Phóng sự - Ký sự

Chuyện của xứ sở ong rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xung quanh những thác nước ở huyện Kbang (Gia Lai) có hàng nghìn bầy ong rừng trú ngụ. Người Ba Na nơi đây có cách thức cùng điều cấm kị khi lấy mật ong để không ảnh hưởng đến rừng và bầy ong.
 
Sáp ong có mật vừa được lấy trên cây cao xuống
Tôi vượt 130km từ thành phố Pleiku (Gia Lai) về làng Điện Biên thuộc xã Sơn Lang. Ở đây, hầu hết đàn ông dưới 40 tuổi đều có kinh nghiệm riêng trong việc tìm và lấy mật ong rừng. Có người thâm niên đã vài chục năm. Theo thống kê của anh Đinh Văn Xuân (35 tuổi, làng Hà Lâm, xã Sơn Lang) đến mùa ong làm mật, tất cả thanh niên trong làng đều đi lấy mật. Mỗi tốp từ 3 - 5 người. Mỗi lít mật ong có giá khoảng 500.000 đồng. Sau mùa mật từ tháng 4 đến hết tháng 7, mỗi thanh niên thu được trung bình khoảng 60 lít mật.
Anh Xuân nói, cây có dưới 5 tổ ong thì không sao, nhưng khi tìm được một cây cổ thụ khoảng 10 tổ ong trở lên thì mọi người sẽ phải nghiêm túc làm lễ xin “Thần rừng”. Việc lấy mật cũng phải diễn ra vào ban đêm, nếu không tất cả các bầy ong sẽ quây lại tấn công. Công việc hoàn thành, mọi người đều phải vứt hết đuốc khói xuống thác nước để tránh cháy rừng. Để bảo vệ rừng, những thợ săn ong phải chặt nhiều cây nhỏ bằng cổ chân nẹp (cột) vào thân cây to để bám trèo lên, không đóng đinh vì sẽ làm cây chết khô. Mọi người đi lấy mật đều ý thức bảo vệ rừng, vì nếu mất rừng thì ong sẽ không về làm tổ nữa.
 
 Anh Đinh Văn Xuân lấy mật ong từ rừng về
Gặp thợ săn ong nổi tiếng Đinh Văn Đại, người biết bắt ong từ năm 13 tuổi, giờ đây anh Đại nổi tiếng bởi sự khéo léo và kinh nghiệm ở tuổi 25.
Kbang có nhiều thác nước như thác Rêu, K50, Ba Tầng,... Sau gần 2 giờ vượt rừng, chúng tối đến thác Ba Tầng, nơi nổi tiếng số lượng ong làm tổ. Đó là khu rừng nguyên sinh, không khí mát lạnh. Đang đi, anh Đại bỗng ngồi thụp xuống và thì thầm “Ong kìa. Nó uống cái nước xong ong sẽ bay lên, lượn từ 1 - 3 vòng để định hướng rồi bay về tổ của mình. Nhìn ong bay về hướng nào thì đi theo hướng đó. Nếu ong uống nước xong rồi bay cao lên thì đây là dấu hiệu mừng vì chắc chắn tổ nó gần đây”.
Chú ong bay lên, anh Đại lao theo. May mắn, thợ săn phát hiện ra tổ ong “khủng” cách vị trí ban đầu chừng 3km. Ngay lập tức thợ ong bẻ những cành cây nhỏ kết thành một bó to bằng bắp đùi, sau đó lấy lá cây tươi bó quanh nhằm không cho lửa bốc cháy, tạo thành một đuốc khói.
 
Dùng đuốc khói để xua đuổi bầy ong
“Rất hiếm khi bầy ong làm tổ ở cây thấp thế này. Nếu ong bay xuống đốt thì anh chạy ra thác Ba Tầng ngụp xuống. Nếu không cả bầy ong đốt phải nhập viện. Em bị ong đốt nhiều giờ quen rồi. Chỉ sợ khi trèo cây gặp bọ cạp và rắn” - Anh Đại nói. 
Dứt lời, anh Đại trèo nửa phút đã lên đến tổ ong. Vắt vẻo trên cây, thợ ong cắt từng miếng sáp ong chứa đầy mật vàng óng bỏ vào bao ni lông. Từ trên cây anh Đại nói vọng xuống: “Người Ba Na lấy mật ong không cắt hết cả tổ, chỉ lấy phần có mật và để lại những sáp ong có con non. Khi lấy phải cắt khéo để không làm hỏng tổ thì bầy ong sẽ ở lại, sau này mình lại đến lấy tiếp. Chỉ lo người tỉnh khác đến đây lấy mật rồi cắt hết cả tổ, sáp và ong thợ cũng bắt để ngâm rượu”. Sau buổi sáng chúng tôi mang về là 3 lít mật rừng thơm ngon.
Lê Nhuận (Dân Sinh)

Có thể bạn quan tâm