Bạn đọc

Chuyện của HHuưn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, chị HHuưn (làng Chư Pố 1, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đang tất bật lo cho 3 đứa con tấm áo mới và sách vở đến trường, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tuổi. Thỉnh thoảng, chị sắp xếp đưa các con vào trại thăm cha, động viên anh Siu Đoang cố gắng cải tạo tốt để được giảm án, trở về đoàn tụ gia đình và đừng bao giờ nghe theo FULRO làm những điều vô nghĩa. Có lẽ, những trắc trở của số phận từ khi mới được sinh ra đã làm nên một HHuưn mạnh mẽ như thế.
 

Chị HHuưn và con gái út. Ảnh: Văn Chinh

Cuộc đời của Ksor HHuưn  là cả một câu chuyện buồn. Khi còn là một bé gái sơ sinh, chị đã bị mẹ đẻ bỏ rơi ở bệnh viện. Đứa trẻ được 3 sinh viên thực tập người Jrai cưu mang và gửi cho người bà con xã Ia Ga (huyện Chư Prông) giữ hộ. Tuy nhiên, người này lại đem chị cho một gia đình hiếm muộn ở huyện Chư Pưh nhận làm con nuôi. Đến nay, HHuưn đã có chồng và 3 người con. Nhưng số phận lại một lần nữa như trêu đùa HHuưn khi chồng chị vì mê muội nghe theo FULRO mà phải rơi vào vòng lao lý…

Ngày 22-7-2016, chồng HHuưn là Siu Đoang bị xử phạt 8 năm tù giam về tội phá hoại chính sách đoàn kết, bỏ lại HHuưn gồng gánh nuôi 3 đứa con nhỏ. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn giữ một niềm tin về một tương lai tốt đẹp, vẫn cần mẫn trỉa bắp, trồng mì nuôi các con ăn học.

Sau khi chồng HHuưn vào tù, hai trong số 3 người sinh viên tốt bụng năm xưa là ông Rah Lan Joh (hiện là cán bộ y tế xã Ia Ga, huyện Chư Prông), ông Rah Lan Hip (ở xã Ia Ga) đã tìm đến và cho chị biết gốc tích của mình với mong muốn giúp chị một chỗ dựa về tinh thần. Ông Rah Lan Joh kể lại: “Năm 1985, khi tôi còn là sinh viên Khoa Sản-Trường Trung cấp Y tế Gia Lai đang thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có một phụ nữ khai tên là Nguyễn Thị Hòa, làm giáo viên, quê ở Hà Nội đến sinh con. 2 ngày sau khi vượt cạn, người đàn bà này đã bỏ đứa bé lại bệnh viện với một ít quần áo sơ sinh và 1.500 đồng rồi ra đi không ai hay biết. Xót thương đứa bé tội nghiệp, tôi cùng 2 người bạn cũng đang là sinh viên thực tập là Rah Lan Y Lem, Rah Lan Hip thay nhau chăm sóc HHuưn tại bệnh viện khoảng hơn 1 tháng. Sau đó, ông Y Lem định đem HHuưn về nhà ở làng Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku) thì bị gia đình phản đối nên đành gửi nhờ người dì họ là bà Rmah HLer ở xã Ia Ga, huyện Chư Prông nuôi giúp để tập trung thi tốt nghiệp”.

Cuộc đời của HHuưn có lẽ đã khác đi nếu bà HLer không đem chị cho gia đình ông Rmah Phim ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Ông Phim đã hậu tạ cho bà HLer 2 con bò. Khi 3 chàng sinh viên trở lại đón cô bé, biết cô đã bị đem cho, cả 3 đều rất buồn nhưng không thể làm gì hơn. Đứa trẻ được cha mẹ nuôi đặt tên là HHuưn. HHuưn cứ thế lớn lên mà không hề biết về nguồn cội. Khi HHuưn lên 5 tuổi, mẹ nuôi sinh thêm được một bé gái nhưng cũng là lúc ông Phim bị bệnh mất. Lớn thêm vài tuổi nữa, HHuưn trở thành lao động chính trong nhà, thay mẹ nuôi em. Dù vậy, chị vẫn cố gắng học hết cấp II. Rồi chị nghỉ học, “bắt” Siu Đoang (SN 1983, ở làng Chư Pố 2, xã Ia Phang) làm chồng. Đầu năm 2016, Đoang nhận chỉ đạo của FULRO lưu vong ở Mỹ lén lút tuyên truyền, lôi kéo bà con ở một số làng nhóm họp Tin lành “Đê-ga” với âm mưu phục hồi tổ chức phản động FULRO. “Mình đã cố khuyên nó đừng nghe theo FULRO mà hãy chăm lo làm ăn nuôi vợ con, nhưng nó cứ mơ mộng về cuộc sống sung sướng ở Mỹ mà bọn FULRO vẽ ra. Nó làm điều sai trái, bị chính quyền, Công an phát hiện”-HHuưn buồn rầu kể.

HHuưn tâm sự: “Khi Đoang chưa bị bắt cũng hay nói với mình về cuộc sống sung sướng không phải lao động ở Mỹ, nhưng mình không mơ tưởng xa xôi. Mình từng bị mẹ bỏ rơi, vì vậy cả cuộc đời này, mình sẽ dành tình thương cho các con, mình không muốn các con sống trong cảnh không cha, không mẹ. Còn Đoang nữa, nó đang cần một chỗ dựa tinh thần để sửa chữa lỗi lầm”. Có một điều, dù HHuưn không nói ra, nhưng qua đôi mắt buồn của chị, chúng tôi biết rằng từ sâu trong lòng, chị luôn khao khát muốn biết cha mẹ ruột của mình là ai và vẫn muốn gặp lại họ-những người đã cho cô hình hài, cho cô được sống trên cõi đời này...

 Thoại Nhân

Có thể bạn quan tâm