Luôn ở chế độ báo động đỏ, những "phòng tuyến" ở Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM vẫn ngày đêm sát cánh cùng đồng nghiệp trong cuộc chiến chống Covid-19
Đêm khuya, tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, một hồi chuông điện thoại vang lên. Bên kia đầu dây là giọng người đàn ông gấp gáp: "Alô, tôi là quản lý khách sạn X. Chúng tôi có một Việt kiều Mỹ 73 tuổi bị ho, khó thở, cần được cấp cứu".
Đột xuất, gấp rút và chính xác
Thời điểm này, Việt Nam mới ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 đến từ Trung Quốc. Nhưng bằng sự nhạy bén trước triệu chứng và lịch sử dịch tễ của ca bệnh, điều dưỡng Nguyễn Văn Y, nhân viên trực điện thoại, đã phát thông báo về một trường hợp nghi mắc Covid-19. Trong phút chốc, xe cấp cứu hụ còi inh ỏi lao vun vút về quận 3. Bác sĩ (BS) Nguyễn Quốc Hưng mặc trang bị bảo hộ, tức tốc lên đường tiếp nhận ca bệnh.
Bệnh nhân là Tạ Hoa Kiên (quốc tịch Mỹ) được chuyển tiếp vào Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM với kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. "Đây là ca bệnh không có triệu chứng sốt, sau 14 ngày nhập cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất mới xuất hiện ho, khó thở tăng dần. May mắn, ê-kíp cấp cứu đã phản ứng kịp thời, đưa được bệnh nhân đi cách ly, điều trị" - BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, nhớ lại.
Không phải ca cấp cứu nào cũng may mắn như vậy. Có trường hợp khi đến nơi, nhân viên mới tá hỏa vì người đàn ông có triệu chứng ho, sốt không còn là cấp cứu thông thường mà là ca nghi mắc Covid-19, đi từ nước ngoài về. Vậy mà trong cuộc gọi trước đó, người này đã không khai báo. Ngay lập tức, cả ê-kíp phải gấp rút mặc đồ bảo hộ, sơ cứu bệnh nhân và đưa vào BV.
Bệnh nhân được tiếp nhận chăm sóc, xe cấp cứu quay về trung tâm. Cả ê-kíp tốc hành cởi bỏ đồ bảo hộ, rửa tay, súc miệng, tắm nước nóng để khử trùng. Hai hôm sau, điều dưỡng T. (thuộc ca trực cấp cứu ngày hôm đó) tìm gặp lãnh đạo trung tâm hỏi về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân. "Không biết bộ đồ bảo hộ mặc vội sau đó có bảo đảm an toàn cho chúng tôi không? Không biết chúng tôi có vô tình mang mầm bệnh về cho gia đình?" - điều dưỡng T. trăn trở.
Bao nhiêu mệt mỏi vì những ca trực sáng đêm vẫn còn đó, mà nay lo âu, phập phồng lại thêm chồng chất. Đã có một BS mắc Covid-19 tại Hà Nội, điều dưỡng T. lặng người, ngồi đăm chiêu.
"Nghe tin bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2, tất cả như vỡ òa, nhẹ nhõm. Chúng tôi đã an toàn" - BS Long thở phào.
Giấc ngủ vội trên cabin xe cứu thương của tài xế Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM |
Nhân viên y tế tham gia vận chuyển ca nghi mắc Covid-19 Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM |
Nỗi lo về ý thức của cộng đồng
Bên cạnh nhiệm vụ vận chuyển người bệnh, người bị tai nạn đi cấp cứu, những ngày qua, hơn 100 nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM luôn đặt mình ở chế độ báo động, sẵn sàng vận chuyển người đi cách ly do mắc và nghi mắc Covid-19. Có nhân viên vì thế mà sụt hơn 4 kg.
Khi lượng khách nước ngoài đổ về ngày càng nhiều, những chuyến xe vận chuyển dày đặc không chỉ đưa người về BV Bệnh nhiệt đới TP HCM mà đến tận các khu cách ly tập trung ở Cần Giờ, Củ Chi, Bình Dương. Mỗi chuyến đi khỏi nội thành mất từ 5-6 giờ.
"Nhiều hôm bụng đói nhưng người bệnh cần, mình vẫn đi. Bàn giao bệnh nhân, khử trùng người và xe xong xuôi, trên đường di chuyển về, nhiều khi anh em khát quá muốn ghé mua chai nước uống cũng không được. Người dân sợ tiếp xúc, mình cũng ái ngại nên cứ thế chạy thẳng về trung tâm" - BS Long bộc bạch.
Sắp tới, những ca bệnh lây từ cộng đồng có thể nhiều lên đồng nghĩa khối lượng công việc và áp lực sẽ tăng gấp bội với các nhân viên y tế. Vậy mà nhiều cuộc gọi đến trung tâm vẫn không khai báo trung thực, đến nơi mới biết là người nước ngoài về, người có lịch sử dịch tễ nhiều nguy cơ khiến các nhân viên trung tâm càng thêm lo lắng. Nhưng rồi gác lại những âu lo, các chuyến xe vẫn hối hả lên đường. Những hành trình đột xuất, không báo trước về địa điểm lẫn thời gian vẫn còn tiếp nối nhau, dày đặc.
TP HCM giữa mùa dịch Covid-19, phố xá ngủ im, người dân nghiêm túc thực hiện chỉ đạo không ra đường khi không thật cần thiết. Nhưng bên ngoài những ngôi nhà bình yên, những con người với phận sự xã hội của mình vẫn đang đêm ngày đối mặt với rủi ro chực chờ để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Lá chắn tuyến đầu của TP
Chúng tôi gặp BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP HCM, sau ngày sân bay Tân Sơn Nhất không còn là "điểm nóng" tiếp nhận hơn chục ngàn người từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam tránh dịch Covid-19. Nhưng thời điểm hiện tại, các anh vẫn còn vai trò tại các cảng quốc nội từ hàng không đến đường biển và đường bộ. Phía sau chiếc khẩu trang phòng dịch, đôi mắt người "thủ lĩnh" của 80 nhân lực trong một đơn vị mắt xích trên tuyến đầu phòng dịch hõm sâu, thâm quầng.
"Nếu để xảy ra sơ suất, người bệnh lọt kiểm dịch ở các cửa ngõ chiến lược thì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất lớn. Thế nên, chúng tôi luôn phải làm việc với tinh thần và năng suất cao nhất để chống lại nguy cơ đó. Dù phải đánh đổi từ sức khỏe, thời gian cho gia đình và nguy cơ bị lây nhiễm cao nhưng chúng tôi đều rất vui vì đã góp sức cùng cả nước chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng" - BS Tâm nói.
|
Theo Trần Thái (NLĐO)