Dốc Cổng Trời, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có một nhà bia tĩnh mịch giữa rừng già. Nơi đây, sáng ngày 21-8-1980, một số y, bác sĩ, đang trên đường đi chống dịch bệnh đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương khi rơi vào ổ phục kích của tổ chức phản động Fulro.
Câu chuyện về lòng quả cảm của các y, bác sĩ không ngại khó khăn gian khổ kể cả hiểm nguy để chống giặc dịch, cứu giúp đồng bào đến nay vẫn gây xúc động lòng người mỗi khi nhắc lại...
Đường Trường Sơn Đông đổ nhựa phẳng lì, băng qua những cánh rừng nguyên sinh, thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Bây giờ, đường vào Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) không còn là nỗi thách thức đối với con người.
Ông Lê Văn Đường, người duy nhất còn sống sót sau trận phục kích của Fulro.
Nhưng cách đây chưa lâu, mỗi khi Tây Nguyên chuyển mùa, mưa gió dầm dề, có thời điểm vào Đưng K’nớ gần như là điều không thể. Xã chìm giữa rừng già và giáp ranh với tỉnh Đắk Nông này bị cô lập hoàn toàn, không loại phương tiện thông dụng nào có thể vượt qua được quãng đường đất đỏ lầy lội, ngập cả bánh xe và trơn trượt như bị đổ nhớt. Để đối phó với những tháng mưa gió, lúc bấy giờ người dân Đưng K’nớ luôn trong tâm thế phải chuẩn bị đầy đủ những thực phẩm thiết yếu nhất.
Nhưng cũng có thời điểm, những nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của họ gần như cạn kiệt do mưa gió kéo dài trong nhiều tuần liên tiếp, không một phương tiện thông dụng nào có thể vào được.
Trước tình thế cấp bách đó, đã có lần lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương đã phải “cầu cứu” UBND tỉnh Lâm Đồng. Các xe đặc chủng chuyên lội nước, băng rừng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng được điều động vào cuộc. Nhờ thế mà người dân xã Đưng K’nớ thoát khỏi cảnh đói khát kéo dài trong nhiều ngày.
Cũng chính vì sự gian nan, nguy hiểm trên con đường vào Đưng K’nớ mà thời ấy nhiều cán bộ làm công tác tại vùng sâu vùng xa đã tử vong do dịch bệnh hoặc bị Fulro phục kích giết hại. Bia tưởng niệm đặt ngay bên cạnh đường Trường Sơn Đông, hướng vào trung tâm xã Đưng K’nớ ở Cổng Trời là minh chứng tố cáo tội ác của tổ chức phản động Fulro.
Nơi này, cách đây gần 40 năm, đoàn công tác bao gồm các bác sĩ, y sĩ và lái xe đã bị Fulro phục kích sát hại khi đang trên đường đi chống dịch ở khu vực Đầm Ròn (nay là 3 xã thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Người còn may mắn sống sót sau trận phục kích của Fulro là ông Lê Văn Đường (65 tuổi), hiện ngụ tại TP Đà Lạt.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất nhưng trên vùng đất Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, vẫn chưa bình yên. Tổ chức phản động Fulro được sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài vẫn ráo riết hoạt động, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, đòi ly khai vùng lãnh thổ Tây Nguyên thành một nhà nước độc lập.
Tổ chức này hoạt động trong rừng sâu, lực lượng là liên minh một bộ phận các dân tộc thiểu số bản địa bị các đối tượng cốt cán trong tổ chức phản động này xúi giục, kích động, thường đánh du kích và đã gây cho ta không ít khó khăn, thiệt hại về người.
Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, ông Lê Văn Đường bùi ngùi nhớ lại ngày định mệnh xảy ra cách đây gần 40 năm, đó là ngày 21-8-1980. Khi ấy, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương nhận được một giấy báo dịch đang hoành hành ở khu vực Đầm Ròn (thời điểm đó còn thuộc huyện Lạc Dương). Trung tâm đã báo lên Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và được thành lập đoàn chống dịch, bao gồm người của Trạm sốt rét và Trạm phòng dịch.
Lúc bấy giờ, ông Lê Văn Đường đang làm kỹ thuật viên, Tổ phó Tổ côn trùng ở Trạm sốt rét. Đường tới vùng phát hiện dịch bệnh khá xa, phải băng qua rừng già, xuyên qua vùng Đưng K’nớ mới vòng xuống được Đầm Ròn. Đây cũng là địa điểm Fulro thường lựa chọn hoạt động, phục kích, sát hại người đi đường để cướp bóc tài sản, thuốc men.
Trước khi lên đường, từ ngày hôm trước, đoàn công tác đã phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men và các yếu phẩm cần thiết phục vụ chống dịch lâu dài. Sáng sớm ngày 21-8-1980, chiếc xe Toyota mới được Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) viện trợ cách đó 2 tuần hăm hở lên đường làm nhiệm vụ.
Trên chuyến xe định mệnh năm ấy, nhiều y bác sĩ vẫn còn rất trẻ, chưa có gia đình như bác sĩ Nga Ra Đôn, bác sĩ Vũ Công Thìn, y sĩ Trần Mạnh Canh, y sĩ K’Téo, y tá Nguyễn Văn Quang, y sĩ Phan Văn Hoàn...
Ông Đường vẫn còn nhớ như in, biết đi rừng gian khổ, xe cộ có thể bị hư hỏng hoặc sập hầm hố bất cứ lúc nào, cảnh phải ngủ lại rừng do xe bị sa lầy, xe hư hỏng, ông Đường đã kinh qua nhiều lần. Sáng hôm đó, ông thức dậy từ rất sớm nổi lửa rang một bịch bắp thật to để “phòng thân”.
Nhà bia tưởng niệm những liệt sĩ ngành y tế tỉnh Lâm Đồng.
Trên đường đi, chiếc Toyota vượt đường rừng cứ nhào lên, hụp xuống như muốn sốc cả gan ruột những người ngồi trong xe ra ngoài. Chẳng mấy lúc, ai nấy đã đói meo, ngửi thấy mùi thơm của bắp rang, các thành viên trong đoàn công tác ai cũng thòm thèm. Ông Đường hào phóng lấy cả bịch bắp lớn chia hết cho mọi người ăn cho đỡ đói.
Trên đường đi, đoàn xe chống dịch gặp một xe của ngành lâm nghiệp đi cùng hướng, ai cũng vui mừng vì ngỡ đã có “bạn đồng hành” trong rừng sâu hun hút. Thế nhưng, khi đến một ngã ba, xe của ngành lâm nghiệp rẽ phải, sang hướng đi Suối Vàng. Đoàn xe chống dịch tiếp tục vượt qua những con dốc quanh co, chật hẹp, men theo lối mòn trên các triền đồi thông đi về hướng Đầm Ròn.
Càng đi vào rừng sâu, không gian càng heo hút, tịnh nhiên không một bóng người. Rừng già hiện ra, trời tháng 8 âm u sương mù sau những trận mưa dài. Tới dốc Cổng Trời, chiếc xe cố tăng ga vượt đèo dốc thẳng đứng, cả đoàn không còn nghe thấy gì ngoài tiếng gầm rú của động cơ xe Toyota đang cố trườn qua những ổ voi, ổ gà, gập ghềnh sỏi đá, bên núi cao, bên vực sâu hun hút.
“Bất ngờ súng nổ dội vào taluy bên đường. Nghe tiếng súng đoàng đoàng, tôi nghĩ bụng, ai bắn gì kì vậy? Lúc đó, tôi và bác sĩ Nguyễn Phú Cường đang ngồi trên bửng xe, thấy mui xe đã thủng rất nhiều lỗ, anh em trong xe trúng đạn la lên, tôi đinh ninh chắc chắn là bọn Fulro tổ chức phục kích, bắn giết chúng tôi để cướp thuốc rồi!..”, ông Lê Văn Đường xót xa kể lại giây phút định mệnh ấy.
Trầm ngâm ít phút để kìm nén sự xúc động của quá khứ ám ảnh hiện về, ông Đường lại rưng rưng kể lại phút giây hoảng loạn đó. Biết xe bị trúng đạn do Fulro phục kích, ông Đường tuột nhẹ xuống khỏi mui xe và trườn dọc theo thân xe ôtô. Ông nằm sát vào taluy để tránh đạn.
Lúc này, y sĩ Nguyễn Đình Giao cũng đã trườn được xuống khỏi xe, nằm sát vào người ông Đường. Nhưng người ông Giao đầy máu, có vẻ bị thương rất nặng do trúng một viên M79 vào bên hông. Tiếng súng tiếp tục vang lên đì đoàng, nã thẳng vào chiếc xe ôtô đã dừng hẳn và bốc cháy dữ dội.
“Giây phút đó, tôi thấy anh Vũ Công Thìn văng ra khỏi xe, rớt ngay xuống gần chân tôi. Cả người anh bốc cháy ngùn ngụt. Cả đời tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh ấy!..”, ông Đường kể. Sau khi xe bốc cháy, phải 10 phút sau tiếng súng ngưng. Khi đó ông Đường mới biết ông Giao vẫn còn sống.
“Anh nằm dưới chân tôi, dù rất đau đớn, máu chảy ra rất nhiều nhưng vẫn gượng gọi: “Đường, Đường, mày có sao không? Tao bị thương rồi. Mày đi được không? Mày cố lết ra xe lâm nghiệp gặp lúc sáng tìm người ta tới cứu, chứ mày nằm ở đây vài tháng trời mới có người qua lại, chắc mày chết đó Đường ơi!”. Rồi anh ấy lịm đi!..”, ông Đường thuật lại khoảnh khắc đau lòng ấy.
Lúc này, người ông Đường máu chảy khắp thân, cảm giác đau đớn nhưng chưa biết mình trúng đạn chỗ nào: “Tôi cố đứng dậy, vẫn thấy mình đi được, dù rất đau. Nhưng tôi chết lặng khi thấy anh em người thì cháy đen, người nằm dưới đất, người rớt trên mui xe. Trong miệng anh em vẫn còn ngậm bắp rang hồi sáng tôi cho!..”, ông Đường phải dừng câu chuyện lại để lau nước mắt.
Sau giây phút khủng khiếp đó, ông Đường cố đi bộ ra ngã 3 để tìm trại của đội lâm nghiệp. Ông lần vào hướng Suối Vàng, được khoảng 200m thì thấy đội lâm nghiệp cắm trại ở đó. Ông chỉ thốt lên một câu “cứu anh Giao” rồi ngất xỉu. Lúc tỉnh lại, ông thấy mình đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ đếm được trên người ông có 11 vết đạn.
Còn y sĩ Nguyễn Đình Giao đã mất khi xe tới ngã 3 Tùng Lâm, cách bệnh viện 3 cây số: “Chỗ xảy ra vụ việc cách bệnh viện chỉ khoảng 30 cây, nhưng hồi đó đường rừng, xe lâm nghiệp đi từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều mới tới nơi. Nếu đường thuận lợi như bây giờ, chắc anh Giao còn sống!..”, ông Đường nghẹn ngào.
Ông Đường cho biết, sau khi hi sinh, những “liệt sĩ ngành y” được đem về chôn cất trên đồi 3 cây ở Tùng Lâm, về sau mới đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Sau này, bác sĩ Nguyễn Phú Cường và bác sĩ Vũ Công Thìn được gia đình lên mang về quê chôn cất: “Bao nhiêu năm qua, những hình ảnh ngày hôm ấy vẫn hiện rõ mồn một trong trí nhớ của tôi, hiện ra ngay lúc tôi thức, không phai nhòa chút nào sau gần 40 năm trời. Nhớ đến hình ảnh lúc chết, trong miệng anh em vẫn còn nhai bắp rang, tôi lại khóc!..”, ông Đường rưng rưng nước mắt.
Khắc Lịch (Cảnh sát toàn cầu Online)