Chuyện cái vỉa hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 1 năm trước, khi dẫn đầu đoàn liên ngành của quận ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn, ông Đoàn Ngọc Hải-Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã thẳng thắn tuyên bố với báo chí: “Nếu không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng”. Thú thật, khi nghe ông Hải tuyên bố như vậy, không chỉ tôi mà có lẽ nhiều người khác cũng nghĩ là ông “nổ”. Bởi lẽ, không ai dại gì từ bỏ cái ghế mà mình đã phải phấn đấu rất nhiều mới có chỉ bởi mỗi lý do… “nói mà không làm được”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng giờ thì tôi biết mình đã sai khi nghĩ về ông Hải, một con người dám nói và cũng dám làm. Sau những ngày xuống đường quyết liệt lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ bất chấp sự phản ứng, đe dọa của nhiều người vi phạm, ngày 8-1 vừa qua, ông Hải bất ngờ viết đơn xin từ chức. “Tôi thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này”-ông Hải nêu lý do trong đơn.

Quyết định xin từ chức của ông Hải ngay sau khi xuất hiện trên báo chí lại khiến dư luận nóng lên, hệt như những lần ông chỉ huy đập phá các công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè hay cẩu xe ô tô đậu đỗ trái phép. Nhiều người bày tỏ sự tôn trọng với quyết định của ông và coi đó là hành động đáng để nhiều quan chức nước ta-nhất là những người “hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều”-phải học tập. Với cá nhân tôi, ngoài sự tôn trọng dành cho ông Hải, còn cảm thấy chua xót cho một thực tế, ấy là sự thất bại không chỉ của một cá nhân mà của cả bộ máy cơ quan công quyền trong việc lập lại trật tự ở nhiều đô thị, cụ thể ở đây là việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, việc ông Hải dẫn đầu đoàn liên ngành xuống đường lập lại trật tự đô thị ở quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã tạo nên một hiệu ứng lan tỏa đến nhiều đô thị trong cả nước. Nó mạnh mẽ đến mức mà người ta phải gọi đó là “cuộc chiến giành lại vỉa hè”. Ngay tại Pleiku, sau khi tuyên truyền, vận động, cuối tháng 3-2017, lực lượng chức năng và các xã, phường trên địa bàn cũng đã đồng loạt ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh hay xây dựng trái phép. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn TP. Pleiku đã được tháo dỡ; nhiều tuyến đường người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh cũng đã được dọn dẹp, chấn chỉnh để trả lại lối đi cho người đi bộ và mỹ quan thành phố. Thế nhưng, cũng chỉ sau đó vài tháng, khi “chiến dịch” hạ nhiệt, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn phức tạp, không chỉ riêng ở Pleiku mà nhiều nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng…

Khi ngồi viết bài này, tôi mở cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) biên soạn và xuất bản năm 1992 để tra mục từ “vỉa hè”. Và đây là cách giải thích của các tác giả: vỉa hè là “phần dọc theo 2 bên đường phố, thường được xây lát, dành riêng cho người đi bộ”. Không biết hơn 20 năm qua, những nhà ngôn ngữ học khi làm từ điển tiếng Việt có thay đổi gì hay không, còn nếu vẫn giữ nguyên cách giải thích vỉa hè là nơi “dành riêng cho người đi bộ” thì thật quá hài hước, nhất là khi nhìn vào thực tế. Bởi lẽ, ở nước nào khác trên thế giới, vỉa hè có thể đúng là nơi dành riêng cho người đi bộ, nhưng ở hầu hết các đô thị nước ta, nó là nơi để người ta dựng xe, bày hàng quán kinh doanh và là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều cán bộ thực thi công vụ thoái hóa biến chất bảo kê trục lợi như dư luận vẫn hay râm ran.

Trong bài viết đăng trên một tờ báo điện tử vào tháng 2-2017, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Vỉa hè là thứ rất nhỏ, quyền được sử dụng vỉa hè một cách chính đáng của người đi bộ cũng là thứ quyền lợi rất nhỏ so với vô số quyền lợi khác mà người dân cần được hưởng. Nếu những việc nhỏ này vẫn không thể giải quyết và quản lý được thì chưa thể nói tới những việc lớn và khó hơn”. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Ai sẽ đứng ra giành lại vỉa hè cho người đi bộ? Hỏi mà không thể trả lời bởi ngay cả một người mạnh mẽ, quyết liệt, đầy tâm huyết như ông Đoàn Ngọc Hải còn bất lực đến nỗi phải viết đơn xin từ chức.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm