Doba trông như người rừng sau chuyến vượt Đại Tây Dương thứ 2. Hành trình này khiến ông tụt mất hơn 20kg. |
Khi Aleksander Doba chèo thuyền vào cảng Le Conquet của Pháp trong ngày 3.9.2017, ông chính thức hoàn thành hành trình một mình vượt Đại Tây Dương bằng thuyền kayak. Đây là chuyến đi thứ 3 và cũng là chuyến nguy hiểm nhất của người đàn ông đã 70 tuổi.
Một hình thức lao động khổ sai
Từ trước tới nay, người ta đã tìm cách vượt Đại Tây Dương bằng đủ loại phương tiện khác nhau, từ máy bay cho tới thuyền buồm, thậm chí là bơi. Tuy nhiên ít người dùng thuyền kayak để thực hiện hành trình này, đơn giản bởi nó không phù hợp với các chuyến đi dài. Khi ta chèo thuyền kayak, tất cả các cơ bắp lớn trên cơ thể đều trở nên vô dụng. Và như thế, chèo thuyền kayak vượt biển giống như một hình thức lao động khổ sai - theo lời Doba - nhưng đó là sự khổ sở mà ông nhắm tới.
Điều thú vị là vượt Đại Tây Dương bằng kayak không phải ý tưởng của Doba. Chuyện bắt đầu từ năm 2003, khi Doba đã là một người chèo thuyền kayak giàu kinh nghiệm bậc nhất ở Ba Lan, một giáo sư đã tới gặp ông và đề nghị hai người cùng nhau vượt Đại Tây Dương, cụ thể là từ Ghana tới Brazil trên hai chiếc kayak khác nhau. Chuyến đi đó mau chóng trở thành một câu chuyện hài, bởi chỉ 42 giờ kể từ khi xuất phát, họ đã bị sóng đưa trở lại bờ.
Doba trở về Ba Lan và thề sẽ không bao giờ chèo thuyền kayak cùng ai nữa. Tuy nhiên giấc mơ vượt biển vẫn còn ở lại trong tâm trí. Ông bèn tự tay thiết kế một chiếc kayak có thể giúp mình vượt Đại Tây Dương. Đó sẽ phải là một con thuyền không thể chìm; có cơ chế cân bằng để tự xoay trở lại bình thường nếu bị lật; có một khoang chứa thực phẩm và một khoang để ngủ.
Với bản vẽ phác thảo trong tay, Doba tìm tới vùng Szczecin và tiếp cận một thợ đóng tàu có tên Andrzej Arminski để nhờ ông chế chiếc kayak trong mơ. Arminski đồng ý giúp Doba. Mùa Xuân năm 2010, con thuyền chính thức được đóng xong và Doba gọi nó là Olo, dựa theo biệt danh của ông là Olek. Ngay lập tức ông nói vợ rằng mình sẽ thử vượt Đại Tây Dương thêm một lần nữa.
Trước Doba, chỉ có một người duy nhất từng vượt Đại Tây Dương bằng thuyền kayak và sức mạnh cơ bắp là Peter Bray. Tuy nhiên Bray đã không đi một mạch mà chèo từ hòn đảo này sang hòn đảo khác, để thực hiện hành trình từ Newfoundland (Canada) tới Ireland.
Mục tiêu của Doba là đi từ lục địa này tới lục địa khác, từ Senegal tới Brazil, mà chẳng phải dừng ở đâu để nhận sự hỗ trợ. Lần này chuyến đi diễn ra thành công hơn nhiều lần trước, dù trải nghiệm chẳng vui vẻ hơn mấy. Thời tiết hết sức tệ, thường xuyên trong tình trạng nóng và ẩm cao.
Doba cố ngủ vào ban ngày, nhưng không thể nên ông đành chèo thuyền và suýt bị say nắng khi làm thế. Ông chẳng có thời khóa biểu cố định nào. "Tôi không phải người Đức - những kẻ luôn dậy đúng 9 giờ sáng để chèo thuyền. Tôi là người Ba Lan. Tôi chèo khi cảm thấy thích", ông chia sẻ.
Ở trên biển dài ngày, dưới cái nắng nung người và điều kiện không khí có nồng độ muối cao, da Doba trở nên nứt nẻ. Nách và đầu gối ông sưng tấy. Mắt ông lúc nào cũng đỏ rực như bị nhiễm khuẩn. Móng tay và móng chân chỉ chực bong ra. Quần áo mặc trên người lúc nào cũng đẫm nước biển. Đồ vải mặc lên người bốc mùi khủng khiếp và cọ sát khiến da sưng tấy, vì thế ông cởi luôn quần áo, trở về trạng thái khỏa thân hoàn toàn.
Chèo thuyền kayak trên biển là hành động lặp đi lặp lại, nhàm chán tới mức khủng khiếp. Thách thức cơ bản không liên quan tới thể xác. Doba gọi việc chèo thuyền trên biển giống như một dạng bệnh mất trí. "Khi anh phải thực hiện hàng trăm, hàng ngàn hoặc hàng triệu động tác chèo lặp đi lặp lại, bộ não dần bị tách ra khỏi tiến trình đó", ông nói.
Ở trên biển quá lâu mà không dùng thiết bị trợ thính (Doba hơi lãng tai) ông dần trở nên mất phương hướng và có lúc đã phải hét lớn để bản thân có thể nghe thấy. Để đôi chân không bị suy cơ, Doba thử vận động bằng cách bơi quanh thuyền. Tuy nhiên ông từ bỏ ý định này, bởi nó thu hút sự chú ý của cá mập. Doba vẫn nhớ cảm giác kinh khủng khi bị hàng đàn cá bay tấn công. "Bạn có biết chúng bay nhanh như thế nào không? Thật không hề dễ chịu chút nào", ông nói.
Khi không thể ngủ, vì khoang ngủ lúc nào cũng chật ních đồ và vì sóng thường xuyên vỗ rào rào vào mạn thuyền, Doba thường nghĩ về vợ, con và cháu gái. Ông nghĩ về cha mẹ đã qua đời. Rồi ông quay ra nói chuyện với những con rùa vẫn bơi dọc theo chiếc thuyền kayak của ông. Ông cũng nói chuyện với cả những con chim. Chúng rất thích hạ cánh xuống thuyền Olo để nghỉ chân và không chịu rời đi.
Doba có một chiếc điện thoại liên lạc qua vệ tinh. Ông vẫn dùng nó để nhắn tin cho Arminski, người còn đóng vai trò trợ giúp dẫn đường cho chuyến đi, để nhận thông tin về gió và thời tiết. Doba còn gọi cho vợ hai lần. Nhưng sau khi vợ ông nhận hóa đơn điện thoại lên tới 500USD, nhu cầu điện thoại cho vợ biến mất.
Để sống sót trên biển, Doba xoay vòng quanh ba loại cháo cho bữa sáng, 4 loại súp cho bữa trưa và khoảng một chục loại món chính cho bữa tối. Tất cả đều là đồ sấy lạnh. Ông cũng ăn vặt hoa quả khô và mứt mận do vợ nấu, tuy nhiên tất cả đều đã hết nhẵn khi hành trình mới đi được một nửa. Chuyến đi vất vả tới nỗi Doba tụt gần 20kg. Tuy nhiên hành trình vẫn diễn ra hoàn hảo.
99 ngày kể từ thời điểm rời Senegal, Doba đã tới Brazil. Ông được chào đón bởi 1 phóng viên và vị đại sứ Ba Lan ở đây. Sau rốt thì cũng chả ai quan tâm một ông lão hơn 60 tuổi vượt Đại Tây Dương bằng thuyền kayak. Nhưng với Doba, chuyến đi giống như một chiến thắng trước bản thân. Trong các bức ảnh chụp khi hành trình kết thúc, Doba trông như một người hoang dã, nhưng đôi mắt ngập tràn hạnh phúc.
Doba trong khoang dành cho ngủ nghỉ trên chiếc thuyền Olo của ông. |
Tính cách của người Ba Lan
Có một điểm đặc biệt trong tính cách người Ba Lan: Nếu cảm thấy người ngoài ít tin tưởng vào mình, họ sẽ càng quyết tâm. Để chứng tỏ bản thân, người Ba Lan sẵn sàng trải qua mọi thách thức. Doba cũng có đặc điểm tính cách này và nó chảy rất mạnh trong ông. "Tôi không muốn trở thành một kẻ mờ nhạt bé nhỏ", ông nói với phóng viên New York Times.
Doba sinh năm 1946 ở Swarzedz, Ba Lan. Cha ông, một người rất khéo tay, giỏi chế tạo và sửa đồ, đã làm cho ông một chiếc xe đạp. Năm 15 tuổi, ông cùng chiếc xe đi rong ruổi khắp nước. Doba theo học Đại học công nghệ Poznan và gặp vợ tương lai Gabriela Stucka trong một chuyến đi dã ngoại.
Doba bắt đầu chèo thuyền vào năm 1980, sau khi ông và Gabriela dọn tới vùng Police sống, vì ông có công việc sửa thiết bị tại một nhà máy hóa chất trong vùng. Một ngày nọ, đồng nghiệp thông báo CLB chèo thuyền của nhà máy tổ chức một chuyến đi dài 2 tuần. Ông bèn đăng ký và năm sau lại tiếp tục tham gia. Sau 2 lần đó, cứ mỗi dịp cuối tuần ông lại ném thuyền kayak lên tàu và chạy tới con sông gần nhất để chèo thuyền.
Những năm 1990, hành trình chèo thuyền của Doba mỗi lúc một dài và nhiều thách thức hơn. Ông từng có 100 ngày chèo thuyền dọc theo Biển Baltic. Ông cũng chèo thuyền từ Na Uy tới vành đai Bắc Cực. Dọc hành trình, ông bị bão hất tung ra khỏi thuyền. Sợi dây buộc Doba với chiếc thuyền kayak bị giật đứt tung và sóng biển quăng quật khiến ông ngất lịm. Tỉnh dậy, Doba nghe thấy tiếng gào thét... của chính mình. Chiếc áo phao mặc trên người và quần áo bảo hộ tốt khiến ông may mắn thoát chết. Doba không hề hối tiếc về trải nghiệm đó. Ông chưa từng muốn chết già trên giường.
Thế nhưng gia đình thì không quen được với mức độ leo thang trong hành trình thách thức chính mình của Doba. Gabriela không khỏi bị sốc khi nghe tin chồng muốn vượt biển lần đầu. Bà cố thuyết phục, nêu đủ lý do để chồng thấy việc vượt Đại Tây Dương là hành động ngu xuẩn. Bà thậm chí dọa đâm đơn ly hôn. Rốt cục bà vẫn phải đầu hàng ý chí của ông. Nhưng hóa ra, đó không phải là lần vượt biển duy nhất!
Sau khi kết thúc chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên chỉ vài ngày, Doba lập tức nghĩ tới chuyến đi thứ hai. Ông đã luôn chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện ba chuyến vượt biển, từ khu vực Nam, Trung và Bắc Đại Tây Dương. Gabriela không tin chồng bà có thể thực hiện chuyến đi tiếp theo. Rốt cục ông lại ra đi rất đột ngột.
Tới giữa tháng 9.2013, Doba vẫn chưa có đủ trang thiết bị cần thiết để phục vụ cuộc vượt Đại Tây Dương thứ hai, từ Bồ Đào Nha tới Florida, Mỹ. Thực tế thì theo lời ông, không một người hưu trí nào ở Ba Lan có đủ tiền để thực hiện một chuyến chèo thuyền vượt biển. Lương hưu của Doba chỉ có 700USD mỗi tháng, nhưng nhờ tiền quyên góp từ cộng đồng, tới ngày 3.10.2013 ông đã có thể lên đường.
Khi chưa phải chở theo bất kỳ thứ gì, Olo nặng 300kg. Nhưng vào đầu chuyến vượt biển thứ hai, con thuyền nặng 700kg. Nó mang theo 2 mái chèo làm từ sợi carbon, 5 chiếc áo chắn nước để chèo thuyền kayak, 2 đôi găng tay, 3 chiếc kính râm, 2 kính đọc sách, 10 hộp diêm chống nước, 2 con dao làm bếp cỡ lớn, một máy lọc nước biển chạy điện, 2 máy lọc nước biển chạy bằng sức người, 9 pháo hiệu màu đỏ, một cái bếp và các bình chứa gas để nấu nướng, 2 cái đèn pin, 2 cái đèn đeo trên đầu, một chiếc iPad, một camera hành động GoPro, 320 viên pin lithium để chạy thiết bị định vị vệ tinh, thuốc bổ sung khoáng, một bộ khâu vá, 175 thanh sôcôla, 3 bàn chải đánh răng, 7 lọ kem chống nắng, 3 lít rượu vang nhà nấu, 2 đôi dép và một bộ đồ câu cá khẩn cấp. Doba cũng mang theo 2 đoạn dây an toàn dành cho chèo thuyền, sẽ buộc người ông với Olo.
Trong một khoảng thời gian ban đầu, chuyến đi thứ hai cũng diễn ra êm thấm. Doba chèo thuyền trong trạng thái hoàn toàn khỏa thân. Mỗi ngày ông dùng 5 cốc cà phê uống liền. Ông ăn gà sấy lạnh và đôi khi là cá tươi khi chúng nhảy lên thuyền. Ông nhắn tin qua điện thoại vệ tinh cho gia đình và Arminski. Thế rồi vào ngày 19.12, chiếc điện thoại bất ngờ ngừng hoạt động. Ông chờ 3 ngày tiếp theo, nhưng điện thoại vẫn báo không có tín hiệu. Vậy là ông đành bấm nút cấp cứu.
Không lâu sau đó, một chiếc thuyền của Hy Lạp đã nhanh chóng tìm tới chỗ Doba để cứu ông. Tuy nhiên Doba chỉ muốn sửa chiếc điện thoại mà thôi, nên kiên quyết không lên chiếc tàu Hy Lạp. Do bất đồng ngôn ngữ, con tàu Hy Lạp đã có tới 3 lần tìm cách cứu Doba, bất chấp sự phản đối của ông. Trong lần thứ 3, Doba hết chịu nổi đã chửi bới loạn xạ bằng tiếng Ba Lan. Nhìn thấy thái độ của ông, con tàu Hy Lạp lập tức bỏ đi luôn.
47 ngày sau khi ngưng hoạt động, chiếc điện thoại sống dậy trở lại. Hóa ra có ai đó đã quên không nạp tiền vào chiếc thẻ trả trước sẽ chi trả cho phí sử dụng điện thoại. Phải thêm 2 tuần nữa Doba mới chấp nhận được giải cứu. Khi đó ông đã hoàn tất 90% hành trình vượt biển, nhưng bị kẹt lại tại khu vực Tam giác quỷ Bermuda do gió chướng và các dòng biển chảy mạnh. Một cơn bão còn làm hỏng bánh lái của Olo. Doba cố sửa, nhưng không thành công. Ông đành liên lạc với đội hỗ trợ ở đất liền và chèo vào Bermuda để sửa thuyền.
Sau 143 ngày lênh đênh trên biển, Doba đã phải rất vất vả để làm quen với việc đi lại trên đất liền. Việc sửa chữa kéo dài khá lâu và do thời tiết xấu nên tới tận cuối tháng 3 ông mới có thể ra khơi trở lại. 3 tuần sau, Doba chèo thuyền vào Florida. Lần này khi về nước ông được chào đón như một người hùng.
Aleksander Doba trên hành trình vượt Đại Tây Dương lần thứ 3. |
Vinh quang nằm trong khó khăn lớn lao
Nhưng cũng chỉ ở nhà được vài hôm, Doba lại lên hành trình cho chuyến đi thứ ba, từ New Jersey, Mỹ, tới Pháp, bất chấp sự can ngăn của người thân và cả Arminski. Người thợ đóng tàu giàu kinh nghiệm đã dành rất nhiều thời gian thuyết phục Doba hủy bỏ kế hoạch, bởi rủi ro quá lớn của việc chinh phục tuyến Bắc Đại Tây Dương. Arminski nói rằng, bão tố thường xuyên xuất hiện ở Bắc Đại Tây Dương và hoàn toàn không có bất kỳ chiếc thuyền kayak nào có thể sống sót trước những cơn sóng dữ ở đây.
"Vấn đề ở đây là kích cỡ và năng lượng của các con sóng so với trọng lượng của chiếc kayak. Ngoài việc khiến thuyền bị lật, sóng còn mang tới vấn đề nghiêm trọng hơn: Một con sóng vỗ có thể truyền toàn bộ năng lượng nằm trong chiều cao của con sóng thành một dạng động năng vô cùng hỗn loạn, bạo lực và khó đoán", ông từng chia sẻ với New York Times. "Hành trình đó quá nguy hiểm. Cứ mỗi 3 tuần lại có một cơn bão với những con sóng lớn đủ sức nhấn chìm chiếc kayak. Liệu ông ấy có thể sống qua bao lần chìm thuyền?"
Khỏi phải nói Gabriela thất vọng và tức giận như thế nào khi biết tin chồng lại vượt biển lần nữa. Tuy nhiên vào ngày 29.5.2016, Doba vẫn chèo thuyền ra khơi từ khu vực gần tượng Nữ thần Tự do. Trong các đoạn video ghi lại thời điểm này, Doba trông mệt mỏi và như sắp khóc. Ông mới chỉ ngủ có 3 tiếng vào đêm trước đó và không có đủ thời gian để kiểm tra lại trang thiết bị.
Kết quả là sự cố đến rất nhanh. Ngay khi tượng Nữ thần Tự do khuất tầm mắt, Doba bật thiết bị định vị GPS, nhưng nó không hoạt động. 4 ngày kể từ khi ra khơi, sau nhiều lần bị lật thuyền vì sóng dữ, nước tràn vào khoang chứa đồ đã làm chập chiếc máy lọc nước biển. Doba bị gió mạnh thổi vào bờ và buộc phải hủy bỏ hành trình.
Một năm sau, ông bắt đầu lại. Khi chèo thuyền được 3 ngày, Doba nhận cảnh báo đầu tiên rằng bão đang tới. Khi ấy ông đang ở gần bờ của tiểu bang New Jersey nên vẫn bình tĩnh chèo vào vịnh Barnegat và ăn bít tết ở đó, đánh một giấc nồng trong khách sạn, trước khi trở lại hành trình.
Trong một khoảng thời gian, chẳng có sự cố nào xảy ra. Rồi chiếc máy lọc nước biển của Doba lại bị hỏng và mỗi ngày ông phải mất vài giờ quay những chiếc máy chạy bằng sức người để có từ 5 - 9 lít nước uống. Nhưng đó cũng chẳng phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng, bởi Doba không vội vã.
Khi hành trình diễn ra được 3 tuần, các vấn đề lớn dần xuất hiện. Thêm nhiều cơn bão tràn tới. Gió mạnh tạo nên những con sóng ngoại cỡ đập dồn dập vào chiếc thuyền, tạo cảm giác như một đàn voi chiến đang chạy ngang qua nó. Doba biết rằng muốn sống sót qua một cơn bão lớn, ông cần giữ thuyền đúng hướng, với phần đuôi phải hướng về phía con sóng. Như thế khi sóng đánh vào thuyền, nó chỉ tác động tới một phần nhỏ nhất, thay vì tạt ngang vào hông và làm lật thuyền.
Để làm được việc này, ông sử dụng một chiếc mỏ neo tự chế buộc vào đuôi thuyền, nhằm tăng lực cản và giữ đuôi thuyền luôn hướng về sóng. 2 ngày sau cơn bão đầu tiên, Doba phải hứng chịu cơn bão thứ hai. Trong lúc chống chọi bão, bất ngờ chiếc mỏ neo tự chế bị đứt.
Doba biết rằng bất kỳ lúc nào một cơn sóng lớn cũng có thể đập nát chiếc thuyền của ông ra thành từng mảnh nhỏ. Vậy là ông lôi chiếc mỏ neo dự phòng ra rồi bò về phía đuôi thuyền. Ông nhanh chóng buộc một đầu dây của mỏ neo vào thuyền rồi ném nó xuống biển. Cho tới khi chui trở lại khoang lánh nạn của chiếc kayak, Doba vẫn cảm thấy sốc vì còn sống.
Một trận bão nữa diễn ra vào ngày 16.8.2017 đã bẻ cong bánh lái đuôi của Olo. Doba cố sửa nhưng không thành công. Đội hỗ trợ đưa ra vài phương án giải cứu, nhưng Doba bướng bỉnh từ chối, với lý do chi phí sau rốt sẽ lại đổ lên đầu ông. Tuy nhiên sau khi gặp sự cố 1 tuần, ông đã buộc phải chấp nhận hoàn cảnh và nhận sự trợ giúp từ một tàu hàng đi ngang qua.
Trên con tàu mang tên Baltic Light, Doba được ăn đồ nóng, được tắm giặt và nghỉ ngơi. Nhưng rồi ông năn nỉ viên thuyền trưởng thả mình trở lại biển. Người đàn ông cứng đầu này tiếp tục cuộc "lao động khổ sai" của mình. Chuyến đi lẽ ra có thể đã kết thúc một cách dễ dàng, khi Doba tới khu vực cách bờ biển nước Anh chừng 100 mét. Nhưng khi rời New Jersey, Mỹ, ông đã tự hứa với mình rằng sẽ chèo thuyền không chỉ tới Châu Âu mà phải thực sự đặt chân lên lục địa già. Vì thế Doba quyết định lênh đênh ngoài biển thêm một tuần nữa để đến Pháp.
Trước khi tới đích, ông đã dùng chiếc GoPro để ghi vài đoạn video gửi cho vợ Gabriela. "Trong vài tuần nữa, anh sẽ 71 tuổi", ông nói trong một đoạn video. "Dĩ nhiên là nếu anh sống sót qua nốt hành trình này." Rốt cục thì Doba đã cập bến thành công và trở thành người duy nhất trên trái đất 3 lần chèo thuyền kayak vượt Đại Tây Dương.
Có một câu hỏi phóng viên New York Times dành cho Doba mà phải tới khi gần chia tay ông mới trả lời: Vì sao lại phải thực hiện chuyến vượt Đại Tây Dương thứ ba? "Tôi muốn ra biển và chết. Nhưng điều đó có thể gây ra vấn đề cho gia đình tôi...", Doba thừa nhận. "Tôi đã đi rất gần tới ngưỡng giới hạn của bản thân và giới hạn của con người nói chung. Nhưng..." Doba bỏ lửng câu nói, song nếu tiếp tục có lẽ nó là ông thấy chẳng vấn đề gì nếu phải nằm lại dưới biển trong lúc cố chiến thắng bản thân.
Trước chuyến vượt biển thứ 3, Gabriela hỏi rằng Doba sẽ làm gì trong tình huống xảy ra khó khăn khủng khiếp, khi phần đất gần ông nhất là đáy biển? Doba trả lời rằng sẽ chẳng có khó khăn gì hết. Ông nói thế không phải vì ít kinh nghiệm hay vô trách nhiệm với gia đình. Ông nói thế chỉ bởi đã tái định nghĩa sự khó khăn, để có thể thực hiện 3 chuyến vượt biển.
Theo quan điểm của Doba, khó khăn lớn lao cũng đồng thời mang tới cơ hội để có vinh quang tột bậc. Vì thế ông tiến theo con đường đòi hỏi sự khổ sở ít người có thể tượng tượng. Thông qua việc lựa chọn lộ trình khó khăn, Doba đã đẩy mình tới vai trò của một người hùng, chứ không phải một nạn nhân
Tuy nhiên Doba yêu Grabriela và không muốn bà đau khổ thêm nữa. Vì thế lập kỷ lục cùng thuyền kayak là điều ông không nghĩ tới nữa vào lúc này. Nhưng liệu ông có vượt Đại Tây Dương thêm một lần nữa? "Bằng thuyền kayak à? Hiện tôi không có kế hoạch nào cả", ông trả lời phóng viên New York Times, trước khi nói thêm. "Nhưng tôi bắt đầu thích thuyền buồm rồi đó."
Hương Giang (LĐO)