(GLO)- Câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi; tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè” xem ra xưa như trái đất. Bây giờ người ta ăn chơi quanh năm, lúc nào cũng “vui như Tết” và chẳng có gì lạ, coi đây là động lực quan trọng bậc nhất thúc đẩy “ngành” dịch vụ này phát triển đến chóng mặt. Vượt lên trên tất cả các ngành kinh doanh khác, dịch vụ ăn uống và vui chơi luôn dẫn đầu về sự phát triển, bởi đây là lĩnh vực thu lợi nhuận nhanh và cao nhất, trong khi đầu tư ban đầu lại ít nhất.
Từ ăn uống “cao cấp”…
Chuyện ăn uống ở Phố núi Pleiku thật “đa dạng” từ cao cấp cho tới bình dân…
Trước đây, khi bà con Việt kiều và người nước ngoài chưa đến Phố núi này nhiều, những người tiền bạc rủng rỉnh không mấy vắng mặt ở những nhà hàng thuộc loại “trung sang”.
Tại đây, các món ăn cũng là độc đáo và phong phú như tôm chiên hỏa tiễn, bóng cá nhồi tôm, bồ câu nhồi thịt, cua sốt nấm tươi, cua bỏ lò, gà bỏ lò Quảng Đông, kim kê hoàn lạc thủy, phượng hoàng ấp trứng, vịt quay Bắc Kinh, vịt lăn bột chiên… Giá cả rẻ rề đối với những người có đô la và tiền bạc dư dật, còn những ai lương ba cọc, ba đồng và làm thuê, ở mướn thì xin “hạ hồi đề cập”. Một số “nhà hàng” có tiếp viên xinh đẹp như T.L., T.Q., Q.H… vốn đã “nổi đình, nổi đám” trước đây, nói cho cùng các món ăn cũng không lấy gì đặc sắc, giá lại cao vùn vụt, nhưng lúc nào cũng kín bàn, đông nghẹt người. Ngoài ra, “Thượng đế” nào muốn hưởng khí trời trong mát vừa thưởng thức bữa ăn vừa ngắm nhìn “thuyền nước” đung đưa, phong cảnh hữu tình thì hãy đến nhà hàng trong Công viên Diên Hồng.
Đến bình dân chiếm đoạt vỉa hè
Ở TP. Pleiku, vỉa hè là điểm lý tưởng, là “cần câu cơm” cho dân nghèo thành thị và lao động thất nghiệp kinh doanh nuôi sống cho cả gia đình. Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và ăn khuya, giải khát, quà vặt… lúc nào, khi nào người giàu sang cũng như người nghèo khó đều có thể ghé vào vỉa hè để thỏa mãn nhu cầu ăn nhậu.
Vâng! không ít người ngạc nhiên, nhiều như vậy, bất cứ ngon hay không ngon, hợp khẩu vị và chưa hợp khẩu vị mà quán xá ở Pleiku lúc nào cũng đông khách. Dạo ra ngoại ô Phố núi Pleiku, tìm hiểu thấy “khả năng tiêu thụ” quá sức tưởng tượng. Ở một địa điểm ngót nghét một ngàn dân thì đã có tới hàng chục quán cơm, phở, hủ tiếu, lòng heo, tiết canh đủ loại và nhiều hàng quà khác, tất tần tật đều đông khách. Còn trong nội thành “phong trào” ăn quán dần dà đã xâm nhập vào nhiều gia đình không ít người có tuổi ca cẩm: Thời buổi bây giờ hiếm có một bữa cơm đoàn tụ gia đình. Ngẫm cho kỹ, đằng sau sự phàn nàn đó còn chứa đựng bao nỗi lo âu khác. Đành rằng, “ăn quán” có thể tiết kiệm được thời gian, nhưng lại lãng phí tiền và nảy sinh sự lười biếng trong việc nội trợ và mất đi không khí ấm cúng cần thiết ở mỗi tổ ấm gia đình.
Đi sâu tìm hiểu, thấy xuất hiện những khác biệt trong “phong cách quán”. Hình như không ít người đến với quán bình dân nhằm giải quyết một… nhu cầu nào đó. Một anh bạn cùng chung đường phố với tôi, tâm sự: Chiều chiều muốn tìm đến cái quán ở một góc phố nào đó, nhâm nhi xị rượu Bàu Đá với xương bò hầm rục để thả hồn vào không gian cho vơi nỗi nhọc mệt sau một ngày lao động căng thẳng. Còn bạn bè tôi lại muốn trút cái mệt nhọc để đổi lấy sự… đê mê, lâng lâng do chất men đem đến bằng cách nhậu thật sự, nhậu… tới bến! Suy ngẫm nhân tình thế thái từ quán bình dân không giống nhau nhưng có điểm tương đồng: dốc bầu tâm sự, tìm ra “phương thức làm ăn có hiệu quả”, rồi quanh đi, quẩn lại cũng đến những chuyện… tào lao.
Con đường làm giàu
Thật ra, làm giàu bằng kinh doanh ăn uống phải kể đến “biệt tài” của người Tàu. Câu nói truyền miệng “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” không chỉ là hài hước mà nó dẫn đến đầu mối kinh doanh ăn uống. Từ thời vua chúa Trung Quốc-những món ăn ở quốc gia này, được liệt kê ra hàng ngàn thứ chứ không phải hàng trăm. Chính sự cầu kỳ, kiểu cách nấu nướng, nghệ thuật tiếp đãi thực khách, đã làm cho người Tàu không chỉ thành công ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh những địa điểm ăn uống thuộc loại trung, cao cấp còn có rất nhiều quán bình dân làm ăn khấm khá. Anh Hải-ở một đường phố chính nội thành Pleiku cả nhà có tới 6-7 miệng ăn, sống trong căn nhà chật hẹp, nhờ bán phở nâng cấp nhà, mua ô tô bóng lộn… Bây giờ người cùng đường phố mới biết anh “buôn thất nghiệp mà lại quan viên” chẳng bù với một ông ở cách nhà anh Hải non 100 mét có cửa hàng khá bắt mắt. Hôm khai trương nhộn nhịp làm sao, nhưng chỉ được vài ba tháng đã phải dẹp tiệm, sau đó vợ con dắt nhau về quê làm ruộng. Ông than thở: “Tôi không có số mở cửa hàng ăn” nhưng thật sự ông thất bại vì mù tịt về nghề ăn uống mà lại bỏ vốn kinh doanh lĩnh vực này.
Có thể hơi sớm khi dự báo rằng: đến một lúc nào đó, mâm Tết cổ truyền ở gia đình sẽ được bê ra nhà hàng, khách sạn! (chẳng gì đám cưới đã đi trước một bước). Thật thế thì Tết nhất sẽ trở nên… “giản dị” lắm thay! Hy vọng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tết đến, chuyện ăn uống ở Phố núi Pleiku này kể sao cho hết những “Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Huỳnh Chánh Trực