Chuyện học bán trú ở Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là những em nhỏ mới 6 tuổi đã xa cha mẹ đến học tập và ở lại trường suốt tuần. Các em tự lo cho mình từ những việc nhỏ nhất, dưới sự giúp đỡ của các thầy-cô giáo.

“Nhiều đêm khóc vì nhớ nhà”

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học-THCS Krong nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi Kbang. Trường có 9 lớp với 267 học sinh. Trong số ấy, 149 em học bán trú. Dù trường thành lập đã 3 năm nhưng thầy và trò vẫn chưa hết khó khăn.

 

Một số phòng học phải dùng để làm nhà ở cho các em. Ảnh: L.H
Một số phòng học phải dùng để làm nhà ở cho các em. Ảnh: L.H

Em Đinh Thị Tiên (học sinh lớp 6) gắn bó với trường từ ngày thành lập. Nhà em ở làng Arong. Theo tập quán canh tác của người Bahnar, ngày mùa, cha mẹ em lại lên rẫy ở lại nhà đầm để thuận cho việc canh tác. Những ngày ấy, hoặc là 3 chị em Tiên tự lo cho nhau, hoặc cha mẹ sẽ đưa các em theo. Các em phải nghỉ học nếu thời gian đó không phải là ngày hè. Từ ngày có trường bán trú, chị em Tiên được ở lại trường. Chuyện ăn ở, học hành đã bớt vất vả đi nhiều.

“Mỗi sáng em dậy từ lúc 5 giờ, tự gấp chăn màn, sau đó xuống sân trường cùng các bạn tập thể dục 15 phút. Quay về, chúng em vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng ở, chuẩn bị ăn sáng. Đúng 7 giờ 15 phút bắt đầu vào học cho đến  11 giờ rồi nghỉ trưa. Từ 14 đến 16 giờ là giờ học buổi chiều, sau đó dọn dẹp, vệ sinh trước khi ăn tối. Từ 19 giờ chúng em sinh hoạt tập thể, văn nghệ, đọc sách…  Đến 21 giờ, tất cả đều phải lên giường đi ngủ”-Tiên kể về lịch sinh hoạt, học tập trong một ngày của em ở trường bán trú.

Bất cứ học sinh bán trú nào cũng đều phải tự giác tuân thủ giờ giấc và lịch sinh hoạt, học tập như vậy, từ lớp 1 tới lớp 9. Nếu khó khăn thì thầy-cô nhờ các em lớp lớn hỗ trợ, bởi với 149 học sinh, không phải lúc nào và việc gì thầy cô cũng quán xuyến hết được. “Những ngày đầu tiên em đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà. Các bạn trong phòng nhiều người cũng khóc, có bạn muốn bỏ về... Những lúc ấy, thầy cô, bạn bè luôn ở bên động viên, dỗ dành. Lâu dần mới quen. Bây giờ, một ngày xa trường, em rất nhớ”-Tiên tâm sự.

Tấm lòng người thầy

Trên hành trình đến với con chữ ấy của các em có sự đóng góp rất đáng trân trọng của những người thầy, người cô. “3 năm gắn bó với các em dù vất vả nhưng tôi rất hạnh phúc. Trường không chỉ là nơi công tác mà đã là mái nhà chung rất đặc biệt. Thầy cô gần như kiêm luôn trách nhiệm của những người mẹ, người cha coi sóc, chỉ bảo, dạy dỗ các em. Như hiểu nỗi vất vả ấy, các em đều chăm  ngoan, tình cảm”-thầy giáo Thái Minh Kiệt xúc động khi nhắc đến ngôi trường và những trò nhỏ. Như nhiều giáo viên, thầy Kiệt ngoài giờ lên lớp còn canh cánh nỗi lo các em hiếu động dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc, đau ốm hay đơn giản là sau mỗi cuối tuần có em không trở lại trường... “Thực tế có em ở xa tít trên làng Pờ Ngăl có ý định nghỉ học, thầy cô phải vượt gần 2 tiếng đồng hồ lên rẫy tìm, động viên em trở lại lớp. Nếu không xem các em như những đứa con của mình thì sẽ rất khó kiên trì gắn bó và tìm thấy niềm vui trong công việc”-thầy Kiệt kể lại.

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng năm học 2016-2017, trường đã đạt được một số thành tích đáng phấn khởi: Chất lượng đại trà được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn được cải thiện. Ở bậc Tiểu học, có 55 em được khen thưởng toàn diện (chiếm 34,1%), tỷ lệ học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%, xếp loại về năng lực và phẩm chất đạt 100%. Ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 34,9%. Ngoài ra, tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện, trường có 2 học sinh đạt giải khuyến khích.

Đâu đó, chuyện thành tích đặt lên hàng đầu thì ở ngôi trường này, chuyện các em đều đặn đến lớp mỗi ngày, mỗi tuần mới là đáng quý. Giữ cho sĩ số lớp không giảm qua mỗi kỳ, mỗi năm đã là thành công! “Nhà trường phối hợp chính quyền địa phương thành lập Ban Chỉ đạo duy trì sĩ số, tuyên truyền, vận động đến già làng, trưởng thôn và phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn học sinh nghỉ học giữa chừng. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các sân chơi, hoạt động ngoại khóa để các em không cảm thấy buồn và nhớ nhà. Các hoạt động liên quan như hỗ trợ dạy tiếng Việt cũng được chú trọng nhằm xóa rào cản ngôn ngữ, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt để các em tiếp nhận kiến thức tốt hơn”-thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ. Để huy động hiệu quả sự ủng hộ từ phụ huynh, già làng, trưởng thôn, mỗi năm nhà trường đều tổ chức các đợt giao lưu, gặp gỡ mời đại diện các làng và phụ huynh chung vui, bàn chuyện giáo dục các cháu. Trước ngày nghỉ Tết, thầy trò xúm xít gói bánh chưng để các em mang về vui Tết cùng gia đình…

“Điều tôi trăn trở nhất là hiện nay cơ sở vật chất thiếu thốn nên học sinh và thầy cô phải ở trong những phòng học tận dụng và chật chội. Gia đình nghèo nên quần áo, đồ dùng, dụng cụ học tập của các em thứ gì cũng thiếu. Rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, các cấp, các ngành để thầy trò yên tâm với sự nghiệp giáo dục nơi vùng khó này”-Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm