Chuyện làng của Đinh Gok

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một chiều cuối năm gió thổi buốt lạnh, ngồi trong căn nhà sàn của Đinh Gok (làng Nghe Lớn, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro), chúng tôi nghe anh kể chuyện làng. Gok nói, đó là những “chuyện nhỏ nhặt”, “chuyện muôn thuở” nhưng phía sau là cả một tấm lòng của Gok với văn hóa truyền thống.

Người ta bảo rằng Đinh Gok sở hữu nhiều chum, ché, đồ đồng hiếm quý, đặc biệt là một bộ chiêng rất quý, nhưng Đinh Gok không phủ nhận cũng không xác nhận điều này. Anh e ngại khi nói đến những của cải mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn vật chất này: “Làng mình bị mất trộm không biết bao nhiêu trống chiêng, cả chum ché và đồ đồng nữa. Nhiều gia đình vì thế không dám mua chiêng về nhà. Cả làng Nghe Lớn có trên 200 hộ, trước đây nhà nào cũng có 1-2 bộ chiêng, nhưng đến giờ cả làng chỉ còn có 4 bộ. Chiêng này cũng chỉ để làm của, chia cho người chết, để lâu không sử dụng nên âm thanh không chuẩn nữa”.

 

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: H.N
Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: H.N

“Không thể để làng không có chiêng. Làng mà không có chiêng thì không ra gì”-Gok nghĩ vậy. Đó cũng là suy nghĩ đã ăn sâu vào tâm trí bao nhiêu thế hệ người Bahnar. Trong làng mỗi năm có bao nhiêu ngày vui, ngày buồn, buồn hay vui đều cần có tiếng chiêng, tiếng trống báo hiệu, chia sẻ, tập hợp dân làng. Vậy mà cả làng Nghe Lớn hơn 200 hộ dân không có một bộ chiêng sử dụng được. Vậy là Gok quyết tâm tìm mua bằng được một bộ chiêng. Anh kể: “Năm 1995, mình đang là cán bộ Đoàn, lương không được bao nên phải về bán 2 con bò, cầm tiền đến nhờ nghệ nhân đi chọn mua một bộ chiêng thật tốt. Từ đó, mỗi khi làng có việc đều đem chiêng nhà mình ra sử dụng. Từ đám cưới, đám tang, ăn lúa mới, đóng cửa kho… hễ làng cần hoặc gia đình nào có nhu cầu, mình đều sẵn sàng cho mượn. Nhiều người coi chiêng là của cải chia cho người chết, còn mình nghĩ chiêng càng được sử dụng nhiều mới càng có giá trị. Có lúc, mình cho cả làng Nghe Nhỏ mượn chiêng về đánh, nhưng sau đó làng này đã góp tiền mua được một bộ chiêng mới”. Ngồi nghe Gok kể chuyện, già Đinh Nhip-làng Nghe Nhỏ gật gù xác nhận: “Làng nhờ chiêng nhà thằng Gok một thời gian dài, mãi đến năm 2012 mới mua được chiêng mới, sau đó giao cho đám thanh niên quản lý, giữ gìn. Trước đây, chiêng các làng cứ để ở nhà rông không ai trông coi mất hết cả”.

Gok cho chúng tôi xem bộ cồng chiêng anh cất rất kỹ trong nhà kho. Bộ chiêng được sử dụng nhiều, lên nước bóng loáng. “Cứ hở ra là mất nên bây giờ nhà nào có chiêng cũng phải cất kỹ”-Gok giải thích. Mỗi năm, Gok đều phải nhờ nghệ nhân chỉnh chiêng, chuẩn bị sẵn sàng để khi làng có việc cần đến. “Nghệ nhân chỉnh chiêng bây giờ hiếm dần, chỉnh một bộ chiêng tốn từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu rưỡi tùy độ khó. Nhưng tốn mấy cũng phải chỉnh cho âm thanh thật xuất sắc. Mình không sợ hư chiêng, chỉ sợ làng bỏ đi lễ hội như một số làng khác, không cần dùng chiêng nữa mới đáng buồn”.

Đinh Gok khoe làng Nghe Lớn vẫn còn giữ được nhiều lễ hội truyền thống như bỏ mả, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, mừng năm mới… Gok nói về sinh hoạt của làng những năm gần đây: “Làng vẫn giữ lễ hội truyền thống có từ hồi ông bà nhưng bây giờ làm tiết kiệm hơn, của cải lẫn thời gian. Trước kia làm bỏ mả rất tốn kém, ít nhất 2-5 con bò, hàng chục con heo, 100-200 ghè rượu, ăn uống kéo dài hàng tuần. Giờ làm gọn lại, uống rượu là chính, 1-2 ngày xong lại đi làm bình thường”.


Nói đến văn hóa truyền thống như chạm vào niềm kiêu hãnh của người đàn ông Bahnar này, Gok hồ hởi khoe anh thuộc số ít những người trong làng biết khá nhiều bài nhạc chiêng cổ và có thể dạy lại cho lớp trẻ: “Mình thuộc khoảng 30 bài nhạc chiêng, từ những bài về tình yêu đôi lứa, yêu buôn làng, về cuộc sống lao động đến những bài về đề tài đấu tranh với kẻ thù, vận động người dân tránh xa cái xấu. Trong làng, có một số người già còn thuộc nhạc cổ nhưng không có khả năng truyền dạy. Những bài nhạc cổ này được tấu bằng cồng chiêng cũng giống như những bài hát được độc tấu bằng guitar hay piano. Nhưng nhạc chiêng thì khó hơn nhiều vì nó mang tính tập thể, mỗi người chịu trách nhiệm một nốt nhạc, nên tập cho lũ trẻ bây giờ rất khó, chúng không kiên nhẫn để học nên mình phải rất kiên trì”.

Câu chuyện của Đinh Gok lan man hết chuyện này sang chuyện khác-xoay quanh văn hóa truyền thống. “Người Bahnar giờ đã ăn Tết giống người Kinh, gọi là lễ hội sơ mah kơ cham, đây là một trong 3 lễ hội lớn nhất trong năm. Ngày vui này có rượu cần, có heo gà, có những trò chơi truyền thống… Vui lắm!”-Gok giới thiệu mà như một lời mời mọc.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm