Phóng sự - Ký sự

Chuyện cảm động về người viết thư tay xuyên thế kỷ ở Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giữa ồn ào, náo nhiệt, giữa thay đổi đến chóng mặt của Sài Sòn xưa, TP.HCM ngày nay, ở một góc Bưu điện Trung tâm thành phố, có một nơi lặng lẽ, một con người lặng lẽ đã sống xuyên hai thế kỷ, với công việc cũng lặng lẽ: viết thư tay…
“Nhân chứng sống” hai thế kỷ
Du khách trong và ngoài nước đã một lần đến tham quan Bưu điện Trung tâm TP.HCM nằm ở góc đường Công Xã Paris (đối diện Nhà thờ Đức Bà – phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đều ấn tượng về ông Dương Văn Ngộ (89 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên là nhân viên Bưu điện Sài Gòn – TP.HCM) và công việc có một không hai, ngồ ngộ như cái tên của ông: viết thư tay.
Giữa khung cảnh sôi động, tấp nập khách vào ra tham quan công trình kiến trúc của Pháp được xây dựng lâu đời và đẹp nhất, nhì TP mang tên Bác, người ta chú ý tới người đàn ông nhỏ bé, khắc khổ, mái tóc bạc trắng… cứ ngồi lặng lẽ, trầm tư bên góc bàn đặt giữa bưu điện này.
 
Ông Ngộ cứ ngồi lặng lẽ nơi đây với công việc dịch, viết thư tay đã mấy chục năm qua.
Trên góc chiếc bàn dài mà bưu điện dành cho khách ngồi viết các nội dung trên bao thư gửi đi hoặc cho khách có không gian nghỉ ngơi, ông Ngộ bày gọn gàng những chiếc phong bì đã cũ, vài cuốn từ điển Anh – Việt, Pháp – Việt… sờn gáy, giấy bên trong ngả màu ố vàng và các góc sách đã sờn rách, chiếc túi đựng đồ…
Nhưng có lẽ quý giá nhất với ông Ngộ là chiếc kính lúp của một phóng viên nước ngoài tặng ông nhân sinh nhật lần thứ 85 có khắc dòng chữ: “Chúc mừng sinh nhật ông Dương Văn Ngộ 3/3/2015 – 85 tuổi – Carsten kính tặng” và những tờ báo nước ngoài viết về ông.
Ông Ngộ đưa ra những tờ báo viết bằng tiếng Đức, tiếng Nhật photocopy lại và ông gấp cất cẩn thận như những báu vật. Ông chia sẻ, từ bài báo viết về ông bằng tiếng Đức cách đây 12 năm, sau đó các báo trong và ngoài nước mới biết và viết nhiều về ông và công việc của ông.
“Tôi vui lắm, không phải vì người ta viết về tôi, biết về tôi, mà bởi qua đó, khách quốc tế sẽ biết nhiều hơn về bưu điện TP, về thành phố thân yêu này”, ông Ngộ chia sẻ.
 
"Gia tài" gắn bó với ông Ngộ là những cuốn từ điển sờn gáy, xoăn góc, những phong thư cũ kỹ...
Cuộc đời ông Ngộ như một thước phim quay chậm trước mắt bất kỳ du khách nào có dịp ghé thăm và được ông “dốc bầu” tâm sự. Hơn 70 năm, ông Ngộ gắn bó với Bưu điện Trung tâm TP.HCM này. Từ khi mới 16 tuổi (năm 1946) ông Ngộ đã vào làm việc trong ngành bưu điện ở Bưu điện Thị Nghè. Năm 18 tuổi ông Ngộ chuyển tới làm việc tại Bưu điện trung tâm. Năm 1990 ông Ngộ nghỉ chế độ nhưng vẫn gắn bó với nơi này từ đó đến nay.
Dưới đôi mắt đã hỏng một, chỉ còn con mắt phải thị lực rất yếu, những đổi thay của TP.HCM được ông chứng kiến và lưu giữ.
Vui – buồn của người kết nối những tâm hồn
Trong cuộc trò chuyện, khách tham quan sẽ ngạc nhiên vì trí nhớ còn khá minh mẫn của ông Ngộ. Dường như mọi chuyện diễn ra theo thời gian được ông Ngộ sắp xếp gọn gàng trong não bộ mà khi cần là có ngay.
Ông kể về những kỷ niệm vui khi viết thư thuê. Ông cho biết, trước kia, ông dịch thư, viết thư hộ nhiều lắm. Mỗi ngày có hàng chục người nước ngoài và người Việt Nam tới nhờ dịch, viết thư gửi cho người thân ở các nước trên khắp thế giới. Ông cứ cần mẫn dịch thư từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại.
 
 Một trong những bài báo (tiếng Nhật) viết về mình được ông Ngộ cất giữ cẩn thận như kỷ vật.
Trong suốt ngần ấy năm, ông Ngộ đã chuyển tải hàng chục nghìn lá thư, bưu thiếp gửi đi nhiều nước trên thế giới. Nội dung những lá thư ông Ngộ tỉ mẩn chuyển tải như chính tình cảm, tâm hồn ông gửi gắm vào đó.
Ông Ngộ vui với niềm vui của khách, buồn với nỗi buồn của khách. Có những người khách nhận được thư hồi đáp đến nhờ ông đọc và dịch, họ không giấu được niềm vui, nhưng cũng có những câu chuyện buồn rơi nước mắt ám ảnh ông cho tới tận bây giờ.
“Có nhiều câu chuyện buồn của khách tôi muốn quên đi nhưng não bộ thì cứ nhớ và tôi luôn bị ám ảnh. Đó là câu chuyện chia ly của một mối tình đẹp của đôi trai gái Pháp – Việt, là câu chuyện cảm động của tình thân gia đình nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh mà xa cách… Tất cả những điều đó có lẽ chỉ có cái chết mới giúp tôi buông bỏ ra khỏi trí nhớ được”, ông Ngộ tâm tư.
Ông Ngộ cũng cho biết, những năm gần đây, do công nghệ phát triển, nghề dịch, viết thư thuê đã không còn nhiều khách như trước, thi thoảng có người tới nhờ ông ghi bên ngoài phong bì thư, hoặc ghi vài dòng nhắn gửi yêu thương lên tấm bưu thiếp. Vì vậy, thu nhập của ông từ nghề cũng giảm nhiều, mỗi ngày chỉ được hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên, ông không lấy đó làm buồn.
Chiếc kính lúp do một phóng viên nước ngoài tặng đã gắn bó và giúp ông Ngộ rất nhiều trong công việc.
Chiếc kính lúp do một phóng viên nước ngoài tặng đã gắn bó và giúp ông Ngộ rất nhiều trong công việc.
“Tôi viết không đòi hỏi giá bao nhiêu một tấm thiệp, nếu dịch cả trang giấy khổ A4 cũng chỉ 10.000 – 15.000 đồng. Nhưng bây giờ tôi đi làm vì yêu nghề và quá gắn bó với nơi này. Có nhiều khách cho tôi tiền, người nước ngoài còn cho tôi cả tiền Mỹ (USD), tôi đâu có tiêu hết đâu.
Hôm nào trời mưa, tôi ăn cơm ở căng tin bưu điện, họ không lấy tiền. Rồi các hàng cơm xung quanh bưu điện, nhiều bữa họ cũng miễn phí cho tôi. Họ tốt quá, tôi rất ái ngại", ông Ngộ bộc bạch.
Góc khuất của một người cha
Sau công việc, ông Ngộ trở về với gia đình, một góc quan trọng trong gần một thế kỷ cuộc đời ông. Đôi mắt không còn nhìn rõ của ông như nhìn về một chốn gần gũi nhưng xa xăm, như chứa đựng trong đó một nỗi niềm mà chỉ người tinh ý mới nhận ra được.
Ông kể, ông và vợ bằng tuổi, sinh được 6 người con, 2 người con trai và 4 người con gái. Các con của ông bà đều trưởng thành, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Tuy nhiên, ông vẫn phần nào chạnh lòng và không khỏi lo âu khi ông bà có một cô không được bình thường về trí tuệ. Mọi sinh hoạt của người con gái này phải dựa vào người chị gái năm nay cũng đã hơn 60 tuổi.
 
 Bưu điện Trung tâm TP.HCM, nơi ông Ngộ xem như ngôi nhà thứ hai của mình.
“Các con tôi đều ủng hộ việc tôi làm. Bởi các con thấu hiểu đây là đam mê, niềm vui và lẽ sống của tôi trong mấy chục năm qua. Cuộc sống kinh tế của tôi giờ không phải lo gì vì đã có các con. Tôi chỉ có chút buồn của người cha đối với con cái vậy thôi.
Mấy năm nay tôi yếu đi nhiều, việc đi lại cũng không dễ dàng khi một mắt bị hỏng, mắt phải thị lực yếu mà không chữa trị được. Bây giờ mỗi tuần tôi chỉ đến đây 5 ngày, nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Cách đây hơn một tháng, tôi bị đụng xe phải đi bệnh viện điều trị nên nghỉ mất hơn 10 ngày. Tôi nhớ nơi này lắm bởi Bưu điện trung tâm như ngôi nhà thứ hai của tôi. Chỉ mong sao trời cho khỏe mạnh, để tôi còn được ngồi đây, cống hiến cho xã hội”, ông Ngộ bày tỏ tâm tư.
Những con người ở Bưu điện trung tâm TP.HCM cho rằng, ông Ngộ không chỉ là một người dịch, viết thư thuê, mà ông còn như biểu tượng, linh hồn, chứng nhân lịch sử của ngành thư tín, của Bưu điện Trung tâm, người kết nối tình thân vượt không gian, thời gian…
Phương Thảo (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm