Chuyện học ở một xã anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếng ê a của trẻ em làng Kép-ngôi làng cách trung tâm xã Ia Phí (huyện Chư Pah) 6 km-khiến chúng tôi tin rằng, giáo dục bậc Tiểu học ở xã anh hùng này là nhu cầu tự thân, đi vào chiều sâu.

Thầy Nguyễn Trọng Cường-Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) xã Ia Phí, cho biết: Mấy năm gần đây, nhà trường duy trì sĩ số học sinh (HS) đạt ngưỡng 100%, tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi xấp xỉ 90%. Hàng năm có chừng 97,2% HS lên lớp thẳng. Điều đó có được bởi nhiều lý do, nhưng yếu tố tiên quyết là các bậc phụ huynh trẻ đã thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, có điều kiện nuôi dạy con, nhận thức đúng vai trò của việc học.

 

Trường Tiểu học xã Ia Phí. Ảnh: Đ.P
Trường Tiểu học xã Ia Phí. Ảnh: Đ.P

Nhà trường hiện có 570 HS (trong đó chỉ có 5 HS người Kinh), chia làm 7 điểm trường ngay tại các làng, rất thuận tiện cho trẻ đến trường. Điểm trường làng Kép chỉ có 17 HS nên học ghép lớp 1 và lớp 2. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cả trường có 38 người, đều đạt chuẩn trình độ chuyên môn. Trường đạt chuẩn quốc gia năm 2012, được nhận cờ thi đua vào các năm học 2011-2012, 2015-2016; năm học 2016-2017 đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Cũng trong năm học 2016-2017, HS nhà trường thi giao lưu các môn Toán, Tiếng Việt khối trường dân tộc thiểu số của huyện và xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn. Tại hội thi giáo viên giỏi toàn huyện năm học 2016-2017, trường đạt giải nhì toàn đoàn.

Chúng tôi theo chân Bí thư Đảng ủy xã Ia Phí-ông Siu Lir đến thăm điểm trường làng Kép. Sáng đầu đông nắng vàng se lạnh, tiếng trẻ ê a theo gió nhẹ vọng ngoài khuôn viên trường. Bình yên đến lạ. Thoáng ngập ngừng dừng chân trước cửa lớp, cô giáo Siu Mai H’Tuyết xinh đẹp rạng ngời bước ra chào. Để sự học ở xã vùng III với 10/13 làng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến như hiện nay, tôi tin phần nhiều là từ chất lượng giáo viên. “Tôi là người dân địa phương nên hiểu tâm lý trẻ và yêu thương chúng như tuổi thơ mình. Ngoài việc dạy chữ, tôi còn “dụ” HS đến lớp đều đặn bằng sở trường múa hát” -cô H’Tuyết hào hứng kể.

Trong câu chuyện sau đó, ông Siu Lir khẳng định: “Cả hệ thống chính trị xã Ia Phí xác định, phát triển giáo dục không chỉ là công việc của ngành. Chỉ có phát triển giáo dục thì người dân mới thoát nghèo bền vững. Phát triển giáo dục là sự kế thừa vinh quang nhất truyền thống anh hùng cách mạng của xã trong thời kỳ mới. Trong nội dung công tác tư tưởng, chúng tôi luôn chú trọng đến mối quan hệ mật thiết giữa giáo viên và dân làng. Dân làng tổ chức lễ hội, giáo viên tham dự. Bên nhau ghè rượu vít cần, mọi việc đều trở nên đơn giản hơn. Nhà trường có việc cần giúp đỡ như đổ đất, xây nhà, làm tường rào… ở các điểm trường, dân làng liền hỗ trợ ngày công lao động. Nhờ thế mà xóa được trường lớp tạm bợ, con em có chỗ ăn chỗ học tinh tươm”.

Với quyết tâm lấy sự nghiệp giáo dục làm “chìa khóa của sự phát triển”, chắc chắn xã Ia Phí sẽ còn đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm