Chuyện giảm nghèo ở Kon Chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần đầu tiên tại Gia Lai có một tập thể (trong 4 tập thể của toàn quốc) được vinh danh tại giải thưởng KOVA-giải thưởng thường niên của Ủy ban Giải thưởng KOVA trao tặng cho những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học, lao động, sản xuất trên nhiều lĩnh vực của đời sống-đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) vì đã có thành tích trong xây dựng “Kho thóc tình thương” và “Nuôi bò tình thương”.

“Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn không chỉ với Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mà cả Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này trên toàn huyện”-bà Nguyễn Thị Định-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mang Yang nhấn mạnh. 
 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

“Vừng ơi, mở ra!”

Vào thời điểm giáp hạt, khi gùi lúa sau cùng trong các gia đình cạn kiệt cũng là lúc cánh cửa “Kho thóc tình thương” của các chi hội phụ nữ xã Kon Chiêng được mở ra. Kho thóc chỉ đóng lại khi người dân bước vào vụ thu hoạch mới và không còn hộ nào bị thiếu gạo. Vì vậy, cánh cửa “Kho thóc tình thương” của các chi hội được nhiều hội viên ví von như cánh cửa trong câu chuyện cổ tích “Alibaba và 40 tên cướp”. Và không ai khác, người làm nên những cánh cửa “cổ tích” ấy lại chính là hội viên phụ nữ trong xã.

Bà Kuênh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho biết: Thời gian đầu, việc vận động chị em đóng góp, xây dựng các kho thóc không hề dễ dàng. Bởi, Kon Chiêng vốn là xã nghèo, hội viên dân tộc thiểu số chiếm 99,3% và chủ yếu sống dựa vào nghề nông nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nói gì đến việc góp lúa vào kho. Tuy nhiên, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của hội viên, cán bộ Hội đã thường xuyên vận động, tuyên truyền, giải thích để hội viên hiểu rõ hơn ý nghĩa của kho thóc-đặc biệt trong mùa giáp hạt, nhiều chị em đã tự nguyện gùi thóc từ nhà đến kho.

Nhà nào nhiều thì góp nhiều, nhà ít góp ít, khi mùa giáp hạt, người dân đến kho mượn thóc về ăn và sau khi thu hoạch mùa màng xong thì trả lại. Theo bà Kuênh “Kho thóc tình thương” đã tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống hội viên và những nơi có kho thóc đã không còn hội viên bị đói lúc giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua mỗi năm. Từ một kho thóc làm điểm tại chi hội làng Ktu, đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã xây dựng được 4 kho thóc ở 4/9 chi hội với số lượng khoảng 7,3 tấn, giúp 70-80 hội viên gặp khó khăn mỗi năm.

Thoát nghèo nhờ “con bò vàng”

Cùng với “Kho thóc tình thương”, từ năm 2006 đến nay, Hội còn phát động thêm mô hình “Nuôi bò tình thương” và trồng mì gây quỹ. Dựa vào nguồn đất đai trù phú của địa phương, Hội đã đề xuất với xã cho khai hoang trên những diện tích đất rẫy bỏ hoang, gần khe suối để trồng mì cao sản, bắp lai, lúa… Hiện nay, các chi hội đã gieo trồng được 2 ha lúa và 27 ha mì. Đặc biệt, số tiền thu được từ trồng trọt, các chi hội dùng vào việc mua bò giống, heo giống giao cho các hội viên nghèo nuôi làm vốn.

Ban đầu, những “con bò vàng” được giao cho các gia đình hội viên nghèo nuôi, sau một thời gian, bò mẹ sinh ra bê con thì gia đình giữ lại bê con và chuyển bò mẹ sang cho các hội viên khác, lần lượt như thế đàn bò sinh sản ra ngày càng nhiều, số hội viên được giúp vốn để thoát nghèo ngày càng tăng. Theo thống kê, hiện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon chiêng đã phát triển được đàn bò 25 con, giao cho 10 hội viên nuôi. Ngoài ra, Hội còn thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với phong trào “Nuôi heo đất” và đã nuôi được 9 con heo đất với số tiền 129 triệu đồng, giải quyết cho nhiều hội viên khó khăn mượn không tính lãi suất 3-5 triệu đồng/hội viên.

Bên cạnh đó, các chi hội còn giúp cho nhiều hội viên khó khăn bằng cách cho vay vốn từ nguồn quỹ chi hội, vần đổi công, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi… Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyễn Thị Định khẳng định: Phong trào xây dựng “Kho thóc tình thương” và “Nuôi bò tình thương” đã tạo được những đổi thay thiết thực trong đời sống hội viên, tỷ lệ hội viên nghèo giảm qua mỗi năm, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện. Cũng theo bà Định, toàn huyện đã có 9/12 xã xây dựng được 25 “Kho thóc tình thương” với 31 tấn thóc và 2 xã (Kon Chiêng và Lơ Pang) “Nuôi bò tình thương” với 35 con.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm