Phóng sự - Ký sự

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết - Kỳ 5: Trại gái C5

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người Đà Lạt sinh trước năm 1975 và sống gắn bó ở vùng đất này ắt hẳn không lạ lẫm với cái tên "trại gái C5". Cái tên C5 đến giờ vẫn còn phổ biến nhưng từ "trại gái" đi liền phía trước hiện rất ít khi được nhắc đến.

Trước năm 1975, nơi quen gọi là "trại gái" ở gần dinh Bảo Đại. Muốn đến đây, mọi người phải đi qua con đường Darlec (nay là Triệu Việt Vương), băng xuống một lối toàn đá sỏi và um tùm lau lách, hoa dã quỳ, thông rừng.

Nơi ấy bây giờ là thung lũng được bao bọc bởi cung đường Triệu Việt Vương.

 
"Trại gái C5" xưa bây giờ là nơi tọa lạc chung cư C5 trên đường Nguyễn Trung Trực (Đà Lạt).
"Trại gái C5" xưa bây giờ là nơi tọa lạc chung cư C5 trên đường Nguyễn Trung Trực (Đà Lạt).

Xóm vọng phu

Chúng tôi gặp ông Lê Phỉ, năm nay đã 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Ông Phỉ là một người rất am hiểu về sự hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt và gắn bó với mảnh đất này hơn 60 năm. Ông được giới trí thức xem là "nhà Đà Lạt học".

Ông Phỉ bảo hồi đó nhắc chữ "trại gái" người ta hiểu khác, giờ người ta hiểu khác. Cũng tội cho cái tên đó.

Theo ông Phỉ, "trại gái" là khu gia binh của chế độ cũ ở Đà Lạt. Lính ở trại phần lớn là người Đà Lạt và vùng lân cận. Những quân nhân chuyên nghiệp gồm lính và sĩ quan có gia đình nhưng còn khó khăn thì về khu gia binh này cất nhà ở.

Cũng như các trại gia binh khác ở Đà Lạt trước đây, như khu gia binh ở xóm Hồng Lạc dành riêng cho ngự lâm quân bảo vệ hoàng triều cương thổ được thành lập năm 1951 bởi cựu hoàng Bảo Đại, hay khu thiếu sinh quân ở Viện Đại học Đà Lạt, thì khu gia binh này được xây dựng bằng nhà cấp bốn, mái lợp tôn kẽm.

Ở khu gia binh ngày ấy có khoảng 300 căn nhà gỗ của gia đình binh lính trẻ. Những căn nhà chỉ để sống một giai đoạn ngắn, không mấy kiên cố nên lính còn gọi khu gia binh là trại gia binh. Chữ "trại" sau này lấy bỏ vào đầu chữ gái thành "trại gái".

Đời lính dù ở chiến tuyến nào cũng đều ra trận liên tục trong những năm chiến tranh. Từ Trường võ bị Đà Lạt, binh lính sau khi được huấn luyện đi khắp bốn vùng chiến thuật. Lính trẻ thì vắng nhà nhiều hơn. Những căn nhà ở khu gia binh chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con.

Ông Phỉ nhấn mạnh gần như toàn bộ là những người vợ còn rất trẻ. Lính thời đó cũng quyền uy nên vợ không những trẻ mà còn đẹp. Mà những cô gái trẻ đẹp người ta gọi đúng nghĩa là gái. Chữ "gái" thực sự trong sáng, không như những ý nghĩa đã bị méo mó về sau.

"Ở khu gia binh toàn vợ lính, chị em quan tâm nhau rồi hiểu nhau, bầu bạn với nhau". Dân Đà Lạt thời đó thấy một khu gia binh toàn những người vợ trẻ xinh đẹp thì gọi "trại gái".

Theo ông Phỉ, "trại gái" thời đó thực tình là một xóm vọng phu. Một xóm vọng phu với nhiều tâm tư như bao nhiêu xóm làng vọng phu khác thời chiến tranh.

 

Đường vào
Đường vào "trại gái" hôm nay là khu dân cư với hơn 1.000 hộ dân.

"Trại gái" giờ ở đâu?

Tháng 5-1975, tiểu đoàn đặc công nước của Quân khu 6 đã đưa năm đại đội về đóng quân trên các vị trí chiến lược của Đà Lạt. Ban chỉ huy tiểu đoàn đã sử dụng biệt thự số 5B đường Trần Hưng Đạo của ông Đỗ Kiến Nhiễu, nguyên đô trưởng đô thành Sài Gòn, làm trụ sở của tiểu đoàn.

Ngoài những đại đội được bố trí bảo vệ ở lò nghiên cứu hạt nhân, nhà vòm (vốn là nơi đóng quân của lính Mỹ) nằm góc đường Thủ Khoa Huân - Phan Như Thạch, họ còn tiếp quản khu gia binh - "trại gái". Đại đội (C) 5 tiếp quản khu gia binh này nên được gọi là C5.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, trước đây là lính tiểu đoàn đặc công nước, đưa chúng tôi đi thăm các chiến hữu của ông - những người trực tiếp có mặt trong đội hình C5 ngày nào.

Ông Khanh nói: "Khi nhận lệnh tiếp quản, nghe chữ "trại gái" chúng tôi tủm tỉm cười nhưng chỉ huy căn dặn rất kỹ, đây là nơi "nhạy cảm" vì toàn phụ nữ và trẻ em là gia quyến của lính Sài Gòn. Nhưng khi chúng tôi đến thì trại gia binh này chỉ còn "vườn không, nhà trống", mọi người đã bỏ đi từ lúc nào".

Về sau, trại gia binh này được giải tỏa và xây dựng thành chung cư cho cán bộ, công nhân viên chức một số ban ngành trong tỉnh Lâm Đồng. Do trước đây có đại đội C5 về đây tiếp quản nên người dân quen gọi C5.

Ông Khanh lý giải: "Người đến Đà Lạt sau năm 1975 thì gọi tên khu gia binh theo tên đại đội đặc công tiếp quản là C5, người ở trước 1975 thì nhất định không bỏ cái tên quen thuộc là "trại gái", còn những người trung hòa thì gọi thành chung thành cặp là "trại gái C5".

Bây giờ về lại khu "trại gái C5", hỏi lai lịch cái tên nhạy cảm ấy phần lớn đều nhận được cái lắc đầu. Có người cười tinh quái rồi đáp, "trại gái C5 ở đây". Sau này chúng tôi gặp được bà Đỗ Kim Hồng, 70 tuổi, một người từng sống trong khu gia binh "trại gái" xưa.

Hỏi thực hư về giai thoại những phụ nữ ở trại gia binh xưa chỉ biết bài bạc trong lúc chồng vắng nhà, bà không giận mà giải thích: "Mấy trăm người vợ trẻ ôm con nhỏ với nỗi lo và tâm tư khi chồng đi lính xa thì còn lòng dạ nào để mà bài bạc.

Ngày ngày, chúng tôi ở "trại gái" mang rau ra phố bán rồi trở về chăm con cái. Có chút tâm tư bất thường thì chị em đã nhắc khéo nhau rồi. ".

 

Hồ Ông Phỉ và địa danh Quảng Thừa
 
Ông Lê Phỉ.
Ông Lê Phỉ.
Năm 1954, ông Lê Phỉ lên Đà Lạt mở trường dạy học.

"Năm 1960, chúng tôi gồm năm người, trong đó có tôi, thầy Thích Minh Trạch, ông Võ Đình Giáp... đứng ra vận động mỗi gia đình đóng góp 60 đồng mua một xe máy ủi, một xe jeep để khai khẩn một vùng đất rộng, ngăn suối thành hồ nước lớn để có nguồn nước tưới tiêu, nuôi cá.

Hồ này đến nay nhiều người dân vẫn gọi trân trọng là hồ Ông Phỉ, tức tên tôi - ông Phỉ kể tiếp - Chúng tôi lập ấp mới và lấy tên là Quảng Thừa. Quảng Thừa là tên ghép của bà con ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên.

Trước đây, nơi này là khu rừng rậm. Về sau, nhiều gia đình sĩ quan, binh lính giải ngũ trở về địa phương và một số gia đình ở khu gia binh (trại gái) cũng vào đây khai khẩn đất rừng, làm nhà, làm vườn sinh sống".

Ngọc Trác-Mai Vinh/tuoitre

Có thể bạn quan tâm