Phóng sự - Ký sự

Chuyện thầy giáo gian nan đi tìm nguồn cội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Khánh (74 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) mất mẹ trong chiến tranh khi còn thơ bé và không hề biết mặt cha khi được sinh ra. Những năm tháng tuổi thơ của ông sống trong sự đùm bọc của đồng đội cha mẹ mình và sự yêu thương của một gia đình người đồng bào Raglai. Sau khi được ra Bắc học tập, thống nhất đất nước ông đã trở lại Khánh Hòa để tìm về nguồn cội và người đã nuôi mình thuở bé thơ.

Bài 1: “Nhảy tàu” tìm về người mẹ Raglai

Giữa những năm tháng mịt mù khói lửa đạn bom, đâu đó ta vẫn được nghe những câu chuyện sáng rực nghĩa tình của con người Việt Nam trong chiến tranh. Câu chuyện về cuộc đời đặc biệt và hành trình tìm lại vị ân nhân năm xưa của thầy giáo Nguyễn Vĩnh Khánh khiến người nghe lặng đi vì xúc động.

Cuộc giải thoát định mệnh

Trong đôi mắt tinh anh của ông Nguyễn Vĩnh Khánh tràn ngập kí ức khi kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng cuộc đời đầy biến động mà ông đã trải qua. Ông Khánh sinh ra không hề biết mặt cha, đến năm 3 tuổi mất mẹ. Kí ức cuối cùng về mẹ ông không bao giờ quên là hình ảnh một đám người man rợ cầm gậy, rựa, súng bắt trói và kéo mẹ đi. “Bọn họ giằng tôi ra khỏi vòng tay mẹ. Mẹ gào khóc thảm thiết cho đến khi bị kéo đi xa khuất. Đêm ấy khi ngủ thiếp đi, tôi bỗng giật mình chồm dậy vì có tiếng súng nổ”, ông Khánh nhớ lại.

Gia đình ông Khánh ngày đầu vào Nha Trang. Ảnh: Khánh Nguyên

Gia đình ông Khánh ngày đầu vào Nha Trang. Ảnh: Khánh Nguyên

Sau đó, ông Khánh sống trong một gia đình của tên phản cách mạng đã bắt giết mẹ ông, phải làm đủ mọi việc vất vả, chịu đòn roi ngày này qua ngày khác. Một hôm, nhân lúc nhà có người già bị bệnh nặng phải mời thầy về cúng, các chiến sĩ cách mạng đã cải trang thành thầy cúng và giải cứu ông khỏi cuộc sống cơ cực ấy. Khi ông Khánh còn run rẩy không hiểu chuyện gì xảy ra thì một người trong số họ nói nhỏ vào tai ông: “Chú tên Thể. Các chú là đồng chí của ba mẹ cháu, cùng hoạt động cách mạng. Ba mẹ cháu đều hy sinh cả rồi, các chú tới đây để giải thoát cháu khỏi nhà tên ác ôn này”. Trên đường đi xuyên đêm, các chú còn kể mẹ sinh tôi ở dưới gốc cây me, các chú đã đưa hai mẹ con về căn cứ và đặt tên ông là Lượm.

Ông Khánh được chú Thể dẫn tới một ngôi nhà có hai ông bà già cùng 5 người khác đang ngồi quanh bếp lửa và nói: “Đây là cháu Lượm, đứa trẻ mà đồng chí Ama Khất giao nhiệm vụ cho nhà ta giải cứu và đưa cháu về đây nuôi dưỡng”. Người mẹ nhận nuôi ông là La Bấn và chú Thể là con rể của bà. Mẹ nuôi đặt tên cho ông là La Khới. Cuộc đời của ông Khánh như được sinh ra một lần nữa trong tình yêu thương của người mẹ Raglai. Những tháng ngày đó, ông được người mẹ Raglai chăm bẵm, yêu thương như con đẻ.

Cuối năm 1958, ông tạm biệt gia đình người mẹ Raglai thân yêu để ra miền Bắc học tập tại trường Dân tộc nội trú Trung ương, rồi Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Lúc này, ông được đặt tên mới là Nguyễn Vĩnh Khánh (đặt theo tên của huyện thời kháng chiến). Đêm trước ngày ra Bắc, ông được mẹ và các anh chị nuôi làm mâm cơm ấm cúng tiễn lên đường. Bịn rịn chia tay núi rừng Khánh Vĩnh và gia đình, ông Khánh ra đi mang theo những hi vọng về ngày đoàn tụ và trăn trở khi chưa biết cha mẹ mình là ai.

Nước mắt ngày gặp mẹ Raglai

Ông Nguyễn Vĩnh Khánh chia sẻ về câu chuyện đi tìm cội nguồn đầy xúc động. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Nguyễn Vĩnh Khánh chia sẻ về câu chuyện đi tìm cội nguồn đầy xúc động. Ảnh: Khánh Nguyên

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Khánh vẫn chưa một lần có cơ hội trở lại quê hương vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 1978, ông Khánh từ Cao Bằng (nơi ông sinh sống và làm việc lúc bấy giờ) lần đầu tiên trở lại miền Nam với khát khao tìm lại người mẹ Raglai năm xưa đã cưu mang mình. Hành trình trở về của ông Khánh gian nan ngay chặng đường đầu tiên. Ông từ Cao Bằng xuống Hà Nội để đi tàu về Nha Trang, nhưng xui xẻo thay lại hết vé. Ông nảy ra suy nghĩ và quyết định đi ô tô đến Vinh để chờ tàu về Nha Trang.

Sáng hôm sau, ông thành công “nhảy tàu” từ Vinh đến Nha Trang. Lên tàu ông trốn vào nhà vệ sinh nhưng sau đó bị soát vé phát hiện. Sau khi trình bày hoàn cảnh với trưởng tàu, ông được tạo điều kiện mua vé bổ sung. Sau 3 ngày 3 đêm trên tàu, ông Khánh đã về tới quê hương Khánh Hòa yêu dấu trong niềm hân hoan, xen lẫn xúc động. Sau đó, ông đi lên huyện Diên Khánh để hỏi tìm về người mẹ Raglai của mình. Hỏi nhiều nơi nhưng không ai biết manh mối gì.

May thay, khi liên lạc với Huyện ủy Diên Khánh, ông gặp được một nữ cán bộ người dân tộc Raglai tên là Pinăng Hoa. Chị cho biết người mẹ nuôi của ông là bà La Bấn ở cùng xã với chị. Theo sự phân công của Huyện ủy Diên Khánh, chị Pinăng Hoa đưa ông Khánh lên xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) tìm gặp mẹ nuôi. “Đêm đó tôi không thể nào chợp mắt, chỉ mong sao trời mau sáng để tôi được gặp mẹ. Hình ảnh người mẹ Raglai đã dành mọi tình thương, nhường từng miếng cơm, thức thâu đêm chăm sóc những lúc tôi ốm đau cứ hiện lên rõ mồn một”, ông Khánh bồi hồi nhớ lại.

Chị Pinăng Hoa dẫn ông Khánh len lỏi qua lối nhỏ nhiều cây dây leo chằng chịt, tới một ngôi nhà gỗ gọi lớn: “Chủ nhà đâu rồi. Pinăng Hoa đây!”. Ông Khánh đứng dưới cầu thang gỗ nhìn lên thấy một cụ bà da nhăn nheo, lưng đổ còng, mắt chăm chăm nhìn xuống. Linh tính mách bảo ông: “Đúng người mẹ Raglai của tôi rồi!”. Ông lao lên ôm chầm lấy mẹ nói to: “Mẹ ơi, con đây! La Khới đây”. Mẹ ngẩn ra một lúc, hết xoa đầu, rồi vuốt má ông Khánh. Tự nhiên, nước mắt người mẹ Raglai tuôn chảy theo nếp nhăn trên má rồi lập bập nói: “Thằng Lượm, thằng La Khới đấy à…”. Thế là mẹ con ông Khánh ôm nhau khóc.

Sau khi tìm được mẹ nuôi, ông Khánh thường xuyên sắp xếp thời gian đưa vợ và các con lên thăm mẹ. Mối quan hệ giữa ông và các anh chị em trong gia đình vẫn vô cùng thâm tình đến ngày nay. Cách đây 10 năm, bà La Bấn đã mất khi tuổi già, sức yếu. Chỉ tiếc là hồi đó việc chụp hình và lưu giữ hình ảnh khó khăn lắm nên ông Khánh không có bức ảnh bà mẹ Raglai của mình.

Trong cuốn tài liệu Những năm tháng nhớ mãi, do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Phú Khánh xuất bản năm 1984, tại trang 230 đã khẳng định cha mẹ của ông Nguyễn Vĩnh Khánh đã hy sinh và ông được người mẹ Raglai ở Khánh Vĩnh nuôi dưỡng cho tới khi được cách mạng đưa ra miền Bắc ăn học. Cả mẹ ông Nguyễn Vĩnh Khánh là bà Nguyễn Thị Mười Dư và cha là ông Nguyễn Đơn cũng đã được công nhận liệt sĩ vào năm 1979.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm