Chuyện ít biết quanh "cung đường du lịch" Nghĩa Hưng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngồi quán ven đường thưởng thức ly cà phê, nghe thông reo chào ngày mới, hít hà mùi thơm của đọt chè tươi non là trải nghiệm khó quên của du khách khi đến thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Vùng đất này chứa nhiều trầm tích lịch sử, là điểm giữa “cung đường du lịch” của tỉnh và nghiễm nhiên trở thành đích đến của du khách. Tuy nhiên, làm thế nào để được hưởng lợi nhiều hơn từ du lịch thì vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Chuyện cũ ở làng cỏ may
Ở thôn 1 hiếm có người thứ 2 rành về lịch sử vùng đất này bằng ông Lê Văn Phước (SN 1942). Trò chuyện với tôi và Trưởng thôn Mai Văn Tuấn, ông Phước nhớ lại: Đầu thế kỷ XX, ông bà nội của ông từ Thừa Thiên-Huế vào đây làm phu rồi lấy nhau, bám trụ nơi này. “Tôi nghe các cụ thân sinh kể lại là đầu thế kỷ XX, người Pháp lập đồn điền chè, thấy quanh đây có vô vàn cây cỏ may liền lấy đó đặt tên cho làng. Họ xây dựng nhà máy cùng mấy dãy nhà tập thể rồi mộ người tứ xứ lên đây trồng chè. Phu chè chủ yếu là người Huế, Quảng Ngãi và Bình Định. Hiện dân cư trong vùng chiếm đa số là con cháu từ thế hệ phu đầu tiên. Khi tôi sinh ra thì bố mẹ vẫn ở trong dãy nhà tập thể, đi làm công cho chủ đồn điền người Pháp, thực phẩm được phát theo đầu người trong gia đình, không có lương bổng gì cả. Sau khi Pháp rút thì chủ đồn điền tên Lâm Phan-người Tàu quản lý. Sau giải phóng 1975 thì ta tiếp quản. Giai đoạn này, chúng tôi sống chung với mấy chục hộ người dân tộc Xê Đăng từ Kon Tum xuống làm công nhân. Rồi họ dời về chân núi cách đây chừng 15 km lập làng. Dấu tích từ thời Pháp còn sót lại đến nay là hàng thông cổ thụ, dãy nhà tập thể và cây dừa nước ở gần đây. Còn cây chè được tái canh nhiều lần lắm rồi”-ông Phước kể.
Cụ ông Lê Văn Phước gắn bó gần trọn cuộc đời với cây chè ở Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Lê Văn Phước gắn bó gần trọn cuộc đời với cây chè ở Biển Hồ. Ảnh: Hoành Sơn
Làm công tác quản lý từ Nông trường Chè Biển Hồ năm 1978, ông Phan Văn Đồng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Nghĩa Hưng nhớ như in những thăng trầm của vùng đất tiếp giáp với TP. Pleiku bằng con đập Biển Hồ B. Ông Đồng hồi tưởng: Năm 1975, Đoàn 773 được giao tiếp quản đồn điền chè Biển Hồ với diện tích hơn 534 ha. Chính ông là người tháp tùng ông Nguyễn Khắc Hiếu từ Kon Tum về nhận nhiệm vụ Giám đốc Nông trường. Đến tháng 10-1978, sau khi đi học lớp quản lý kinh tế, ông được cấp trên điều động về đây làm việc. Khi bộ đội tiếp quản, vùng Nghĩa Hưng này ít dân lắm. Để kịp thời phục vụ sản xuất, Nhà nước có chủ trương vận động dân cư trong nước vào làm công nhân. Ban đầu có mấy chục hộ dân Xê Đăng xuống làm công nhân ở tại thôn 1. Sau đó, họ chuyển về gần đây lập làng Ea Lũh. Tiếp đó là 1.000 công nhân từ Hưng Yên, Hải Dương chuyển vào xây dựng kinh tế mới tại Nông trường. Diện tích chè ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu sản xuất của đơn vị.
“Sau giải phóng, bộn bề khó khăn, công nhân cực khổ lắm. Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống của công nhân mới đỡ vất vả hơn nhờ cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt giá cao. Từ đó đến nay, kinh tế phát triển, người dân Nghĩa Hưng có cuộc sống đủ đầy hơn. Gia đình tôi cũng như vậy”-ông Đồng chia sẻ.
Rộn ràng ngày mới
Bên quán nhỏ ven đường ở dưới hàng thông trăm tuổi, tôi cùng anh Mai Văn Tuấn thưởng thức ly cà phê sáng. Tia nắng đầu ngày lung linh chiếu rọi cho cảnh vật thêm sinh khí. Hàng ngàn cây chè ra lá non mơn mởn, xanh rì. Điểm nhấn là con đường giữa 2 hàng thông cổ thụ che bóng mát rượi. Chốc chốc, có đoàn khách thập phương chở nhau đến vãn cảnh, chụp hình lưu niệm.
Anh Mai Văn Tuấn bảo: Năm 1995, anh vào đây định cư, quanh vùng còn heo hút, ít người biết đến. Thế nhưng, mấy năm gần đây, Nghĩa Hưng trở thành điểm đến yêu thích của người dân trong và ngoài tỉnh. “Du khách thích đến đây bởi khung cảnh yên bình, không khí trong lành. Dịp cuối tuần, nhiều gia đình mang theo thức ăn đến đây vui chơi, giải trí. Khách du lịch ghé đến ngắm cảnh rồi đi điểm khác quanh vùng như: núi Chư Đang Ya, đập nước Tân Sơn. Con đường này nằm trong tuyến đường du lịch của tỉnh nối từ TP. Pleiku đến nhiều xã của huyện Chư Păh nên thu hút đông đảo du khách hơn. Bà con trong vùng cũng tự hào, phấn khởi hơn về vùng đất mình sinh sống”-anh Tuấn rủ rỉ.
Một góc hàng thông cổ thụ ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Hoành Sơn
Một góc hàng thông cổ thụ ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Hoành Sơn
Nghĩa Hưng trở thành điểm du lịch hút khách. Dọc theo con đường thông trăm tuổi chỉ một vài quán nước ngày nào, nay đã có thêm nhiều quán mới được xây dựng, trang trí đẹp mắt. Giá đất cũng tăng theo. Theo anh Tuấn thì, từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá đất trong vùng tăng đột biến. Dọc mặt đường có giá 200 triệu đồng/m ngang; gần ao, hồ, ruộng có giá 160-180 triệu đồng/m ngang.
Bà Trương Thị Thu Hà (vợ ông Phước) thấy nhiều người hỏi mua đất lại đâm lo. “Nhà có mấy sào đất gần Biển Hồ B nên liên tục có người hỏi mua. Lúc đầu, nghe giá cao tôi cũng định bán đi một ít. Nhưng ngẫm lại, nếu bán xong, khách mua phá mất mấy rẫy chè, còn điểm đâu cho du khách tới ngắm hoặc lấy gì canh tác nên thôi”-bà Hà chia sẻ.
Dấu tích những thế hệ người Kinh đầu tiên có mặt ở Nghĩa Hưng đã góp công để nơi đây thành thắng cảnh hút khách du lịch. Tuy vậy, người dân Nghĩa Hưng vẫn khấp khởi hưởng lợi nhiều hơn từ du lịch. Trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng Huỳnh Trọng Quang thông tin: Chúng tôi đã tham mưu huyện trong việc kêu gọi đầu tư cho du lịch như là khu vực đồi chè, hàng thông cổ thụ, đập Tân Sơn. Hiện huyện cũng đang kêu gọi thu hút nhà đầu tư. Được biết, UBND tỉnh cũng đã làm việc với một số đơn vị để khảo sát, lập quy hoạch chuỗi du lịch của tỉnh, trong đó có một vài điểm du lịch ở xã như hàng thông, đồi chè.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm