(GLO)- Chiều 30 Tết, các tuyến đường ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã thưa người. Hầu hết các cửa hàng buôn bán, kinh doanh cũng đã đóng cửa, nghỉ bán. Nhà nhà đều đã gọn gàng, tươm tất sẵn sàng chào đón năm mới. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người đang cố gắng tìm kiếm chút hy vọng từ chính những thứ đã được bỏ đi.
Chị Thanh (trước) và chị Thei phấn khởi vì xin được khá nhiều đồ ưng ý. Ảnh: Anh Huy |
Lui cui lôi từ trong bịch rác ra được 1 đôi dép xăng đan còn khá mới, chị Thei (làng Vêt, xã Glar, huyện Đak Đoa) mừng rỡ nói: “Chắc chủ nhân của đôi dép này không thích đi nữa hoặc nó chật rồi nên mới bỏ, chứ dép còn nguyên chưa bị rách. Mình mang về giặt sạch, cho con gái đi, chắc nó thích lắm!”. Phủi bớt lớp bụi bẩn, chị Thei cẩn thận gói đôi dép bằng một tờ giấy cũ rồi mới bỏ vào trong chiếc gùi đeo phía sau lưng. Xong xuôi chị tiếp tục tìm kiếm ở túi rác phía trước mặt. Vừa làm, chị Thei vừa chia sẻ: “Thấy vài người dân trong làng đi xin đồ về mặc đẹp nên mình cũng đi theo. Mình đi từ sáng sớm đến giờ cũng xin được vài bộ quần áo mặc vừa với mấy đôi dép cho con gái. Như thế là đủ dùng rồi, sang năm mình không phải mua thêm quần áo, giày dép nữa”. Chia sẻ về kinh tế gia đình, chị Thei cho hay, 3 miệng ăn trong nhà chỉ trông vào chưa đến 1 sào ruộng lúa. Mọi năm vợ chồng chị đều đi làm thuê, làm mướn đến cận Tết mới nghỉ nhưng năm nay do ít việc, không có nhiều người thuê làm nên kinh tế gia đình cũng khó khăn.
May mắn hơn cô cháu gái, chị Thanh (cùng làng) xin được một bịch quần áo khá lớn. Mở bịch quần áo ra xem, chị Thanh không giấu được niềm vui, bởi hầu hết quần áo đều còn dùng được mà lại còn là quần jeans, áo khoác size (kích cỡ) to hợp với tạng người mập mạp của chị. “Từ sáng đến giờ, mình cũng xin được hơn chục bộ đồ nhưng toàn cỡ nhỏ, chỉ người gầy mới mặc được, chưa có bộ nào cho mình hết. May mắn sao, hồi đầu giờ chiều, có 1 chị đang dọn nhà, gọi cho nguyên một bịch đồ to mà toàn quần áo cỡ lớn, mình mặc cả năm chắc không hết luôn”-chị Thanh cười. Nói về lý do chọn ngày gần Tết để đi xin đồ cũ, chị cho rằng, ngày cận Tết, nhà nào cũng dọn dẹp nhà cửa nên sẽ bỏ đi những thứ không cần thiết hoặc đã cũ, vì vậy đi lúc này sẽ xin được nhiều đồ mà người cho cũng không khó chịu. “Hồi sáng mình mắc cỡ lắm vì lần đầu đi xin đồ cũ nhưng một năm mình chỉ đi xin đúng một lần, mà xin đồ người ta không dùng nữa nên chắc không sao”-chị Thanh tự trấn an. Sáng sớm, 2 cô cháu chị Thanh chở nhau bằng xe máy lên chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) rồi gửi xe ở đó. Mỗi người đi bộ theo các tuyến đường khác nhau và để tránh lạc đường, lạc nhau, 2 cô cháu thống nhất cứ nhìn đích quay về là khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Xin nhiều như thế, rồi ai mặc cho hết?-Trả lời câu hỏi ấy, chị Thei nói: “Đồ nào mình mặc vừa thì để lại mặc dần, cái nào không vừa thì đem cho anh em, họ hàng. Mỗi người một ít là hết thôi mà ai cũng vui”.
Chị Thanh (bên trái) vui mừng vì được cho một bịch quần áo. Ảnh: Anh Huy |
Ở một tuyến đường khác, chị Lan (làng Châm A Neh, xã Chư HDrông, TP. Pleiku) thay vì chỉ lựa đồ cũ còn tranh thủ lượm thêm các vỏ lon bia, lon nước ngọt. Chị Lan khoe, 4 ngày nay chị đều rong ruổi ở các tuyến đường và nhiều bãi tập kết rác gia đình để lượm nhôm nhựa, vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt. “2 hôm trước mình bán được 150 ngàn đồng; riêng số vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt hôm qua và ngày nay, mình để qua Tết mới bán vì giờ này các vựa ve chai đã nghỉ hết. Mình chịu khó đi thêm vài tuyến đường, lượm muộn một chút chắc sẽ được nhiều hơn”-chị Lan chia sẻ.
“Cũ người, mới ta”-những bộ quần áo, giày dép có thể cũ với người này nhưng hẳn sẽ có giá trị với người khác. Và như chị Thanh chia sẻ “Tết này, nhà mình có nhiều đồ đẹp để mặc, như thế là vui rồi”.
Anh Huy