Chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở huyện Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Sê là một huyện miền núi có nhiều dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống như: Bahnar, Jrai, Mường, Tày, Thái, Nùng, Dao… phần lớn cư trú và sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ từ trung ương đến tỉnh và huyện nên tình hình kinh tế-xã hội huyện nhà bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực: kinh tế phát triển khá, các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong công cuộc đổi mới, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực, cùng chung sức, chung lòng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do vậy, tổng giá trị sản xuất của huyện Chư Sê không ngừng tăng trưởng qua các năm: nếu như năm 2010 là 1.281 tỷ đồng thì đến năm 2014 tổng giá trị sản xuất ước thực hiện tăng gần gấp đôi với 2.163 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2010-2014 đạt 14%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển-nông-lâm-công nghiệp, dịch vụ…

 

Thị trấn Chư Sê. Ảnh: M.T
Thị trấn Chư Sê. Ảnh: Minh Triều

Đáng chú ý là trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững; UBND huyện cũng xây dựng chương trình hành động cho giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 với tinh thần huy động toàn lực của cả hệ thống chính trị vào việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Theo số liệu tổng hợp, cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 29,14%, tương đương 6.120 hộ. Đến năm 2012, tỷ lệ trên giảm còn 20,48% tương đương 5.219 hộ. Trong đó, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89% tổng số hộ nghèo, tương đương 4.652 hộ; đến cuối năm 2013 số hộ này giảm còn 3.872 hộ; số hộ cận nghèo là 1.357 hộ; tỷ lệ đói nghèo giảm còn 16,9%.

Bên cạnh đó, trong 5 năm trở lại đây, từ các Chương trình 134, 135 và các dự án từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, huyện Chư Sê đã đầu tư hơn 47 tỷ đồng xây dựng hàng trăm công trình giao thông nông thôn, trường học, công trình nước sinh hoạt, nhà ở cộng đồng… giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nâng cao đời sống. Huyện cũng đã tổ chức xây dựng được 752 công trình nước sinh hoạt cho các hộ với tổng kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho 624 hộ; cấp đất cho 175 hộ với diện tích 136,6 ha; giải quyết đất sản xuất và đất ở cho 562 hộ với diện tích 147,8 ha...

Về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, qua 3 năm thực hiện (2011-2013) theo Quyết định 167, toàn huyện đã hoàn thành 1.377 căn nhà với tổng vốn ngân sách cấp là 11,5 tỷ đồng, vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội là 10,4 tỷ đồng, vốn người dân góp là 237 triệu đồng và nguồn vốn huyện hỗ trợ là 1,8 tỷ đồng. Năm 2010, Ngân hàng Công thương tài trợ xây dựng 25 căn nhà tại xã Al Bá, với kinh phí 500 triệu đồng, hiện ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ xây 30 căn nhà cho các hộ nghèo ở xã Al Bá, Kông Htok, xã Dun với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Song song với công tác giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, công tác giáo dục cũng được huyện Chư Sê quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ, từ năm 2011 đến tháng 9-2013, huyện đã tiến hành hỗ trợ cho 13.500 học sinh phổ thông là DTTS hơn 8,5 tỷ đồng/năm; trong đó con hộ nghèo DTTS là 4.680 em/năm với kinh phí hỗ trợ trên 2,9 tỷ đồng. Riêng trong năm học 2013-2014, học sinh còn được hỗ trợ 14.445 bộ sách giáo khoa, vở học sinh; được hỗ trợ hơn 31 tấn gạo. Nhờ đó, tỷ lệ duy trì sĩ số đối với học sinh DTTS là 13.052/13.139 đạt 99,34%; tỷ lệ huy động con em DTTS trong độ tuổi đến trường 13.052/13.546 đạt 96,35%.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS luôn được cấp ủy và chính quyền đặc biệt quan tâm. Từ năm 2009-2013, huyện đã tổ chức 130 lớp cho 6.835 người DTTS; sau khi hoàn thành các lớp học, phần lớn các học viên được nhận vào các cơ sở sản xuất như Công ty Cao su Chư Sê; Công ty Cao su Mang Yang, cơ sở may tại TP. Hồ Chí Minh… Chính nhờ sự quan tâm đó của cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ở Chư Sê không ngừng được nâng cao. Hiện trên địa bàn huyện còn lưu giữ 217 bộ cồng chiêng có giá trị về mặt văn hóa và tinh thần. Riêng làng Diếp (xã Kông Htok) có đến 30 bộ cồng chiêng. Nhằm tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong huyện, huyện đã vận động, khuyến khích người dân thường xuyên sinh hoạt cồng chiêng trong thôn, làng; tổ chức thi cồng chiêng giữa các làng lân cận; phục dựng một số lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới, cúng bến nước; gìn giữ nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm…

Xây dựng khối đại đoàn kết bền chặt

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Chư Sê quan tâm. Ảnh: M.T
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Chư Sê quan tâm. Ảnh: Minh Triều

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn huyện Chư Sê vẫn còn một số hạn chế nhất định cần khắc phục trong thời gian tới như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về thực hiện các chính sách cho đồng bào DTTS còn chưa đúng, chưa đầy đủ; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn cao, nhất là các xã vùng III của huyện trong khi nguồn lực huy động cho chương trình xóa đói giảm nghèo còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra; công tác giáo dục, y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị dạy và học, y tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định, các thế lực chống phá vẫn đang ngầm hoạt động…

Chính vì thế, cùng với việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Chư Sê lần thứ II, huyện sẽ quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và đời sống đối với đồng bào DTTS; đoàn kết các thành phần dân tộc trong phát triển đời sống; đẩy mạnh phong trào văn hóa, thể thao, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; quyết tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền chặt, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”… Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Lồng ghép các chương trình đầu tư vào vùng đồng bào DTTS để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững.

Tới đây, huyện sẽ tiếp tục phát động nhiều phong trào, cuộc vận động mang ý nghĩa thiết thực như: cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và xây dựng “Quỹ vì người nghèo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ đó tổ chức nhân rộng phong trào, triển khai sâu rộng đến từng hộ gia đình, góp phần giáo dục truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi...

Trong thời gian tới, nhằm tạo sự phát triển ổn định, bền vững, huyện sẽ tập trung xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, kịp thời giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.

Nguyễn Hữu Tâm
(Phó Chủ tịch UBND huyện)

Có thể bạn quan tâm