Kinh tế

Nông nghiệp

Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu thị trường. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Nông dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh) chuyển diện tích đất hồ tiêu chết sang trồng bắp lấy hạt giống. Ảnh: Nguyễn Hồng

Nông dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh) chuyển diện tích đất hồ tiêu chết sang trồng bắp lấy hạt giống. Ảnh: Nguyễn Hồng

Ông Vũ Văn Thìn (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: Từ năm 2016, giá hồ tiêu xuống thấp, vườn cây lại bị chết do dịch bệnh khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần.

“Riêng gia đình tôi có hơn 4 ha hồ tiêu bị chết dẫn đến khó khăn chồng chất. Năm 2020, thấy một số hộ dân trong xã đưa cây hoa hòe về trồng trên diện tích hồ tiêu chết, tôi cũng trồng thử nghiệm khoảng 1 ha. Trồng hơn 1 năm thì cây hoa hòe bắt đầu cho thu hoạch. Thấy đầu tư giống, phân bón, hệ thống tưới cho cây hoa hòe không lớn như cà phê, hồ tiêu, sản phẩm lại được bao tiêu nên tôi dần nhân rộng ra hơn 4 ha”-ông Thìn kể.

Theo ước tính của ông Thìn, chi phí đầu tư trồng 1 ha hoa hòe khoảng 50 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch, cứ 10 ngày lại hái hoa một lần rồi đem phơi khô. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông cung cấp cho thương lái khoảng 1 tấn hoa hòe khô với giá 70-120 ngàn đồng/kg, cao điểm có thể lên đến 200 ngàn đồng/kg. Bình quân 1 năm, sau khi trừ chi phí, gia đình còn lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha.

“So với cây hồ tiêu, trồng cây hoa hòe “khỏe” hơn rất nhiều, không lo về đầu ra, thu hoạch thường xuyên chứ không như các loại cây công nghiệp dài ngày đến cuối năm mới cho thu hoạch”-ông Thìn nói.

Ông Nguyễn Long Khánh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Blứ-cho hay: Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết sang trồng sầu riêng, cây dược liệu… Để phát triển cây trồng theo hướng bền vững, xã đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng sầu riêng với sự tham gia của hơn 40 hộ.

Bên cạnh đó, xã đang xúc tiến thành lập thêm các chi hội nghề nghiệp trồng hoa hòe, trồng dâu nuôi tằm… để nông dân liên kết và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất các loại cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên một diện tích đất.

Nhiều nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.D

Nhiều nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.D

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 41.582 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 5.458 ha cây trồng.

Trong đó, hơn 1.923 ha lúa thường xuyên bị hạn và hơn 3.534 ha cây trồng khác kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ như bắp, khoai lang, rau, dưa hấu, đậu đỗ các loại, cây ăn quả, cây dược liệu... Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và các địa phương, hầu hết diện tích chuyển đổi cây trồng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-5 lần so với lúc chưa chuyển đổi.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 20-8-2024 của UBND tỉnh, trong năm 2025, ngành Nông nghiệp dự kiến ổn định diện tích gieo trồng khoảng 580 ngàn ha, quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa khoảng 70 ngàn ha.

Đồng thời, chủ động hướng dẫn cho nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; rà soát, phân tích và đánh giá thực trạng thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cơ sở hạ tầng để có định hướng phát triển cây trồng phù hợp, có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp và tận dụng lợi thế sản xuất ở từng vùng, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.

Có thể bạn quan tâm