Chuyện dời làng ở Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vậy là đã một năm, 142 hộ đồng bào Jrai hai làng Khôi và Nap thuộc xã biên giới Ia Mơr của huyện Chư Prông dời nhà sang nơi ở mới, nhường đất cho công trình thủy lợi Ia Mơr. Làng mới. Vẫn tiếng mõ bò lốc cốc chiều về nhưng không phải con đường làng trơn trợt mùa mưa và bụi mù mùa khô trước kia mà là con đường rải nhựa rộng và thẳng chạy giữa hai bên nhà sàn cao ráo, quy hoạch ngăn nắp.

Nhớ lại ngày dời làng, đến bây giờ nhiều người vẫn còn không tin vào mắt mình. Chỉ trong mấy ngày mà hơn 140 ngôi nhà của hai làng đã được các tổ công tác tháo dỡ hoàn toàn đưa sang làng mới, dựng lên lại, rồi còn làm thêm nhà mới nữa, nhanh cứ như Yàng làm cho vậy. Ngày đầu sang đây, hình như biết được cái bụng của đồng bào cũng có phần lo lắng nên Ban Đền bù Giải phóng mặt bằng của huyện còn hỗ trợ gạo ăn và cấp bò sinh sản để “làm vốn” ban đầu, cứ như con gái “bắt chồng” ra riêng vậy; mỗi hộ còn được cấp đến 1 ha đất canh tác, tất nhiên là liên canh, liên thửa! Già làng Nap kể thêm với tôi trong cuộc chuyện trò thân mật diễn ra bên cầu thang nhà ông.

Khu tái định cư xã Ia Mơr. Ảnh: Bích Hà
Khu tái định cư xã Ia Mơr. Ảnh: Bích Hà
Thuở đầu bỡ ngỡ rồi cũng quen dần, dân làng giờ không phải ngày ngày mang gùi cõng nước về mà chỉ cần với tay là đã có nước, nước sạch và mát không thua gì nước giọt. Cũng không còn phải tiết kiệm từng giọt dầu hỏa thắp đèn như trước kia (đèn dầu nên trong nhà mảng tối, mảng sáng), bây giờ bất kể mùa mưa hay mùa khô, cứ mỗi chiều mặt trời vừa lặn sang bên kia núi là đồng bào đã bật công tắc, ánh điện bừng sáng khắp làng. Tiếng nhạc từ máy cát-sét, tiếng ti-vi ồn ã chẳng khác gì ngoài thị trấn huyện, vui lắm! Già cười lớn.


Đưa tôi đi thăm một vòng khu vực công trình thủy lợi và khu dân cư mới, ông Đoàn Ngọc Hải- Phó Trưởng ban Đền bù Giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông cho biết thêm. Ở công trình thủy lợi Ia Mơr, đến nay Ban đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng các hạng mục gồm: Nhà rông văn hóa, trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mẫu giáo, hàng rào khu thể dục thể thao, hệ thống cấp nước và cấp điện, khai hoang khu tái định cư, nhà ở tái định cư, đường quy hoạch khu tái định cư…

Một thành công nữa của dự án là được sự quan tâm của các cấp nên đã bố trí nơi ở cho 120 hộ di cư (tự do) từ Bắc vào, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng, cấp 1.000 mét vuông/hộ, giải quyết được những bức xúc xuất phát do tình hình dân di cư tự do đến Ia Mơr trong thời gian qua, ảnh hưởng phần nào đến đời sống xã hội của địa phương.

Vốn là chỗ quen biết trước đây nên ông Hải rất hào hứng kể với tôi về chuyện dời làng, triển khai các hạng mục công trình và chuyện đền bù cho dân ở Ia Mơr. Điều đáng mừng nhất là nhờ sự quan tâm của các cấp nên đến nay huyện đã hoàn thành công tác đền bù ở vị trí công trình đập đầu mối thủy lợi Ia Mơr, nhà cửa, ruộng vườn, kể cả đền bù khu vực nhà mồ và đã hỗ trợ gạo đến 6 tháng cho dân. Trong việc triển khai xây dựng các công trình, biết mùa mưa đường vào Ia Mơr sẽ bị ách tắc nên đã chuyển vật liệu vào trước do vậy không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Về Chư Prông lần này, tôi còn biết các vị lãnh đạo huyện đang tính đến việc triển khai một dự án tuy nhỏ nhưng rất quan trọng đối với đời sống xã hội ở Ia Mơr. Đó là khi dời dân xây dựng công trình chỉ có hai làng bị ngập nước là làng Nap và làng Khôi. Hai làng này sau khi về định cư nơi ở mới được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt nên đời sống của đồng bào có phần sung túc. Trong khi đó cũng trên địa bàn có hai làng không thuộc phạm vi lòng hồ nên không phải dời đi là làng Krông và làng Klah, đời sống của dân làng cũng còn khó khăn.

Huyện đã lập dự án đề nghị tỉnh cấp vốn quy hoạch lại và đầu tư xây dựng cho hai làng này mỗi hộ một căn nhà cùng hệ thống nước sạch. Nếu được thì đây là một dự án mang đậm tính nhân văn và cũng rất tế nhị trong ứng xử, tránh sự phân biệt giữa người dân làng mới và làng ở lại. Qua đó cộng đồng Jrai nơi đây càng thêm tin yêu nhau hơn, càng tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên Ia Mơr.

Những ngày cuối đông này người dân Ia Mơr còn nhận thêm tin vui khi các doanh nghiệp trong tỉnh đang triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn. Một cơ hội nữa để người Ia Mơr đổi đời!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm