(GLO)- Cũng bởi duy trì theo chế độ mẫu hệ và quan niệm họ hàng không căn cứ trên quan hệ huyết thống, những cuộc hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra khá phổ biến ở các buôn, làng người Jrai. Những cặp vợ chồng thậm chí có quan hệ họ hàng gần tới mức, gia đình thông gia hai bên là… anh em ruột.
Vợ chồng anh-em họ
Cùng sinh ra và lớn lên ở buôn Pan (xã Ia Rsai-huyện Krông Pa), đến tuổi cặp kê, Rah Lan H’Vái ưng cái bụng và “bắt” Ksor Loan về làm chồng. Mẹ Loan là chị gái ruột ông Ksor Kách, tức là bố đẻ của H’Vái. Nếu căn cứ theo trật tự họ hàng huyết thống của người Kinh, mối quan hệ của H’Vái-Loan là quan hệ con cô-con cậu. Gần 20 năm chung sống, H’Vái và Loan có được 6 người con, tất cả đều là con trai.
Dưới những nếp nhà sàn của cư dân bản địa vẫn còn không ít tục lệ truyền thống lạc hậu. Ảnh: Lê Hòa |
Theo các chuyên gia y tế và sinh học, con cái của những cặp hôn nhân cận huyết có nguy cơ mắc các bệnh tật di truyền như: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, còi cọc, down hoặc kém phát triển về trí não... cao gấp 10 lần so với những đứa trẻ bình thường. Những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có quan hệ huyết thống cũng dễ có nguy cơ sẩy thai hoặc vô sinh. |
Cũng tương tự, ở buôn Chư Jú-xã Ia Rsai cũng có đến vài cặp hôn nhân cận huyết thống mà chồng và vợ là anh em họ của nhau trong phạm vi trực hệ đời thứ 2. Còn theo lời của một cao niên trong làng, tính tới vợ chồng có mối quan hệ họ hàng xa, ở phạm vi 3 đời thì… rất khó để tính bởi các cuộc hôn nhân giữa trai làng và gái làng diễn ra rất nhiều, rất khó để không liên quan họ hàng với nhau.
Hiao Ya Ly và Kpăh Rúi là một ví dụ. Năm 2010, khi ấy Ya Ly chưa đầy 16 tuổi nhưng đã quyết tâm “bắt” Rúi về làm chồng, dù Rúi là con trai của bà Kpăh H’Chem, là chị gái ruột của bố đẻ Ya Ly-ông Kpăh Ơm (ma Khương). Năm nay Ya Ly 20 tuổi đã là mẹ của 2 đứa con, đứa lớn 3 tuổi và đứa nhỏ khoảng 2 tuổi. Hai đứa đều còi cọc, rất nhỏ so với những đứa trẻ đồng lứa.
Còn nữa, trước khi là vợ chồng, Rơ Ô Hiên và Rah Lan Liu cũng là mối quan hệ họ hàng rất gần gũi. Rơ Ô Hiên là con của ông Rah Lan Tem, còn Liu (chồng Hiên) là con chị gái của bố Hiên-bà Rah Lan H’Blú. Vợ chồng Hiên-Liu cũng có 3 mặt con, đứa lớn năm nay sắp vào lớp 7, đứa giữa sắp vào lớp 6 và con út học mẫu giáo trường làng.
Hôn nhân cận huyết thống hiện vẫn đang tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng người Jrai, Bahnar hiện nay bởi ảnh hưởng lối tư duy và quan niệm truyền thống về hôn nhân và duy trì nòi giống lạc hậu.
Ngôi nhà của vợ chồng Rơ Ô Hiên và Rah Lan Liu ở buôn Chư Jú, xã Ia Rsai. Ảnh: Lê Hòa |
Khoa học thua phong tục?
Theo quan niệm của người Jrai, quan hệ họ hàng giữa người với người không chỉ căn cứ vào quan hệ huyết thống mà dựa vào dòng họ mà họ đang mang. Khái niệm “cùng họ” có nghĩa là cùng mang tên một dòng họ, chẳng hạn cùng là Ksor, Rah Lan, Kpăh… “Tất cả những ai có họ Ksor chỉ cần nghe người kia giới thiệu cùng họ Ksor thì dù có là ở đâu, chẳng liên quan máu mủ ruột rà cũng mặc nhiên coi như anh em mình rồi. Người Jrai chỉ cấm những người cùng có họ giống nhau không được lấy nhau”-một cán bộ người Jrai ở huyện Krông Pa, lý giải.
Bởi vậy, một người dù là con cô-con cậu nhưng vì cô bắt chồng và sinh con cái vẫn giữ theo họ mẹ, trong khi cậu theo vợ, sinh con cái theo họ vợ nên chuyện anh chị em 2 đời đã mang hai dòng họ khác nhau. Khi lớn lên, chiếu theo luật tục, họ được quyền lấy nhau dù xét về quan hệ huyết thống, họ là anh em có mối quan hệ rất gần. Phong tục lạc hậu này trở thành nguyên nhân của nhiều hệ lụy giống nòi, đè gánh nặng lên thế hệ con cháu.
Đứa con của Hiên-Liu tha thẩn nghịch trên nền đất trước nhà. Ảnh: Lê Hòa |
Cũng bởi cách duy trì và quan niệm họ hàng này khiến nhiều cặp dù không hề có quan hệ huyết thống nhưng bởi lý do cùng mang họ giống nhau nhưng chẳng thể đến được với nhau.
Pháp luật Việt Nam không cho phép người có cùng dòng máu về trực hệ, có quan hệ họ hàng trong phạm vi 3 đời kết hôn với nhau. Tuy nhiên, theo lời cán bộ tư pháp xã Ia Rsai: “Nếu nắm được thông tin, cán bộ xã, thôn sẽ xuống nhà dân góp ý, khuyên bảo nhưng thường là… không thành công bởi pháp luật không cho phép thì họ vẫn tổ chức lễ cưới theo phong tục và chẳng cần đăng ký kết hôn. Chưa nói đến, nhiều cặp cưới nhau khi còn chưa đủ tuổi. Đây chính là áp lực, nhất là khi sau này con cái họ đến độ tuổi đi học, cần có giấy khai sinh và các thủ tục cần thiết khác…”.
Có thể thấy rằng, trong nhiều năm qua, qua kiến thức trường lớp cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người dân đã phần nào ý thức được tác hại của hôn nhân cận huyết thống đến thế hệ sau, tuy nhiên, “phép vua thua lệ làng”, những thông tin khoa học chỉ một thời gian chưa dài bén rễ khó có thể thay đổi được nếp nghĩ đã thành quan niệm, phong tục ăn sâu vào cội rễ cộng đồng dân tộc ngàn năm. Đó cũng chính là thách thức không nhỏ trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và ngành văn hóa địa phương.
Lê Hòa