Phóng sự - Ký sự

Chuyện ở khu rừng trắc quý nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phía sau bức tường dài nhất H.Đăk Hà (Kon Tum) là cánh rừng đặc dụng được canh phòng nghiêm ngặt. Ở đây đang sở hữu quần thể gỗ trắc quý hiếm và lớn nhất trên cả nước.

Máy điều hòa Đăk Uy

Cách trung tâm huyện lỵ Đăk Hà 5 km về hướng bắc, rừng đặc dụng Đăk Uy như một khu vườn bí ẩn còn sót lại từ thuở hồng hoang. Dắt chúng tôi đi dưới tán rừng già, ông Trần Thanh Tân, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, giới thiệu rừng rộng 538 ha. Đây là khu rừng có nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao, thuộc loại quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và hạn chế sử dụng. Nhiều loài thực vật có tên trong sách đỏ VN như trắc, cẩm lai, giáng hương...; về động vật có cu li nhỏ, gà lôi, gấu chó...

Không chỉ đa dạng về động thực vật, rừng đặc dụng Đăk Uy còn thực hiện nhiệm vụ như một máy điều hòa khí hậu, giữ mạch nước ngầm khổng lồ cho H.Đăk Hà.

"Nếu như ở bên ngoài trời đang nóng nực, chỉ cần bước qua cánh cổng vào rừng, nhiệt độ đã thay đổi ngay. Rừng như một chiếc máy điều hòa góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giữ mạch nước ngầm trong khu vực", ông Tân nói.

Cây trắc có giá trị cao nên luôn bị lâm tặc nhòm ngó.

Nhận thấy được tầm quan trọng của khu rừng, trong những năm qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy và các cơ quan liên quan đã tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ các nguồn gien động, thực vật quý hiếm; xây dựng mô hình về nghiên cứu, thực nghiệm...

Để làm giàu rừng, từ năm 1994 - 1996, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy tiến hành trồng 43 ha trắc, cẩm lai, hương, muồng, gõ đỏ và giổi; xây dựng 20 ha vườn thực vật và đóng bảng tên trên các loài cây gỗ... Bên cạnh đó, Ban quản lý đã đầu tư xây dựng nhà quản lý, trạm, lán, chốt, hàng rào bảo vệ và 16 km đường băng cản lửa. Không chỉ vậy, đơn vị này còn tiến hành xây dựng bức tường dài 5 km trị giá trên 25 tỉ đồng để ngăn chặn sự xâm hại rừng từ bên ngoài.

Chuyện của cụt

Cánh rừng đặc dụng nằm sát khu dân cư. Việc rừng bị người dân xâm hại từng ngày là không tránh khỏi. Nhân viên bảo vệ rừng tại đây cũng đã không ít lần bắt gặp người dân xâm nhập vào rừng đặt bẫy, phá rừng. Mấy năm nay nhân viên của ban đã tháo, phá hàng trăm loại bẫy trập, bẫy dây rút, bẫy lồng… Đẩy, đuổi hàng trăm vụ xâm nhập rừng của người dân bản địa.

Các chú chó luôn đồng hành cùng ông Sốp trong những chuyến tuần tra.

Để chống lại sự xâm hại đó, không chỉ xây tường rào, chòi lán bảo vệ, bố trí nhân viên canh gác 24/24, ngành lâm nghiệp Kon Tum còn đề nghị nhiều đơn vị kiểm lâm, công ty lâm nghiệp cử cán bộ về tăng cường bảo vệ rừng Đăk Uy.

Ngoài lực lượng bảo vệ rừng, Đăk Uy đang sở hữu một đội "vệ binh" đặc biệt. Đó là hơn 30 chú chó bảo vệ thường trực tại 26 lán chòi. Trong đó có những chú chó gắn liền với những câu chuyện cảm động.

Cụt là cô chó 6 tuổi được "phân công bảo vệ" ở chòi lán phía bắc của khu rừng. Anh Lê Hoàng Cường, nhân viên bảo vệ phụ trách lán này, kể lại, 4 năm trước trong lúc đi tuần rừng, Cụt bị vướng vào bẫy. Chiếc chân trước, bên trái của Cụt bị cắt đứt. Kể từ đó, Cụt chỉ có thể đi lại bằng 3 chân. Thế nhưng chưa bao giờ Cụt rời bỏ chòi lán, rời bỏ vị trí được phân công.

"Trước đó nó không có tên, chỉ đến khi vướng bẫy nó mới có tên là Cụt. Cụt đánh hơi rất tài, hễ có người lạ vào rừng Cụt liền sủa vang cảnh báo. Nhờ vậy mà anh em ngăn chặn được nhiều cuộc xâm nhập của người lạ từ bên ngoài", anh Cường nói.

Phụ trách chòi bảo vệ rừng số 2 là ông Lương Đức Sốp (51 tuổi). Những thành viên còn lại của chòi là 4 chú chó trưởng thành. Vện, Khoang, Vàng, Xám là những cái tên dễ thương theo màu lông mà ông Sốp đặt vội cho chúng để dễ nhớ, dễ phân biệt. Ông Sốp chẳng nhớ nổi đã nuôi chúng từ khi nào. Nhưng sự có mặt của chúng đã khiến con đường tuần rừng của ông vơi đi buồn tẻ. Không chỉ ngăn chặn người lạ, những người bạn 4 chân đã giúp ông Sốp tránh khỏi sự tấn công của thú rừng.

"Ở đây sóng điện thoại yếu, lúc có lúc không, kể ra có mấy con chó bầu bạn cũng đỡ buồn chú ạ. Mà mấy con này khôn lắm, nhiều hôm đi luồn rừng với tôi, tụi nó phát hiện rắn rết nên sủa cảnh báo. Nhờ vậy tôi biết trước mà tránh được", ông Sốp kể.

Nhân viên bảo vệ rừng phải dựng chòi tạm canh gác cây trắc ngã đổ

Xin cưa cây chết

Rừng đặc dụng Đăk Uy phong phú và đa dạng nhưng chiếm số lượng lớn hơn cả là loài cây trắc với sự phân bố rộng khắp. Nơi đây được ngành lâm nghiệp đánh giá là khu rừng có số lượng cá thể trắc lớn nhất và quý hiếm nhất VN với hơn 1.000 cây trắc tự nhiên hàng chục năm tuổi và 2.500 cây trắc được trồng mới.

Thuộc nhóm IIA, là loài cây gỗ quý hiếm, chất lượng gỗ tốt, nhiều người ưa chuộng nên giá trị của cây trắc trên thị trường rất cao. Cũng bởi vậy mà lâm tặc luôn rình rập, ẩn nấp, lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa bão kéo dài để đột nhập phá rừng.

Ngoài việc tuần tra, bảo vệ những cây gỗ còn sống, nhân viên bảo vệ rừng ở đây còn phải bảo vệ cả những cây gỗ đã chết khô, ngã đổ. Cũng vì sự quý hiếm của gỗ trắc mà rừng đặc dụng Đăk Uy còn gắn với một vụ án. Tháng 4.2016, có 4 người dân xâm nhập vào để cưa một cây trắc khô. Khi cây bị đổ, tạo ra tiếng động lớn nên nhân viên kiểm lâm phát hiện và truy đuổi. Nhóm này đã bỏ lại gỗ ở rừng và bỏ trốn. Sau đó cả nhóm ra đầu thú. Theo kết quả giám định, cây gỗ trắc bị cưa có khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng. Cả nhóm sau đó bị khởi tố về tội "trộm cắp tài sản". Đến tháng 8.2019, TAND tỉnh Kon Tum tuyên phạt các bị cáo từ 6 tháng tù treo đến 12 tháng tù giam về tội "trộm cắp tài sản".

Cũng sau vụ án này, việc bảo vệ, canh giữ cây trắc đã chết khô, ngã đổ cũng được chú trọng. Thậm chí, tại nhiều điểm, dù đã được xây dựng trạm gác kiên cố nhưng các nhân viên bảo vệ rừng phải dựng thêm một chòi lán tạm ở bên cạnh vị trí cây trắc ngã đổ để canh giữ cả ngày lẫn đêm.

"Trước đây tôi được bố trí làm việc, sinh hoạt ở trạm gác bên kia, chỉ cách đây khoảng 20 m. Thế nhưng từ ngày cây đổ, tôi dựng lều tạm bên này để sinh hoạt và canh giữ, tránh kẻ xấu chặt hay vận chuyển đi. Để chắc chắn hơn, tôi dùng tôn, kẽm gai quấn quanh cây. Tối đến, cứ sau vài tiếng tôi lại soi đèn kiểm tra một lần. Cây có giá trị cao nên để mất là bị kỷ luật như chơi", ông A Định, một nhân viên bảo vệ rừng, tâm sự.

Theo ông Trần Thanh Tân, đơn vị đã kiểm tra, rà soát và đo đếm số lượng các cây gỗ ngã đổ, chết khô trên lâm phần. Có tổng cộng 61 cây trắc đã chết đứng, bị ngã đổ và 100 gốc trắc cũ (đã chết từ lâu chỉ còn lại gốc). Mặc dù được tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm nhưng hiện tại, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị rất mỏng, nên việc canh giữ số cây trắc đã chết trên lâm phần là vô cùng khó khăn.

"Việc cắt cử cán bộ canh giữ từng cây trắc ngã đổ, chết khô, gốc trắc cũ khiến lực lượng bị chia nhỏ và phân tán dẫn đến không đủ người, đủ sức để thực hiện nhiệm vụ. Chính vì vậy, đơn vị xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây trắc ngã đổ, chết khô và gốc trắc cũ. Nếu có cơ chế tận thu những cây chết, gãy đổ để bán đấu giá thì sẽ hỗ trợ tái đầu tư và giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi hơn. Không những vậy, rừng đặc dụng cũng có môi trường sinh thái trong lành với nhiều loại động thực vật nên rất đông du khách muốn tham quan, du lịch. Đơn vị cũng đã đề xuất lên các cấp để kết hợp làm du lịch sinh thái, tránh lãng phí tài nguyên", ông Tân nói.

Có thể bạn quan tâm