Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng biển của Việt Nam. |
Dã sử kể rằng, ngày xưa thời phong kiến, có một nước lớn tự cho phép đặt tên nước mình là “vùng văn minh ở giữa”, người đứng đầu nhà nước là “Hoàng đế” (làm vua thiên hạ) là “Thiên tử” (con Trời); các nước láng giềng là “man, di, nhung, địch” mọi rợ; “Hoàng đế” có quyền phong “vương” cho các nước “nhược tiểu” này. Hàng năm các nước nhỏ phải làm lễ cống nộp cho nước lớn.
Năm kia, sau khi nhận các của ngon vật lạ như thường lệ, Hoàng đế ban “thánh khẩu” ngợi khen và như là vô tình, Người hỏi sứ thần: “Nghe nói vua nước ngươi có con thiên lý mã?”. Sứ thần về tâu lại. Vua nước nhỏ cười nhạt, sai dâng con ngựa tốt nhất của mình cho hàng xóm. Năm sau, vua nước lớn lại hỏi: “Nghe nói hoàng hậu của vua ngươi đẹp nghiêng nước nghiêng thành?”. Vua nước nhỏ đành cắn răng chia tay với tình yêu của mình mà làm cuộc “Chiêu Quân cống Hồ”. Lần thứ ba, vua nước lớn phán: “Có vạt đất chó ỉa nơi biên giới, hoang vu cằn cỗi, lâu nay nước ngươi để hoang hóa, về tấu lên nhà vua nói từ năm sau ta sẽ cho thần dân của ta khai khẩn”. Lần này, chưa dứt lời tâu của sứ thần, vua nước nhỏ bầm tím mặt, phát thướng xung quan- giận tới mức tóc dựng lên, rớt cả mũ, tuốt thanh kiếm báu “Long Tuyền” ra, chỉ thẳng về phương ấy, văng cái con truyền giống của mình ra thét lớn: “Con C! Thử đụng vào một thốn đất (bằng một phần mười tấc) của giang sơn này mà xem!”. Câu văng tục của nhà vua khiến quần thần và muôn dân nức lòng mãi đến những đời sau. Ngẫm ra:
1. Vua nước lớn trắng trợn, vô sỉ, lòng tham không biết dừng lại, được đến chân, lân đến đầu. Đúng như lời Hịch các tì tướng của Hưng Đạo Đại vương kể tội quân giặc: “Của kho có hạn, lòng tham khôn cùng, thật khác nào như đem thịt ném vào miệng hổ đói, sao có thể tránh khỏi tai họa về sau!”.
2. Ngựa quý, vợ yêu chỉ là “tài sản” cá nhân; còn “vạt đất chó ỉa” không nhiều nhặn gì, dù hoang vu cằn cỗi chưa sử dụng đến nhưng đấy là Tổ quốc, là xương máu cha ông ngàn đời, một tấc không đi, một ly không dời. Câu nói của nhà vua được người đời ghi tạc vì đấy là ý nguyện của toàn thể mọi con dân trong một quốc gia có độc lập chủ quyền. Lại chợt nhớ ý thơ Hữu Thỉnh: Một gốc sim, chỉ một gốc sim cằn thôi, nhưng đấy là Tổ quốc. Anh bò lên. Thanh thản hy sinh vì một gốc sim cằn.
Chử Anh Đào