Chuyện chưa biết về giếng cổ ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mạn đàm về chuyện làm ăn liên quan đến nguồn nước ở Tây Nguyên, ông Phạm Duy Chinh-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Ở Đak Đoa có duy nhất 1 cái giếng cổ, nghi của người Chăm cách đây mấy trăm năm. Giếng này chưa bao giờ cạn, nước trong, nấu lên pha trà uống thì tuyệt hảo!”. Thấy chúng tôi nghi hoặc, ông Chinh liền nói: “Trăm nghe không bằng một thấy, các ông cứ bớt chút thời gian đi theo tôi đến nơi sẽ biết giếng cổ có một không hai này”.

Khoảng 10 phút đi xe máy từ trụ sở UBND huyện Đak Đoa (cũ), chúng tôi đã tới nơi có giếng cổ thuộc khu vườn rẫy của ông Trần Văn Lộc (thôn 4, thị trấn Đak Đoa). Quan sát thấy giếng hình chữ nhật, xung quanh xây bằng gạch 6 lỗ, dưới đáy nước phun ra rất mạnh từ một trụ kim loại. Ông Chinh đưa tay chỉ về phía sườn đồi bên giếng và nói: “Với địa hình đồi dốc thoai thoải này, nước mạch từ 2 bên sườn đồi hợp thủy chảy xuống đây tạo thành nguồn nước ngầm không bao giờ cạn. Kỹ năng áp dụng thuật phong thủy và đào giếng nước của người xưa thật tài tình”.

Anh Ngô Thanh Huy (cạnh nhà ông Lộc) cho biết: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây và có biết cái giếng này nhưng không rõ nó có từ lúc nào, do ai đào. Khi ông nội tôi là Ngô Thanh Mẹo còn sống, có kể cho con cháu là người dân phát hiện ra giếng này từ năm 1958. Từ đó đến nay, đã hơn 60 năm trời, giếng này gần như nguyên vẹn, nước luôn dồi dào, chưa bao giờ vơi cạn dù hạn hán đến cỡ nào”.

Anh Ngô Thanh Huy bên giếng cổ ở thôn 4, thị trấn Đak Đoa. Ảnh: Hoàng Cư


Canh tác trên cùng vùng đất, các anh chị: Ngô Thanh Huy, Trần Thanh Bình, Nguyễn Thị Thu Trang, Ngô Thị Tuyết Mai… vẫn sử dụng nước giếng này để tưới cây và phục vụ sinh hoạt. Họ đều cho rằng do nước trong, mát lành nên thường xuyên mang can, thùng ra lấy về sử dụng, pha trà. Giếng nằm ở khu vực trồng rau xanh tốt, cảnh quan đẹp mắt nên nhiều người tìm đến tham quan, quay phim, chụp hình. Đã có người gặng hỏi mua khu đất có cái giếng này nhưng ông Lộc nhất quyết không bán. Chị Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: “Những người đến hỏi mua đất nói với nhau là giếng cổ này do người Chăm đào, người Pháp làm trụ kim loại lấy nước sử dụng”.

Giếng cổ nằm gần đồi cỏ hồng xã Glar (huyện Đak Đoa), cách TP. Pleiku hơn 10 km về phía Tây Nam. Đồi cỏ hồng đã trở thành khu du lịch hấp dẫn. Còn xã An Phú (TP. Pleiku) gần đó cũng đang thu hút giới khảo cổ bởi những di tích, hiện vật có từ thời Champa. Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Việc phát hiện một số di tích cổ, trong đó có giếng Chăm trên địa bàn huyện có giá trị và ý nghĩa quan trọng. Ông sẽ cùng cơ quan chuyên môn thực tế kiểm tra và chỉ đạo xác minh, làm rõ để bảo vệ, nghiên cứu và khai thác kịp thời, hợp lý.

 

HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm