(GLO)- Khi biết lý do tới thăm của tôi, Đại tá Khuất Duy Hoan-nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên cười-cái cười thật chân thành, rạng rỡ, khiến không gian trở nên ấm áp và đem đến cho tôi sự lạc quan, tin cậy. Ngồi cùng ông trong một buổi sáng trời còn đẫm sương, trong phút chốc, tôi đã nghe quanh mình ngân lên những thanh âm hào sảng của một thời đánh Mỹ quả cảm, kiên cường; đặc biệt là niềm tự hào của một người lính đã vinh dự cùng đồng đội tham gia trên hướng tiến công chủ yếu cùng 5 cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30-4-1975.
Chiến thắng trong tầm tay
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trong sự chào mừng của nhân dân (Ảnh tư liệu) |
Đại tá Khuất Duy Hoan kể: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trung tuần tháng 4-1975, đơn vị chúng tôi-Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) cơ động lực lượng ngược đường 7 về Cheo Reo qua Buôn Ma Thuột tiến về củng cố lực lượng ở Phước Long. Lần đầu tiên hành quân bằng cơ giới giữa ban ngày, tận mắt thấy cảnh xe pháo nườm nượp chảy về phía Nam trong niềm vui hân hoan của nhân dân đón chào đoàn quân chiến thắng, chúng tôi vô cùng tự hào vui sướng và tăng thêm niềm tin vào quyết tâm giành thắng lợi.
Đêm 28-4-1975, từ Đông Bắc Củ Chi-Nam sông Sài Gòn, được chị em giao liên, du kích địa phương dẫn đường, đơn vị chúng tôi bí mật hành quân xuyên qua thôn ấp, làng mạc và cả đồn địch nữa để tiếp cận mục tiêu tiến công. Súng đạn nặng trĩu trên lưng băng qua đồng ruộng, kênh rạch không thể nói hết sự vất vả, mệt nhọc. Tuy nhiên thỉnh thoảng một vài loạt hỏa tiễn (Kachiusa) của ta bắn vào căn cứ Đồng Dù khiến mọi mệt nhọc gần như tan biến, bước chân chúng tôi như nhanh hơn, khỏe hơn. 5 giờ sáng ngày 29-4, Đại đội tôi triển khai trong trận địa xuất phát tiến công ở Tây Nam ấp Chợ thuộc xã Tân Phú Trung (Củ Chi) với nhiệm vụ tiêu diệt Liên đoàn Biệt động 99 của quân ngụy Sài Gòn đồn trú, án ngữ đường 22 từ Củ Chi-Hóc Môn-Sài Gòn, cùng đơn vị bạn trong Trung đoàn và Đặc công ta đánh chiếm, chốt giữ Cầu Bông, bảo đảm đường phát triển cho lực lượng của Quân đoàn 3 trên hướng tiến công chủ yếu tiến vào Sài Gòn.
Sáng 30-4-1975, từ huyện lỵ Hóc Môn, chúng tôi được lệnh cơ động truy quét quân địch ở khu vực xã Xuân Thới Đông để mở rộng hành lang tiến công cho chủ lực Quân đoàn tiến vào Sài Gòn. Đang hối hả hành quân thì thấy nhân dân hai bên đường ùa ra. Người thì cầm hoa, người thì cầm cờ, người bưng cả rổ trái cây chặn đường chúng tôi và reo hò sung sướng: “Các chú Giải phóng ơi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi, hòa bình rồi…”. Ngay lập tức, chúng tôi được lệnh lật cánh trở ra đường 22, tổ chức đội hình chiến đấu theo từng trung đội và được phép chặn bất kỳ phương tiện nào có thể chở quân vào tập trung tại Dinh Độc Lập. Xe chạy tới cầu Tham Lương thì nhận được lệnh chuyển hướng vào khu vực Bộ Tổng tham mưu ngụy. Gần đến ngã tư Bảy Hiền vẫn còn lác đác tiếng súng, chúng tôi được lệnh xuống xe hành quân chiến đấu theo hướng dẫn của bộ đội địa phương tiến về Đại sứ quán Mỹ. Tòa Đại sứ quán Mỹ vắng lặng, cổng chính mở toang, chúng tôi nhanh chóng chiếm giữ, kiểm soát và trấn an số nhân viên phục vụ. Nhiệm vụ vừa hoàn thành thì đơn vị nhận lệnh cơ động về đứng chân tại Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn trên đường Pasteur”.
Kỷ niệm đẹp của người lính
Đại tá Khuất Duy Hoan thăm lại hầm chỉ huy D80 tại căn cứ Chư Nghé. Ảnh: Thái Bình |
Nhấp thêm một ngụm trà, Đại tá Khuất Duy Hoan cho hay, ngay trong sáng 1-5-1975, đơn vị ông đã tổ chức lễ mít tinh chào mừng Ngày đất nước giải phóng tại Trường Trung học Lê Quý Đôn. Mặc dù không có nhiều thời gian chuẩn bị nhưng buổi lễ vẫn diễn ra thật trang trọng, vui tươi, phấn khởi. Mấy ngày tiếp sau đó, đơn vị ông vẫn đóng quân tại Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn để cùng với các đơn vị bạn hỗ trợ lực lượng quân quản và chính quyền cách mạng non trẻ điều hành hoạt động xã hội đi vào nền nếp. Là quản ca của Đại đội, ông Hoan được đồng chí Chính trị viên giao nhiệm vụ cùng hai chiến sĩ cứ tối đến tổ chức giao lưu văn nghệ và dạy hát cho một nhóm sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc; cùng nhau say sưa hát vang những ca khúc đã trở thành quen thuộc với thế hệ sinh viên yêu nước ngày ấy như “Dậy mà đi”, “Tiếng hát những đêm không ngủ”, “Tự nguyện”...
“Từ những buổi tập văn nghệ như thế này mà những người lính chúng tôi thêm hiểu và gắn bó hơn với các bạn sinh viên. Âm nhạc đã kéo chúng tôi xích lại gần nhau. Mỗi khi cây guitar làm bằng ống pháo sáng với gỗ rừng của người lính cùng với cây guitar xịn của cánh sinh viên vang lên một hòa âm kỳ diệu khi chúng tôi cùng hát “Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây”, “Hà Nội-Huế-Sài Gòn”, không ai bảo ai, tất cả đều rưng rưng niềm xúc động. Các bạn sinh viên đã dần xóa đi những suy nghĩ có phần phiến diện về người Cộng sản-những suy nghĩ mà bọn tâm lý chiến trước đấy vẫn thường tuyên truyền, xuyên tạc với họ-Đại tá Khuất Duy Hoan bồi hồi nhớ lại-Tôi nhớ mãi một nữ sinh viên tên là Hồng, nhớ là bởi dường như em dành cho tôi chút cảm tình hơn những đồng đội khác. Có lần, Hồng nhỏ nhẹ nói với tôi: “Ba mẹ em rất muốn gặp mặt anh Giải phóng”. Tôi cười: “Vậy tối mai mời ba mẹ em tới đây thăm bọn anh luôn”. Tất nhiên lời mời ấy được đáp lại bằng một cái gật đầu và… chấm hết.
Thời gian qua nhanh, đến đêm trước ngày chúng tôi nhận lệnh cơ động về đóng quân ở căn cứ Đồng Dù, không hiểu sao mà các bạn sinh viên lại biết được nên đến để chia tay. Bạn nhóm trưởng dí dỏm nói với Hồng: “Hồng hát tặng anh Hoan một bài đi”. Sau một đỗi chần chừ, Hồng cất lên giọng ca trong vắt: “Trên đất mẹ nắng hồng như lụa…”-là những ca từ trong bài hát “Hà Nội-Huế-Sài Gòn” mà tôi mới dạy cho các bạn em hôm trước. Lúc chia tay, em dúi cho tôi một cái gói nhỏ, tôi vội mở ra ngay. Đó là một cái bật lửa, một cuốn album “nhấp nháy” nho nhỏ và một chiếc đồng hồ tay hiệu Senko-5. Được em tặng quà, tôi rất vui, nhưng vẫn kịp ấp úng giải thích cho em về 10 lời thề trong Quân đội và 12 điều kỷ luật dân vận: “Anh chỉ nhận cái bật lửa thôi nhé, để mỗi lần hút thuốc lại nhớ tới em”. Trước sự từ chối món quà của tôi, Hồng quay nhanh mặt đi, tôi vẫn kịp nhìn thấy ánh mắt hờn giận của người con gái Nam bộ rất mực xinh đẹp và dịu dàng ấy…”.
Thái Bình