Phóng sự - Ký sự

Chuyện ở làng "vượt biên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có giai đoạn, làng biển Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, Bình Định) trở nên mất kiểm soát bởi nạn “vượt biên”, đi lao động trái phép. Cứ vài đêm, làng biển này “mất” đi khoảng 20 - 30 dân vạn chài.

Họ bất chấp mạng sống của mình để chạy theo giấc mộng làm giàu nơi đất khách. Cũng có người tìm được “thiên đường”, nhưng không ít người phải bỏ mạng giữa biển sâu lạnh lẽo… Nhưng kể từ khi đất nước đổi mới, hội nhập sâu rộng với thế giới, ai đến vùng biển ngang này cũng thấy một Nhơn Lý sum vầy, trỗi dậy. Hôm nay xứ cát “vượt biên” đã trở thành thủ phủ du lịch biển, thu hút du khách bậc nhất ở vùng  Nam Trung bộ…

Du khách đến làng biển Nhơn Lý tăng trong những năm gần dây, thúc đẩy các loại hình hậu cần du lịch phát triển
Du khách đến làng biển Nhơn Lý tăng trong những năm gần dây, thúc đẩy các loại hình hậu cần du lịch phát triển



Vùng đất huyền bí

Vùng đất nào cũng vậy, con người sơ khai luôn tạo ra những giai thoại thiên về tâm linh huyền bí để hướng các thế hệ sau nhớ về nguồn cội. Những truyền thuyết vẫn hiện hữu và tồn tại trong ý thức của nhiều tầng lớp cư dân bản địa như một “món ăn” tinh thần. Những cao niên nơi làng biển Nhơn Lý kể rằng, dải cát khu vực núi Bà này có rất nhiều giai thoại kỳ bí. Nơi đó có cửa Thử, một cửa biển thông giao giữa “trần gian với địa ngục”. Xưa kia, có cả dấu chân của những vị thần và cũng có nhiều quỷ sứ, âm binh lai vãng…

Đã 64 năm sống ở làng biển Nhơn Lý, những câu chuyện “mơ hồ” đó luôn được ông Huỳnh Văn Số kể lại cho lớp trẻ và khách du lịch bốn phương nghe để hoài niệm. Lần này, tôi tình nguyện làm “con tin” để ông Số dẫn dắt vào cõi “liêu trai” ấy. Vừa thoăn thoắt sửa lại chiếc thúng chai để ra biển , ông Số vừa nồng nhiệt tiếp tôi, rồi hồ hởi kể, ngày xưa nơi đây có 1 cửa lạch (như sông) rất sâu, từ vách núi Bà chảy ra biển, tục gọi là cửa Thử. Đó là cửa biển, nơi giao nhau giữa địa ngục và trần gian. Ngay đến bây giờ, ở bên chân núi Bà vẫn còn chợ Kẻ Thử. Chợ này do các vị thần lập nên để phân biệt giữa người dương và âm… Về sau có 1 một vị vua cùng đường, bỏ cung điện tháo chạy về bên chân núi Bà ẩn náu. Vua ấy vẫn còn mạng đế vương nên đi đến đâu cũng được thánh thần che chở. Đến cửa Thử, vua hô “lấp cửa”. Lập tức cửa biển lấp lại để mở đường cho vua đi qua. Vua đi đến trước làng biển Nhơn Lý thì gặp thời tiết khô hạn. Dân làng đã lập đàn lễ cầu mưa nhiều ngày nhưng lửa hạn vẫn thiêu đốt. Vua thấy vậy bèn dẫm chân xuống cát, rồi hô lớn xin nước giải hạn. Ngay lập tức xuất hiện một mạch nước ngọt dưới cát phun trào làm vui lòng quân sĩ và dân làng… “Ngoài ra, thời ông tổ chúng tôi còn nghe nói có người biết “bay” và bơi hàng giờ giữa biển. Bị giặc bắt trói, đem ra biển nhấn chìm, người ấy vẫn có thể dụng công tháo dây trói, bơi trở lại làng. Ngày nay, con dân trong làng mỗi khi ra biển lại khấn cầu cụ tổ để xin một chuyến ra khơi may mắn, đầy lộc…”, lão ngư Huỳnh Văn Số đúc kết.

Ám ảnh “vượt biên”

Một lần trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý Nguyễn Văn Long thừa nhận: Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, do còn bị cô lập bởi 4 bề sông nước, đời sống vô vàn khó khăn nên dân làng phiêu dạt khắp nơi để tha phương cầu thực. Nhiều người ôm mộng làm giàu tìm cách vượt biên ra nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động chui, xin làm việc trên tàu đánh cá nước ngoài. Thời điểm ấy, tình hình vượt biên khá căng thẳng khiến địa phương rất lúng túng. Chủ yếu dân làng lợi dụng khi ra khơi khai thác thủy hải sản để vượt biên.

Ông Huỳnh Văn Số ví von: “Có thời điểm, cứ qua một đêm đến sáng, làng biển này “biến mất” 20 - 30 dân vạn chài. Nhơn Lý thời ấy trở thành “địa chỉ” vượt biên nóng nhất của cả nước. Những người này lợi dụng các hòn đảo gần bờ để cất trữ nhiên liệu, lương thực, quần áo… rồi chọn 1 ngày tối trời (đêm không trăng) để cướp tàu vượt biên. Đích đến của họ chủ yếu là các hòn đảo ở Philippines. Họ sang đó bán buôn nhỏ hoặc lao động cho các nhà xưởng, làm ngư phủ và một phần xin tị nạn ở một nước thứ 3. Có nhiều người trở về giàu có nhưng cũng có những người phải bỏ mạng giữa biển khơi hoặc trở về xác xơ, nghèo túng...”. Rồi ông Số liệt kê những người từ “cõi chết” trở về và hiện vẫn còn sống tại làng biển này, có ông Th. (nay đã 63 tuổi), ông T. (57 tuổi), ông S. (60 tuổi)…

Ngư dân Trần Đình Tùng (59 tuổi, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) kể thêm: “Nạn vượt biên nhiều nhất là vào những năm 1987 - 1989, sang năm 1990 có lắng xuống vì chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát gắt gao. Gia đình dòng họ tôi cũng có 6 người thân vượt biên trót lọt, nhưng sang bên kia làm ăn thất bại nên đã trở về nước. Hồi đó vùng biển này chỉ toàn bãi ngang, tàu lớn không vào được. Những con tàu chở người vượt biên là tàu nhỏ, chở theo chừng 12 người và rất nguy hiểm khi ra khơi xa, có nhiều chuyến tàu xui rủi bị sóng biển nhấn chìm chết hết. Cũng vì cuộc sống khi ấy cực khổ và bế tắc quá nên dân làng mới đi liều như thế, chứ bây giờ thì không còn nữa”.

 “Lên ngôi” nhờ du lịch

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý Nguyễn Văn Long, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân làng biển Phước Lý (Nhơn Lý hôm nay) đã gan dạ đứng lên đấu tranh quyết liệt chống lại quân ngoại xâm. Trong cuốn “Sóng gầm Phước Lý” (xuất bản năm 2015), nhà nghiên cứu Vũ Ngọc An đã ghi chép và phản ánh rất chi tiết cuộc đấu tranh quả cảm của nhân dân Phước Lý, quê ông ngày ấy.

Đến năm 2006, xã Nhơn Lý được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Xã anh hùng” vì có nhiều thành tích trong kháng chiến. “Sau khi đất nước thống nhất, người dân xã Nhơn Lý tiếp tục tăng gia sản xuất, đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản để vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, do đường sá lúc đó chưa có, xung quanh mênh mông cát trắng và sông biển, biệt lập hẳn với bên ngoài nên dân làng muốn đến các trung tâm lớn để giao dịch, làm ăn với người ngoài phải đi bộ nhiều giờ hoặc đi bằng ghe đò...

Đến năm 2000, khi cầu Thị Nại bắc qua đầm Thị Nại được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng dài gần 7km, nối liền TP Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khánh thành năm 2006 - PV) nên cuộc sống của người dân ở bán đảo Phương Mai nói chung và xã Nhơn Lý nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhất là vào năm 2016, rất nhiều công ty, tập đoàn du lịch lớn trong và ngoài nước tìm xứ cát này đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển vượt bậc, trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng nhất tỉnh nhà”, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý Nguyễn Văn Long phấn khởi.

Qua rồi, thời gồng gánh vượt hàng chục cây số đường cát gánh cua, cá lên mạn ngược để đổi lấy khoai, gạo. Và cũng qua rồi những ngày lén lút vượt biên, có khi đánh đổi cả mạng sống. Trở lại Nhơn Lý ngày nay đã thấy hoàn toàn “lột xác”, hội đủ những điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Dân số của xã Nhơn Lý hiện có 2.400 hộ (9.500 nhân khẩu) với 4 thôn đều giáp 2 mặt biển. Quà của tạo hóa đã ưu đãi cho Nhơn Lý nhiều hòn đảo, núi đá, bãi biển đẹp như Eo Gió - nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam; Kỳ Co - thiên đường biển đảo và các đảo nhỏ mang tên bãi Dứa, bãi Sẹo, hòn Cau… Từ đó, du lịch đã giúp làng biển “thay da đổi thịt”, làm giàu nhanh chóng. “Đa phần người dân đều chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ, hậu cần du lịch. Chỉ trong năm 2017, du lịch Nhơn Lý bùng nổ khi thu hút trên 135.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mang về lợi nhuận rất lớn cho địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh tự hào.

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ du lịch nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ có những hệ lụy xảy ra. Người dân nơi đây đang lo lắng khi dọc đường vào xã xuất hiện nhan nhản “cò” du lịch chèo kéo du khách thuê ca nô, khách sạn, mua hải sản... Nhiều tệ nạn như trộm cướp, mại dâm, nghiện ngập, xã hội đen… đã bắt đầu manh nha xuất hiện. Đất đai cũng lên cơn “sốt”, đội giá gấp mấy chục lần so với giai đoạn trước. “Trước kia gánh gồng khổ cực, nhưng tình cảm và đoàn kết lắm! Bây giờ dân làng chỉ biết chạy theo đồng tiền, thậm chí anh, em tranh giành, dẫn đến xô sát cũng vì tiền. Lo ngại nhất là dân làng đang dần bỏ biển, bỏ tàu để chạy theo “cơn lốc” du lịch…”, lão ngư Trần Đình Tùng trầm ngâm.

Ngọc Oai (sggp)

Có thể bạn quan tâm