Phóng sự - Ký sự

Chuyện hồ sơ đi B - Kỳ I: Ông tiến sĩ Mỹ tìm cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phan Kế Bính. Thiên hạ nhớ đến dịch giả bộ Tam Quốc nổi tiếng và tác giả cuốn Việt Nam Phong Tục. Việc dịch và viết đã lẩu lâu nhưng chưa hề cũ và phai mờ tẹo nào trong tâm trí lương dân các thế hệ Việt! Giờ có thứ để neo và găm thêm vào trí nhớ. Hơn hai chục năm nay, khoảng giữa con phố mang tên Phan Kế Bính có ngôi nhà số 34 mang tên Trung tâm lưu trữ quốc gia III (TT3). Nhà ấy trữ cái gì vậy?

Một ngày thu năm 2016, một người đàn ông ngoại quốc dáng cao ráo bặt thiệp ngập ngừng trước cửa nhà 34. Chức vụ cùng học hàm của ông có lẽ phải biên kín bằng co chữ nhỏ khắp hai mặt cái danh thiếp.

 

Trung tâm lưu trữ quốc gia III.
Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

Một quý ông danh tiếng

Đó là Tiến sỹ (TS) James Bevard Wells, giảng viên Chuyên ngành nghiên cứu về Thực thi Công lý thuộc Đại học Đông Kentucky. Thành viên Học viện nghiên cứu về Thực thi Công lý trong Tội phạm học; thành viên Hiệp hội Mỹ về Tội phạm học; Hiệp hội Giáo dục Cải tạo lao động Mỹ; Hiệp hội nhà tù Mỹ. Chưa hết, ông lại có bằng cử nhân và thạc sỹ về Thực thi Công lý Tội phạm; Tiến sỹ về Nghiên cứu, Đo lường và Thống kê. Ông hiện cũng đang nghiên cứu chương trình Thạc sỹ về Viết Sáng tạo.

Tiến sĩ James tìm đến TT3 có kế hoạch hợp tác nghiên cứu gì? Hay tham quan? Không phải. Ông đã mấy lần bay sang Việt Nam với mục đích và dự định cháy bỏng: Tìm kiếm tin tức về người cha thân yêu bị mất tích trong thời gian tham chiến ở Nam Việt Nam. Ông lang thang ở các trung tâm tìm kiếm cựu binh Mỹ ở miền Trung, ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam… Hy vọng rồi thất vọng. Mặc dù các nhà chức việc địa phương cũng như nhiều cơ quan có trách nhiệm hết lòng giúp ông nhưng hy vọng lẫn thất vọng cứ thi nhau nối dài… Rồi ông bay ra Hà Nội cũng với mục đích ấy. Trung tâm lưu trữ quốc gia III là một trong những nơi ông tìm đến.

… Ban lãnh đạo TT3 đã nhiệt thành chào đón và sẵn lòng thỏa mãn mọi yêu cầu của Tiến sĩ James. Tại đây vị tiến sĩ hơi bất ngờ khi được giới thiệu, TT3 là đơn vị kế thừa công việc lưu trữ hồ sơ cán bộ đi B (chiến trường miền Nam) của Ban Thống nhất Trung ương trước đây. TT3 hiện lưu giữ 55.710 hồ sơ, kỷ vật của 55.710 cán bộ, những người con ưu tú nhất được bí mật cử vào miền Nam phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất từ cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nhiệm vụ đặc biệt khi ấy gọi là đi B! Ông James ngạc nhiên thú vị khi biết hồ sơ của Đặng Thùy Trâm một người đi B nổi tiếng mà ông biết cũng đang được lưu giữ tại nơi này.

Ông James cho rằng, đi B như một hình thái độc đáo của việc chuyển quân bí mật.  Quân ấy thuộc loại đặc biệt tức là cán bộ, hạt nhân để gây dựng phong trào. Cuộc chuyển quân bổ sung chi viện cho chiến trường từ Bắc vào Nam không phải thần tốc ngày một ngày hai vài tháng vài năm mà là kéo dài bền bỉ cứ nhỏ giọt, nhỏ giọt…

55.710 cán bộ đi B là những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc từng tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và những cán bộ miền Bắc theo yêu cầu của cách mạng đã vào Nam công tác theo con đường dân sự. Trước khi đi Nam họ được điều động về Ủy ban Thống nhất Trung ương (BTNTW) để học tập, rèn luyện thể lực (tập đeo ba lô đất nâng dần trọng lượng từ 10-20-30kg liên tục trong nhiều tháng, hằng đêm hành quân bộ 10-15 km) sau đó mới hành quân vào Nam. Những cán bộ được điều động về BTNTW thì các cơ quan quản lý những cán bộ ấy phải chuyển hồ sơ gốc (Lý lịch cán bộ, Lý lịch Đảng, công đoàn, đoàn viên…) của những người đó cho BTNTW quản lý.

Những cán bộ ấy khi lên đường vào miền Nam chỉ được mang theo những đồ dùng sinh hoạt cá nhân do BTNTW cấp phát, còn tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại BTNTW. Trong tài sản và các kỷ vật thường có là sổ tiết kiệm, phiếu công trái, các loại huân huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen, ảnh, thư từ nhật ký…

Hồ sơ 55.710 cán bộ ấy đều rải khắp các tỉnh thành Việt Nam. Độc đáo trong đó có 147 người quê quán từ các tỉnh của Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Ngần ấy hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B hiện chiếm chiều dài 285 mét giá dùng để chứa hồ sơ của TT3.

Năm 1995, TT3 được hình thành và những năm sau đó là thời gian lao động cật lực của hơn 100 cán bộ nhân viên. TT3 đã không ngừng việc sắp xếp, xử lý phân loại, số hóa hồ sơ. Trung tâm đã tổ chức trao trả (bản sao) cho Sở Nội vụ hơn 20 tỉnh thành với 4.503 hồ sơ. Để tạo thuận tiện cho người dân trong việc tra cứu hồ sơ, TT3 cũng đã đưa toàn bộ tên tuổi, bí danh, quê quán, cơ quan làm việc trước khi đi B... của hơn 55.000 hồ sơ cán bộ đi B theo con đường dân sự lên mạng internet.

… Làm việc với Ban lãnh đạo TT3, tiến sĩ James nhận được sự hợp tác tích cực cùng những thông tin về một trung tâm lưu trữ nổi tiếng nằm trong hệ thống lưu trữ của chính phủ. Nhưng ông đã nhanh chóng nhận ra yêu cầu của mình, TT3 không thể đáp ứng bởi đơn giản là suốt 285 mét giá đựng hồ sơ đi B nằm trong 13 km chiều dài giá hồ sơ thuộc nhiều lĩnh vực mà TT3 đang lưu trữ, không có một chi tiết nào liên quan đến tung tích người cha thân yêu.

Trước khi rời TT3 để tiếp tục lộ trình tìm kiếm, ông James đã để lại lưu bút ở TT3 những dòng xúc động. Ông James rất cảm phục và bị bất ngờ trước cung cách làm việc khá chuyên nghiệp và tận tình của anh chị em TT3. Rằng, ngay bên Hoa Kỳ, ông đã tới 4 trung tâm lưu trữ danh tiếng để tìm hiểu vấn đề mà ông quan tâm, ông cũng chỉ nhận được sự phục vụ và hợp tác không hơn. Tuy việc chủ yếu chưa thực hiện được, nhưng  thời gian làm việc ở TT3 đã cho ông nhiều thông tin bổ ích gợi mở cho việc nghiên cứu của mình nhiều vấn đề thú vị.

 

Tỉ mẩn công việc hồ sơ đi B.
Tỉ mẩn công việc hồ sơ đi B.

Trên cái ghế mà tiến sĩ James đã từng ngồi trong phòng khách TT3 tôi được nối dài câu chuyện với chị Trần Việt Hoa, Giám đốc TT3 cùng trưởng phòng Nghiêm Xuân Bình, Phạm Quang Tiến của phòng đọc. Khá ấn tượng với công việc của hơn 100 cán bộ, nhân viên TT3 đã xử lý hiệu quả rốt ráo một thứ công việc có thể nói là rất đặc thù và có phần hơi đơn điệu? Làm sao những dòng thông tin về hồ sơ lưu trữ cán bộ đi B đến được người thân của họ? Phải dò tìm, xâu chuỗi, nối mạng để tìm đúng địa chỉ là cả vấn đề nan giải?   Như TT3 hiện đang còn 11.804 cán bộ đi B chưa xác định được quê quán do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tỉnh Bình Thuận có tới 621 trường hợp không tìm ra địa chỉ để gửi hồ sơ. Có thể cán bộ đi B thuở ấy dùng địa chỉ, địa danh nay đã thay đổi? Có thể ngoài tên thật còn dùng bí danh? Có thể khâu nào đó khi kê khai hoặc chuyển hồ sơ từ BTNTW gặp trục trặc?… Rồi có việc nan giải như với 739 trường hợp trước khi đi đã gửi lại sổ tiết kiệm, sổ công trái. Đã nửa thế kỷ qua rồi, giá trị những mệnh giá ấy bây giờ phải quy đổi như thế nào? Đành phải kính chuyển bên ngân hàng tư vấn…

Trong làn sáng trắng nhợt, hơi âm u, tôi sải chầm chậm những bước bên 285 mét giá đựng hồ sơ đi B. Thoạt cánh cửa kho nặng chịch sịch mở, mặc dù biết các công đoạn đã được khử trùng khử mùi theo một quy trình nghiêm ngặt nhưng vẫn thoáng đâu đây thứ mùi lưu cữu gợi cảm giác bí ẩn? Ngay ngắn trong giá là những tập hồ sơ đánh số. Từ dãy số nọ đến dãy số kia là hồ sơ gốc của cụ này cụ kia. Cụ chứ còn gì?

Tuyền sinh những năm 1920, 30, 40 họa hoằn mới 50. Trong số ngàn vạn chủ nhân hồ sơ gốc đi B kia, bao nhiêu cụ đã hy sinh, đã bị thương khi trở lại chiến trường quê hương và viên tịch theo lẽ thường của tạo hóa? Chắc nhiều lắm. Chợt nảy ra một ý lạ. Nếu như TT3  nối mạng với các địa phương đã có hồ sơ trao trả để biết thêm số phận của những cụ trong mỗi hồ sơ kia nhỉ? Rồi để biết thêm số lượng bao nhiêu thân phận đang chật vật khốn khổ hay may mắn được thảnh thơi, thanh thản ở độ tuổi thất bát cửu thập kia?

Bàn tay trắng trẻo của cháu Hoàn, nhân viên phòng đọc đang chầm chậm khai mở vài hồ sơ theo yêu cầu của khách… Những địa danh gợi nhớ một thời của các cụ từng công tác trước khi đi B.  Nhà máy sứ Móng Cái, Hà Lầm, Quảng Yên, nhà máy miến mỳ chính Việt Trì, nông trường cam Nghĩa Đàn, Bến phà Rừng, Lâm trường Than Uyên… Những trang lý lịch nhật ký, thư từ chép tay bằng thứ mực màu tím, xanh lá mạ toát yếu lên vẻ chất phác cùng bay bổng với tuồng chữ ngay ngắn thời những năm năm, sáu mươi bây giờ khó mà tìm thấy!

Cứ như những địa danh cùng sắc màu ấy đương phảng phất thứ hồn cốt nào đó sống động? Địa danh ấy, màu sắc kia chừng như đang có sự đồng cảm với những chủ nhân trẻ trung của TT3. Sự đồng cảm ấy được thể hiện bằng những động thái tỉ mỉ cẩn trọng nâng niu chỉnh trang hồ sơ, bằng những miệt mài truy tìm nối mạng và trợ giúp các địa phương trong công việc lưu trữ và khai thác hồ sơ cán bộ đi B của các bạn trẻ TT3.

Những ngày thường của Hoàn và nhiều người trẻ TT3 đã cháy lên khi trực tiếp chứng kiến những giọt nước mắt mừng vui, cảm động của người thân và cán bộ đi B đến TT3 và được trợ giúp tiếp cận những hồ sơ nằm im lìm bao năm nay trên giá. Công việc của họ không đơn điệu như tôi đã có lúc vội nghĩ và băn khoăn rằng với mức thu nhập khiêm tốn theo ngạch hành chính mà hằng bao năm họ vẫn miệt mài, mê say. Hình như ứng xử với dạng thức công việc đặc thù mang hơi hướng tâm linh này cần phải có một tấm lòng?

Sau khi tìm được hồ sơ, các cán bộ đi B hoặc thân nhân có thể gửi đơn xin sao chụp, chứng thực hồ sơ đi B có xác nhận của địa phương, TT3 sẽ tiến hành sao chụp, chứng thực lại toàn bộ hồ sơ, gửi qua đường bưu điện. Toàn bộ việc sao chụp và cước bưu điện đều được thực hiện miễn phí.

Trung tâm tổ chức nhiều đợt triển lãm các hồ sơ đi B nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Theo tienphong

Có thể bạn quan tâm