Phóng sự - Ký sự

Chuyện chưa kể về trại phong Quy Hòa-kỳ 3: Lấy thân mình tiêm khuẩn phong làm thí nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cố bác sĩ Trần Hữu Ngoạn - nguyên Giám đốc Bệnh viện phong Quy Hòa - không chỉ nổi tiếng với hành động tự tiêm khuẩn phong Hansen lấy từ người bệnh vào người mình để minh chứng bệnh không lây, ông còn từ chối nhận giải thưởng quốc tế Gandhi.


Thâm tình bác sĩ - bệnh nhân

Bác sĩ Ngoạn (quê Từ Liêm, Hà Nội) đã rời xa trần thế tròn ba năm. Hôm 22-5 vừa rồi đúng dịp giỗ ba năm của ông cũng là lúc chúng tôi có mặt tại Quy Hòa.

 

Cố bác sĩ Trần Hữu Ngoạn và vợ - Ảnh tư liệu gia đình
Cố bác sĩ Trần Hữu Ngoạn và vợ - Ảnh tư liệu gia đình

Điều thú vị là những năm tháng vị bác sĩ này làm việc tại Quy Hòa (từ năm 1984-1994), ông có một tình bạn sâu nặng với bệnh nhân Huỳnh Ngọc Hải (80 tuổi).

Ngồi trên chiếc xe lăn dưới tán dừa cong vút gió, ông Hải đưa bàn tay cụt ngủn của mình chỉ hướng về phía con đường bêtông: “Tui gặp ổng lần đầu chỗ đó. Tui ngồi đọc báo, còn ổng lân la đến hỏi chuyện. Tất nhiên, lúc đó ổng mới đi lang thang coi người bệnh sống ra sao chứ chưa chính thức làm phó giám đốc”.

Cũng theo ông Hải, ấn tượng ban đầu về bác sĩ Ngoạn là một người nhà quê chân chất. Từ những lần tiếp xúc với nhau, ông Hải và bác sĩ Ngoạn trở nên thân tình.

Có lần, bác sĩ Ngoạn chạy xuống nhà bệnh kêu ông Hải lên phòng mình ngay. Đến nơi, vị bác sĩ lấy ký thịt heo, cắt từng cục to như bao diêm rồi bỏ vào nồi cháo. “Ổng bê nồi cháo nóng hổi ra, múc hai tô. Ổng ăn và mời tui cùng ăn. Không hiểu sao lúc đó tui cứ chực chờ để khóc, tại sao lại có ông bác sĩ chân tình gốc rạ đến thế” - ông Hải bùi ngùi nhớ lại.

Những lần lui tới căn phòng đơn sơ của bác sĩ Ngoạn, ông Hải ấn tượng nhất là cuộc sống khắc khổ và sự đam mê đọc sách, viết sách của bác sĩ này.

“Những năm đó cuộc sống cực khổ, thiếu thốn vô cùng. Mỗi bữa bác sĩ Ngoạn dùng một cái nồi để nấu cơm, cơm chín ổng múc ra tô, rồi cũng lấy cái nồi đó để nấu canh” - ông Hải chia sẻ.

Những lần đi công tác, bác sĩ Ngoạn luôn mang theo hai thứ: ống đựng cơm chiên và một chai nước. Đó là bữa ăn dọc đường của ông. “Dù có chế độ ăn uống đàng hoàng nhưng chưa bao giờ ổng lạm dụng điều đó” - bác Hải kể về những lần cùng ông Ngoạn đi công tác.

Khi biết ông Hải từng là kỹ sư, bác sĩ Ngoạn có chia sẻ tâm nguyện muốn làm một con đường bêtông nối Quy Hòa ra ngoài đường lộ để thông thương với bên ngoài.

Con đường chỉ gần 3km nhưng khi nghe người ta báo giá cao quá, lên tới 1,8 tỉ đồng tiền thời đó khiến ông choáng váng, không đành khoanh tay đứng nhìn.

Ông Hải tính toán sơ bộ các thông số kỹ thuật, chiều dài, bề dày này kia của con đường rồi nói: “Bác cứ để tụi tôi làm. Đảm bảo rẻ hơn và chất lượng”.

Sau đó, ông Hải bắt tay thiết kế con đường bêtông dài 2,6km, những bệnh nhân có thể lao động được mời tham gia làm đường.

Cuối cùng, con đường bêtông nối từ đường lộ vào trung tâm làng phong do chính bệnh nhân thiết kế, thi công cũng hoàn thành với chi phí chỉ có 700 triệu đồng.

“Ngày tôi và ông Ngoạn làm con đường bêtông ai cũng cười chê vì ngày đó chưa có đường bêtông phổ biến như bây giờ. Người ta bỉu môi bảo sẽ hỏng ngay, nhưng mấy chục năm qua nó vẫn chịu nắng mưa mà có sao đâu” - ông Hải nhớ lại.

Một nữ tu ở Quy Hòa kể: “Một lần ông Ngoạn được bộ trưởng y tế mời đến họp. Ông bộ trưởng nói: Anh Ngoạn ơi! Người ta khi gặp ông lớn thường xin ba điều: cho tăng lương, tăng chức hoặc cho về ở gần gia đình. Anh nên xin một điều gì cho anh”.

Ông Ngoạn trả lời ngay: “Lương đối với tôi tương đối đủ sống. Chức thì anh biết rồi đó, đối với tôi chỉ là một trò cướp giật. Còn về ở gần gia đình thì người thầy thuốc ưu tiên là người của bệnh nhân trước đã...”. Và ông đã không xin gì cả.

Lấy thân mình làm thí nghiệm

Năm 1961 sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội, bác sĩ Ngoạn đã tình nguyện đến với Khu điều trị phong Quỳnh Lập (Nghệ An) lúc 27 tuổi.

 

Con đường vào Quy Hòa này trước đây là đường bêtông, được bác sĩ Ngoạn cùng các bệnh nhân thiết kế và thi công.
Con đường vào Quy Hòa này trước đây là đường bêtông, được bác sĩ Ngoạn cùng các bệnh nhân thiết kế và thi công.

Từ đó, vị bác sĩ người Hà Nội gắn bó hơn 30 năm đời mình với bệnh nhân phong - căn bệnh lúc bấy giờ bị xã hội kỳ thị ghê gớm.

Một nữ tu cùng làm việc với bác sĩ Ngoạn cho biết Quỳnh Lập có đến 2.600 bệnh nhân đã sống trong những mái nhà tranh tre lụp xụp, nghèo nàn.

Bác sĩ Ngoạn từng tâm sự: “Ngày còn là sinh viên thực tập, tôi đã chứng kiến cảnh người đi khám bệnh, biết mình bị cùi hủi là về nhà tự tử. Có nơi người bệnh chỉ được nói chuyện với người thân qua lớp kính chắn. Nhân viên y tế làm ở khu vực riêng cách bệnh nhân mấy cây số. Việc làm đầu tiên của tôi để chống lại tâm lý ấy là tự động vào sống chung với bệnh nhân”.

Chưa dừng ở đó, sự kỳ thị này với bệnh nhân phong còn dai dẳng đến mấy chục năm sau. Năm 1984, sau khi nhận lời về Quy Hòa làm việc, bác sĩ Ngoạn có dịp ghé thăm Bệnh viện Da liễu Nha Trang (Khánh Hòa).

Tới đây, ông nhận thấy có thái độ kiêng kỵ với bệnh nhân. Ông liền giải thích căn bệnh này không lây nhưng nhân viên ở đó không tin. Ngay lập tức một cuộc thí nghiệm đặc biệt, có lẽ có một không hai trong ngành y Việt Nam đã diễn ra mà bác sĩ Ngoạn là nhân vật chính.

 

Kể về hành động của chồng, bà Phạm Thị Yến, vợ bác sĩ Ngoạn, có tâm tư rằng: “Mãi sau đó khá lâu tôi mới biết chuyện tiêm vi khuẩn vào người của chồng. Tôi hơi buồn vì ông không bàn bạc gì với vợ mà đã có quyết định như vậy.

Nhưng tính của ông luôn tự lập, quyết đoán. Chồng tôi vốn khiêm tốn nên ông ấy nghĩ rằng những việc làm của mình với bệnh nhân phong chưa đủ để nhận giải thưởng cao quý Gandhi”.

Sau khi hỏi: “Các cô cậu có muốn tớ tiêm trực tiếp trực khuẩn Hansen vào mình tớ không?” - bác sĩ Ngoạn đã lấy 200 miligram mầm bệnh từ những vết lở loét trên cơ thể bệnh nhân, sau khi kiểm tra có đủ trực khuẩn có thể gây bệnh, ông đã đưa vào cơ thể mình bằng cách nhỏ vào mũi, uống, tiêm vào hai khuỷu tay và hai dái tai là những nơi trực khuẩn này dễ phát triển.

Tháng 8-1995, Liên hiệp Bệnh viện phong quốc tế của Ấn Độ đã bầu chọn bác sĩ Ngoạn để trao giải thưởng quốc tế Gandhi - giải thưởng cống hiến cho hòa bình.

Theo bà Yến, Bộ Y tế đã đề nghị bác sĩ Ngoạn nhanh chóng làm hồ sơ để kịp đi nhưng bác sĩ Ngoạn đã viết thư trả lời: “Tôi làm công tác phục vụ bệnh nhân phong đã lâu, thấy người bệnh đang còn bao nỗi khổ mà bản thân vì nhiều lý do chưa phục vụ họ được nhiều lắm.

Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ để tâm trí phục vụ họ nhiều hơn nữa. Khi nào thấy mình xứng đáng với giải thưởng lấy tên là Gandhi, lúc đó tôi sẽ làm hồ sơ nhận giải thưởng”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm