Phóng sự - Ký sự

Chuyện 'người hàng xóm' Thiếu niên Tiền phong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Báo “anh” ra đời ngày 16/11/1953. Báo “em” thì khai sinh ngày 1/6/1954.

Cùng sinh tại Bản Dõn, xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh) huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Anh, em nhà ấy, Báo Tiền Phong và Báo Tiền phong - Thiếu nhi (sau là Báo Thiếu niên Tiền phong, ngày nay là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) thời điểm này đều ở tuổi thất thập cả rồi.

Có cái lạ là năm 1954 anh, em nhà ấy về tiếp quản Thủ đô, chả biết bàn soạn tính toán thế nào, Báo Tiền Phong và Báo Thiếu niên Tiền phong lại cùng về ở chung nhà bên số lẻ, nhà số 15 của BS Vũ Tấn (đã bỏ đi nước ngoài từ 1943) ở phố Giabui (rue Jabouille) mà hồi Nhật đảo chính Pháp, BS Trần Văn Lai, Đô trưởng thành Hà Nội dưới trào cụ Trần Trọng Kim đổi cho phố cái tên mới là Hồ Xuân Hương. Con phố Hồ Xuân Hương chỉ dài 210m, rộng 8m kéo dài từ ngã năm Bà Triệu đến gần cuối phố Quang Trung. Chiều dài lẫn chiều rộng vẫn i sì như bây giờ.

Cầu thang hở - lối lên Tòa soạn Báo TNTP và Tiền Phong

Cầu thang hở - lối lên Tòa soạn Báo TNTP và Tiền Phong

Lại một sự lạ nữa. Đó là việc gần như toàn bộ cán bộ phóng viên của hai cơ quan Báo ở Bản Dõn Sơn Dương về tiếp quản Thủ đô lại kéo nhau về cái nhà to tướng 128 Hàng Trống ngó ra Bờ Hồ!

Người của hai tờ báo, có gia đình và độc thân (hồi đó non 80 người, hồi tôi rời năm 1995 hơn trăm rưỡi) đều chung cái nhà tập thể nhõn hai phòng tắm hai nhà vệ sinh (gọi cho oách thế thôi, chứ kỳ thực là chỉ có hai… ngăn. Ra đụng vào gặp trong hoàn cảnh chật chội ấy có thể nói mỗi thành viên của nhà 128 Hàng Trống, già trẻ nhớn bé hình như phải học, phải tuân thủ cái cách sống chung sao đó để không bị xô lệch bung toang?

Tiên chỉ làng 128 Hàng Trống, cao niên nhất có lẽ là cụ họa sĩ Tôn Đức Lượng rồi ông TBT Nguyễn Thanh Dương. Cùng cư trú chỗ tầng trệt nhà 128 còn có TBT đầu tiên của Báo Thiếu niên Tiền Phong (TNTP) nhà báo Quản Tập (Phó TBT Báo TNTP).

… Hầu như chiều muộn nào, nhất là mùa nực, đều diễn ra cái cảnh xếp ghế bên nhau ngồi hóng gió hồ Gươm. Hình như cánh trẻ chúng tôi phải tránh thứ ám ảnh của cái câu đại loại “chả có ai vĩ đại trong con mắt người hầu phòng”. Tất nhiên, ở đây chả có ai phải hầu ai. Nhưng việc chúng tôi cùng quần cư cùng ở chung trong cái “buồng” 128 là có thực! Và phải cố phải luôn nhớ và tâm niệm rằng sát sạt bên chúng tôi ở một cự ly rất gần là những “nhân vật” nổi tiếng!

Họa sĩ Tôn Đức Lượng quần cộc áo may ô râu tóc trắng cước kia từng được Cụ Hồ bá vai chuyện trò trong không khí thân gần thời gian cụ làm nhiệm vụ trang trí Đại hội Đảng toàn quốc năm 1951 ở chiến khu. Bên cụ là nhạc sĩ Phong Nhã, Tổng biên tập đầu tiên của Báo TNTP ngó xuề xòa trong chiếc may ô rách lưng nhưng là chủ nhân của hơn 200 ca khúc viết về thiếu nhi (về sau người ta đã tôn vinh nhạc sĩ Phong Nhã có 5 ca khúc hay nhất viết về thiếu nhi).

TBT đầu tiên của Báo TNTP, NS Phong Nhã (trái) cùng tờ TNTP số ra đầu tiên 1/6/1954

TBT đầu tiên của Báo TNTP, NS Phong Nhã (trái) cùng tờ TNTP số ra đầu tiên 1/6/1954

Đầu tháng 9/1945, anh quản ca kiêm phụ trách nghi thức đội kiêm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tường (tức Phong Nhã sau này) bất ngờ được mời tới gặp Bác cùng với một số đại biểu khác. Và anh nhớ như in câu dặn dò của Người trong buổi gặp hôm ấy “Các chú phải nhớ để ý, quan tâm tới sức khỏe thiếu nhi, đặc biệt là các em nhỏ đánh giày, bán kẹo lạc, kẹo bột, trẻ em lang thang”. Ngay sau buổi gặp đó, chỉ một chốc, ca từ “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” của ca khúc nổi tiếng đã nối nhau nhanh chóng bật ra!

Cũng cần nói thêm, hồi ấy kiến thức âm nhạc của anh quản ca Nguyễn Văn Tường chưa phải là tày tặn mà anh chỉ được ông bố là một cung văn, một nhạc công rèn cặp cho vài ngón nghề trong đó có phương pháp ký xướng âm cổ lai hy “hồ, sừ, xang, sứ líu…” Nhưng có lẽ, cảm xúc cộng với tài năng âm nhạc đã khiến Phong Nhã nhanh chóng thăng hoa làm nên thành công của một ca khúc nổi tiếng!

Có một hôm, cả lũ tròn mắt khi nghe TBT Phong Nhã thuật lại một chuyện bằng chất giọng rủ rỉ quen thuộc.

… Một trưa tháng 4/1964, tòa soạn Báo TNTP, máy điện thoại của Tổng biên tập - nhạc sĩ Phong Nhã đổ chuông.

- Đồng chí có phải là Tổng biên tập Phong Nhã không?

- Vâng. Tôi là Phong Nhã đây.

Đầu bên kia giọng một người xưng là cán bộ văn phòng Phủ Chủ tịch. Người đó cho biết, Bác Hồ vừa đọc bài báo “Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn hồng” đăng trên Báo TNTP số 361, ra ngày 10/4/1964. Bác chỉ thị cho chúng tôi hỏi lại các anh về một chi tiết: Tấm “bằng khen” mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tự tay viết tặng dân làng Yên Hưng vùng Quảng Yên ngày xưa có công phối hợp với quân nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng... ngày ấy có còn lưu giữ được không? Nếu còn thì nay ở đâu?

Nhạc sĩ Phong Nhã nghe xong toát hết mồ hôi. Trời ơi tờ báo của mình mới ra mà Ông Cụ đã đọc. NS Phong Nhã chợt nhớ ra cách đây cũng chỉ ít hôm, nhà sử học trẻ tuổi Lê Văn Lan (là cộng tác viên đồng thời là cố vấn lịch sử cho Báo TNTP), giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một cộng tác viên nhiệt tình của Báo TNTP đã gửi cho TBT Phong Nhã bài báo có tựa đề “Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn hồng”. Tác giả lấy bút danh An Ly. Bài báo đưa câu chuyện rất hay còn lưu truyền trong nhân dân vùng Quảng Yên (Quảng Ninh) về việc tướng quân Trần Hưng Đạo đã tự tay viết tấm “bằng khen” gửi tặng dân làng Yên Hưng vì đã có thành tích trực tiếp giúp đỡ đội quân của Trần Hưng Đạo bí mật xây dựng hàng cọc trên sông Bạch Đằng chặn thuyền giặc; góp phần làm nên chiến thắng oai hùng của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng.

Nghe xong, nhạc sĩ Phong Nhã thú thật với đồng chí cán bộ văn phòng của Bác rằng:

- Thưa anh, chi tiết mà Bác hỏi bất ngờ quá. Để chúng tôi hỏi lại nhà sử học Lê Văn Lan, tác giả bài báo...

TBT Phong Nhã đã có cuộc gặp gấp với tác giả bài báo. Đến lượt nhà sử học trẻ tuổi Lê Văn Lan toát hết mồ hôi. Vì sung sướng và cảm động. Thật không ngờ một bài báo nhỏ của mình viết cho các em thiếu nhi lại được Bác Hồ quan tâm đến từng chi tiết như thế.

Nhà sử học trẻ cũng thành thực trình bày rằng trong những lần đi điền dã nghiên cứu về vùng đất lịch sử Quảng Yên - nơi còn lưu giữ một bãi cọc Bạch Đằng, anh đã thu thập được câu chuyện về “tấm bằng” nọ. Đáng tiếc là do biến cố của thời gian mà dân làng Yên Hưng không còn lưu giữ được tấm “bằng khen” ấy.

Yếu nhân của tờ TNTP một thời

Yếu nhân của tờ TNTP một thời

TBT Phong Nhã đã đề nghị giảng viên sử học Lê Văn Lan viết một bức thư giải trình về chi tiết tấm “bằng khen” của Trần Hưng Đạo. Bức thư của Lê Văn Lan sau đó được gửi kèm với bức thư của tòa soạn gửi lên văn phòng của Bác để báo cáo với Bác... (Sau này tôi đã có cuộc gặp với “nhà sử học trẻ” năm xưa khi ông đã gần 80. Nhà sử học cao niên vẫn làm tiếc về sự thất lạc cái “bằng khen” ấy của Trần Hưng Đạo từng khiến Cụ Hồ quan tâm).

Chúng tôi hay tò mò gạn hỏi về những chuyện thâm cung bí sử như về mối quan hệ quan tâm của Lãnh đạo Đảng nhà nước đặc biệt là Bác Hồ với tờ báo.

Ông Quản Tập, Phó TBT Báo TNTP thì có tài nhớ. Ông đương nhắc đến bài báo của Bác là bức thư Bác Hồ gửi thiếu nhi nhi đồng toàn quốc đăng trên Báo TNTP số I ra ngày 1/6/1954 có tất cả 51 chữ! Ông Phó hít hà: Tài thế, Cụ viết không thừa cũng chăng thiếu… một chữ! Nhưng đầy đủ thông điệp, tình cảm của Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Lại một chuyện khác.

Thời ấy những người làm báo Đội không một ai có nghiệp vụ báo chí cơ bản, tất cả đều là những cán bộ Đoàn, cán bộ thiếu nhi có năng khiếu viết lách được phân công làm báo.

Trên nhiều số báo (nhất là từ sau ngày 1/4/1958, Báo Thiếu niên Tiền phong chính thức trở thành tuần báo, măng-séc của báo khi thì để ở đầu trang, lúc lại để ở cuối trang. Có số báo măng-séc lại được để ở giữa trang báo. Tòa soạn đã “phó mặc” cho họa sĩ trình bày bìa và tít báo.

Và rồi Báo TNTP nhận được thư của Bác. Cụ viết thế này:

“... Tên của tờ báo mà các chú lúc thì để ở trên, lúc thì các chú lại để ở bên dưới. Các chú cho nó “chạy nhảy lung tung” thế thì các chú giáo dục tính kỷ luật, trật tự cho các cháu thế nào được!”

Có một chuyện cảm động.

Tháng 7/1961, Báo TNTP đăng tấm gương em thiếu niên Phạm Đức Thụ, chi đội trưởng, một học sinh chăm ngoan, học giỏi của Trường cấp 2 Liên Hiệp, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã dũng cảm cứu được 7 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên sông Hồng… Em Phạm Đức Thụ đã được Bác Hồ tặng quà và huy hiệu vì thành tích dũng cảm quên mình cứu các bạn nhỏ. Một điều bất ngờ là: Khi đọc báo của Triều Tiên, thấy một tờ báo nêu tấm gương về chị Hàm Trinh Thuận, một nông trang viên ở Phố Khẩu, Hưng San, tỉnh Hàm Hưng Nam (Triều Tiên), đã dũng cảm cứu 7 em nhỏ thoát khỏi chết đuối, Bác Hồ đã gửi tặng quà, huy hiệu của Người cho chị Thuận. Bác cũng gửi một bức thư cho chị Thuận. Trong thư, Bác thông báo: Ở Việt Nam cách xa nghìn dặm với cháu cũng có một người em trai tên là Phạm Đức Thụ, 14 tuổi, cũng có hành động như cháu... Bác muốn cháu kết nghĩa chị em với cháu Phạm Đức Thụ ở Việt Nam...

Chị Hàm Trinh Thuận đã viết thư gửi Bác Hồ cảm ơn về tình cảm mà Người đã dành cho chị. Chị cũng viết một bức thư nhờ Bác Hồ gửi cho Phạm Đức Thụ. Trong thư, chị đề nghị kết nghĩa chị em với Phạm Đức Thụ.

Văn phòng của Bác đã chuyển thư và quà của chị Hàm Trinh Thuận gửi Phạm Đức Thụ cho tòa soạn. Theo chỉ thị rất cụ thể của Bác, tòa soạn đã cử phóng viên mang thư và quà của chị Hàm Trinh Thuận về Liên Hiệp - quê hương của Phạm Đức Thụ.

Sau này, khi vừa tròn 18 tuổi, Phạm Đức Thụ lên đường nhập ngũ. Anh vào chiến trường miền Nam chiến đấu và đã anh dũng hy sinh tại Huế Tết Mậu Thân 1968.

*

* *

… Chuyện một số phóng viên trẻ hai tờ báo chúng tôi (khu tập thể chật) đã kéo nhau về 15 Hồ Xuân Hương nằm bàn nhiều năm ra sao. Rồi chuyện thay nhau trở thành CTV ruột của hai tờ TP và TNTP một thời như thế nào. Và trong thế hệ nằm bàn ấy nhiều người đã chững chạc ở vị thế lãnh đạo ở cả hai tờ báo nữa… xin khất một dịp khác!

Nhà báo Cửu Thọ (bút danh Bóng Nhựa, phải)

Nhà báo Cửu Thọ (bút danh Bóng Nhựa, phải)

Giờ hai tờ báo đã vắng khuất nhiều gương mặt thân thương. Nhớ nhiều các nhạc sĩ, hoạ sĩ Phong Nhã, Quản Tập, Kim Long, những hàng xóm thân gần nhà 128 Hàng Trống. Nhớ thêm phòng làm việc của tôi gần kề phòng của nhà báo Cửu Thọ (Bóng nhựa) và Phi Hùng (Bút Thép). Lại không xa phòng của ông Lê Trân (TBT tờ TNTP sau này).

Tờ TNTP nay đã chuyển về chỗ ở mới. Nhưng có một thời chúng tôi là anh em là hàng xóm ấm áp, thân gần!

Có thể bạn quan tâm