 hoạt động ở Quảng Nam. Ông lấy người con gái thứ 6 của ông Cả Phô là bà Trần Thị Nguyên (Tú). Đương thời, ông cũng là thầy dạy học và có ảnh hưởng đến con đường cách mạng của người con trai thứ 10 của ông Cả Phô là Trần Văn Quế. Tháng 9-1945, sau khi giành chính quyền ở Gia Lai về tay Nhân dân, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Phan Thêm làm phái viên Xứ ủy và Mặt trận Việt Minh Trung Bộ lên Gia Lai để chỉ đạo phong trào, phát triển cán bộ, đảng viên. Trong hồi ký của mình, ông Phan Thêm viết: “Đến Gia Lai tại thị xã Pleiku, tôi nghĩ ngay đến việc thành lập tổ chức Đảng, vì ở đây chưa có Đảng trực tiếp lãnh đạo”. Trong thời gian này, tình hình địa phương đang còn nhiều phức tạp. Ở biên giới Việt Nam-Campuchia, thực dân Pháp đang lăm le muốn trở lại xâm chiếm Tây Nguyên nên phải cần có tổ chức Đảng để lãnh đạo Nhân dân ổn định cuộc sống và chuẩn bị mọi điều kiện để chống kẻ thù chung. Chỉ trong vòng 1 tháng vận động, thử thách trong số những người yêu nước, có tinh thần cách mạng, ông Phan Thêm đã kết nạp một số đảng viên mới là những thành phần ưu tú trong tổ chức thanh niên và viên chức cũ. Và ngày 1-10-1945, tại thị xã Pleiku, chi bộ đầu tiên gồm 9 đảng viên được thành lập, do đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư. Mỗi đảng viên trong chi bộ lấy 1 chữ trong câu: “Xin-Thề-Hy-Sinh-Tất-Cả-Vì-Đảng-Ta” làm bí danh cho mình. Ông Phan Thêm bấy giờ mang bí danh “Cả”. Tiếp theo đó, các chi bộ ở huyện An Khê, đồn điền Bàu Cạn, Biển Hồ và chi bộ trong Chi đội Tây Sơn lần lượt ra đời. Đến ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai chính thức được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn, do đồng chí Phan Thêm làm Bí thư và 4 đồng chí: Nguyễn Đường, Phạm Thuần, Nguyễn Xuân, Trần Ren làm Ủy viên Ban Chấp hành.

Đoàn cán bộ, phóng viên tìm hiểu lịch sử Báo Gia Lai thăm Khu di tích lịch sử ông Cả Phô. Ảnh: P.V

Đoàn cán bộ, phóng viên tìm hiểu lịch sử Báo Gia Lai thăm Khu di tích lịch sử ông Cả Phô. Ảnh: P.V

Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Gia Lai là một dấu mốc quan trọng trong giai đoạn bộ máy chính quyền cách mạng đang còn non trẻ đã tạo ra một bước tiến mới của phong trào cách mạng địa phương khi có Đảng lãnh đạo. Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn và hoàn cảnh hết sức khó khăn của tỉnh mới giành được chính quyền như Gia Lai nhưng với quyết tâm cao, ông Phan Thêm trong vai trò Đặc phái viên Xứ ủy đã thành công trong cuộc vận động, nhanh chóng hình thành các tổ chức cơ sở Đảng làm hạt nhân để tiến tới thành lập được Đảng bộ tỉnh Gia Lai.

Tháng 6-1946, trong tình thế thực dân Pháp tái chiếm thị xã Pleiku, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ dân chính Đảng và bộ máy lãnh đạo tỉnh tạm thời tản cư, rút về Phú Phong (Bình Định) để chỉnh đốn lực lượng, bàn phương án chống giặc. Tỉnh ủy Gia Lai và cơ quan huyện An Khê sau đó chuyển về Vĩnh Thạnh (Bình Khê, Bình Định). Bên cạnh các đồng chí cấp ủy cũ, Ban Chấp hành bổ sung thêm 2 Tỉnh ủy viên mới là Phan Bá và Trần Thị Nguyên. Bấy giờ, bà Nguyên là nữ cán bộ phụ vận dày dạn kinh nghiệm ở Quảng Nam, từng vào tù ra khám của thực dân Pháp, là cán bộ phụ vận của Xứ ủy Trung Bộ được Xứ ủy cử vào công tác ở Phú Yên. Trong chuyến đi kiểm tra ở Phú Yên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh gặp và giao nhiệm vụ cho bà Nguyên lên Gia Lai, Kon Tum vận động, củng cố Hội Phụ nữ Cứu quốc ở 2 địa phương này. Được về công tác bên cạnh người chồng yêu quý Phan Thêm, đang là Bí thư Tỉnh ủy, với vai trò là Tỉnh ủy viên, bà Nguyên đã nỗ lực hết mình, xông pha vào trận tuyến mới để cùng chồng và các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó. Bà Nguyên được phân công cùng đồng chí Phạm Thuần, Nguyễn Xuân lên Xóm Ké (Thượng Bình, An Khê) để xây dựng căn cứ kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo phong trào huyện An Khê. Đồng thời, bà đã có công vận động, tập hợp một số chị em ở Gia Lai sơ tán xuống Bình Định để thành lập Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Lai do chính bà làm Hội trưởng. Khi tình hình chiến sự ngày càng căng, bà đã đứng ra lập Đội nữ tự vệ gồm 30 đội viên, được huấn luyện để làm nhiệm vụ cảnh giới, canh gác, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội ta tấn công tiêu diệt địch. Năm 1947, khi quân Pháp tấn công vào căn cứ Xóm Ké, bà đã bình tĩnh, mưu trí bảo vệ, cất giấu tài liệu của Đảng và Việt Minh an toàn. Đến năm 1949, bà được điều về phụ trách công tác phụ vận thuộc Khu ủy Khu V. Sau đó, bà ra Bắc và công tác tại nhiều cơ quan, xí nghiệp. Chức vụ sau cùng của bà là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra TP. Hà Nội, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Còn ông Trần Văn Quế nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1976 đến 1986, ông là Thứ trưởng Thường trực Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Ban cán sự Bộ Lâm nghiệp.

Khu tưởng niệm thờ cụ Phan Thêm. Ảnh: Hoàng Dũng

Khu tưởng niệm thờ cụ Phan Thêm. Ảnh: Hoàng Dũng

Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông Quế làm Giám đốc Tuyên truyền Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam ở Quảng Ngãi. Sau đó, ông lại có duyên với các tỉnh Tây Nguyên. Đầu năm 1948, Ban cán sự Khu 15 (Tây Nguyên) thành lập, ông Quế được điều động làm Giám đốc Thông tin và Dân vận khu. Hồi ký của ông có đoạn: “Tôi phụ trách Giám đốc Thông tin và Dân vận khu, lặn lội khắp nơi, khắp chốn, hết Đak Lak, tới Gia Lai rồi Kon Tum. Và có biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên trong những năm tháng cùng chung sống với bà con các dân tộc Tây Nguyên”. Giữa năm 1948, ông Quế được bổ sung vào Thường vụ Ban cán sự Tỉnh ủy Gia Lai. Sau khi sáp nhập tỉnh, ông được bầu vào Thường vụ liên Tỉnh ủy Gia Kon. Cho đến đầu năm 1950, ông Quế được điều về Khu V làm công tác kiểm tra. Tuy chỉ 2 năm ở vai trò lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Gia Kon trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt, gian khổ, ông Quế đã sát cánh cùng đồng đội, đồng bào các dân tộc xây dựng cơ sở cách mạng, đưa cuộc kháng chiến ở địa phương giành được nhiều chiến công, tạo nền tảng cho thắng lợi hoàn toàn, đánh bại thực dân Pháp ở Tây Nguyên.

Những người con trong một gia đình trung hiếu xứ Quảng ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã mang lý tưởng của Đảng, vượt qua gian khổ để “gieo mầm” cách mạng trên mảnh đất Gia Lai. Tự hào với những thành tựu và sự phát triển của tỉnh nhà, chúng ta không quên ơn những bậc tiền bối đã xả thân vì nước vì dân, đem lại sự no ấm, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc hôm nay.

BÙI QUANG VINH


Có thể bạn quan tâm