Lấy bản thân làm gương
Hơn hai mươi năm trước, Siu Un (thôn Glung Molan, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, Gia Lai) nghe lời dụ dỗ của Fulro lưu vong, vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp với chủ đề là “Nhà nước Degar”. Thanh niên Siu Un mới ngoài ba mươi đã xúi giục, kích động người dân trong làng biểu tình, gây rối. Để rồi cái giá phải trả là 16 năm tù giam. Lúc bị bắt, chàng trai núi rừng khỏe mạnh mới nhận ra mình bị lừa, nhưng ân hận đã muộn màng. “Từ khi bị bắt, trong mình suy nghĩ phải chấp hành án tù, cố gắng cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Giá mà hồi ấy mình không nghe lời của bọn Fulro!”, ông Un bộc bạch.
Ông Siu Un (ngoài cùng bên trái) trở về, hòa nhập với đời sống của buôn làng. |
Theo ông Siu Un, thời gian chấp hành án được cán bộ giáo dục, giải thích bản thân mới nhận ra bộ mặt thật của bọn Fulro. Tất cả chỉ là “bánh vẽ”, vậy mà hồi ấy ông bị nhồi nhét, để rồi lao đầu vào một suy nghĩ sai lầm khiến bản thân, gia đình, bạn bè trong buôn làng phải khổ lây. Ông Un quyết tâm cải tạo, sớm ăn năn hối cải nên đã được khoan hồng, ra tù trước thời hạn.
“Về lại thôn làng, mình lo lắm, không biết làm gì để ăn bởi đi cải tạo lâu quá rồi. May lúc đó có cán bộ công an hỗ trợ con giống, cây giống, thủ tục vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Giờ gia đình mình thuộc hàng khá giả trong làng rồi. Mấy hôm trước mình bị ốm nặng, cán bộ công an, chính quyền xã tới thăm hỏi. Mừng trong bụng lắm”.
Ông Siu Un xúc động
Trở về với gia đình, nhờ cán bộ Công an huyện Phú Thiện, người uy tín giải thích mà buôn làng đã tha thứ cho ông Un. Con người từng lầm lỡ này còn được cán bộ, chính quyền địa phương đến hỗ trợ nhà cửa, phát triển kinh tế. “Về lại thôn làng, mình lo lắm, không biết làm gì để ăn bởi đi cải tạo lâu quá rồi. May lúc đó có cán bộ công an hỗ trợ con giống, cây giống, thủ tục vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Giờ gia đình mình thuộc hàng khá giả trong làng rồi. Mấy hôm trước mình bị ốm nặng, cán bộ công an, chính quyền xã tới thăm hỏi. Mừng trong bụng lắm”, ông Un xúc động.
Ở cái tuổi hơn 50 năm mới ngộ ra rằng không đâu hạnh phúc bằng quê hương. Giờ đây, ông Un luôn lấy câu chuyện của bản thân bị Fulro lừa phỉnh, kể cho mọi người giúp họ cảnh tỉnh. Bằng lời nói, câu chuyện của mình, ông vận động được 27 người từng hoạt động “Tin lành Degar” quay về tham gia sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy.
Ông Nay Ku và cán bộ công an huyện trò chuyện. |
Nhớ lại khoảng thời gian nghe lời kẻ xấu xúi giục, tham gia nhóm họp “Tin lành Degar”, ông Nay Ku (60 tuổi, trú thôn Plei Glung B, xã Ia Ake) hối hận vô cùng. Ông tâm sự, chỉ vì nghe lời dụ dỗ của Fulro mà ông đã kéo các thành viên trong gia đình tham gia nhóm họp “Tin lành Degar”. Nhờ Công an huyện và chính quyền địa phương khuyên bảo, chỉ ra điều đúng sai, hệ quả của nó, ông Ku đã không tin, không làm theo kẻ xấu xúi giục. Giờ đây, ông cùng gia đình cố gắng làm ăn phát triển kinh tế, sống hòa thuận với bà con trong thôn làng, chấp hành tốt pháp luật. Từ quyết tâm thay đổi, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng điểm nhóm Tin lành thôn Plei Glung B.
Để làm tốt công tác phòng, chống Fulro, theo đại tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cần phát huy được vai trò cốt cán của lực lượng cơ sở trong vận động, giáo dục, cảm hóa quần chúng nhân dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với đó, giải quyết được niềm tin tôn giáo, nhu cầu tín ngưỡng của bà con. Từng bước làm mất đi điều kiện mà thế lực thù địch, phản động có thể câu móc, lôi kéo hoạt động.
Giữ bình yên bản làng
Thời gian qua, hay tin một số hộ gia đình trong thôn Pei Glung Mơ Lan (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) nghe lời kẻ xấu lén lút hoạt động “Tin lành Degar”, tâm trí ông Ksor Bắp - Bí thư kiêm thôn trưởng như ngồi trên đống lửa. Căm phẫn Fulro lừa phỉnh, xúi giục bà con làm điều sai trái bao nhiêu, ông lại thương cảm cho những cái đầu mê muội trong buôn làng bấy nhiêu. Bất kể ngày hay đêm, ông đều tranh thủ thời gian đến từng gia đình để khuyên giải. Khi những người từng theo “Tin lành Degar” được thức tỉnh, đoạn tuyệt cũng là lúc ông Bắp cởi bỏ được gánh nặng trong lòng.
Ông Ksor Bắp (thứ hai từ trái qua) đi vận động người dân không nghe lời của Fulro. |
Đường thôn Pei Glung Mơ Lan đã được bê tông sạch sẽ, ông Bắp dẫn chúng tôi tới gia đình chị Hiao H’Yang từng tham gia hoạt động, nhóm họp “Tin lành Degar” dưới hình thức “Tu tại gia”. Theo ông Bắp, hồi trước phải mất khá nhiều thời gian cùng cán bộ, chính quyền địa phương tới vận động người phụ nữ này mới bỏ “Tu tại gia”. Thế nhưng, khi bỏ được mê muội, chị H’Yang mới nhận ra rằng bà con đã xa lánh mình. Nhờ ông Bắp, công an, cán bộ xã hỗ trợ, động viên, giải thích với thôn làng nên chị đã hòa nhập lại với cộng đồng. “Hồi ấy mình không có nhận thức nên đã nghe lời của Fulro. Nhưng được ông Un, công an tới giải thích mình đã nhận ra tác hại của việc này. Giờ đây, gia đình mình đã quay về sinh hoạt trong điểm nhóm Tin lành Việt Nam (miền Nam). Tâm trạng thoải mái hơn rất nhiều, các con cũng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa”, H’Yang bộc bạch.
Ngoài những công việc thường xuyên ở đơn vị, đại úy Tống Văn Tiến - Trưởng công an xã Ia Ake hàng tuần đều tới các thôn làng chuyện trò với bà con. Anh khuyên ngăn, giải thích mọi người những việc không hay, vi phạm pháp luật. Đồng thời, đại úy trẻ còn tư vấn bà con cách làm hiệu quả, phương pháp chăn nuôi để phát triển kinh tế. Cũng từ đó mà đại úy Tiến được xem như người con của thôn, làng. Cứ có việc gì bà con đều gọi hỏi, thông tin. “Tôi yêu thương bà con như người thân của mình. Cũng vì vậy mà có gì chưa hiểu, bà con gọi tôi hoặc anh công an xã tới ngay. Từ một địa phương có tình hình an ninh phức tạp, một số hộ gia đình lén lút tham gia hoạt động “Tin lành Degar”, đến nay đã quay về sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy, an ninh được đảm bảo”, đại úy Tiến nói.
(Còn nữa)