(GLO)- Xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Những năm gần đây, công tác giảm nghèo đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.
|
Chương trình 135 đã cải thiện đời sống của đồng bào ở làng Tuêk (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). |
Làng Tuêk, xã Đak Tơ Ve có 235 hộ với 1.018 khẩu, 100% là đồng bào Jrai. Trước đây, kinh tế của người dân chỉ phụ thuộc vào cây lúa, bắp, mì, đời sống của bà con gặp khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, với quyết tâm thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, bà con dân làng đã thay đổi tư duy sản xuất để từng bước làm giàu.
|
Gia đình A Tông (làng Tuêk, xã Đak Tơ Ve) nhiều năm liền là hộ nghèo. Nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ 1ha bời lời, 4 sào lúa và tiền công làm thuê của hai vợ chồng. |
Theo ông Cao Phi Văn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn. Từ năm 2015-2020, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới, đã hỗ trợ gần 17 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Toàn xã đã xây dựng được 9 công trình giao thông, thủy lợi; duy tu, bảo dưỡng 4 công trình; 14 hộ nghèo được hỗ trợ mua bò sinh sản, mua cây, con giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; cấp 30 máy tuốt lúa, máy cắt cỏ và bình phun thuốc… đã góp phần giúp đỡ người dân địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Riêng về chăn nuôi, nhiều hộ đã phát triển đàn bò, dê lên hàng chục con, cộng với chăn nuôi gia cầm, trồng rừng mỗi năm lãi 40-50 triệu đồng/hộ. Không những thoát nghèo, không ít hộ còn vươn lên làm giàu chính đáng.
|
|
Chị Byen (làng Tuêk) cũng từng thuộc diện khó khăn. Năm 2019, chị Byen được gia đình nhà chồng cho mượn 14 triệu đồng để mua 4 con dê bách thảo. Đến nay, đàn dê của gia đình chị đã phát triển lên 17 con. Chị Byen vui mừng cho hay: “Mình vừa bán đi 8 con dê được hơn 30 triệu. Gia đình giờ thoát nghèo rồi, có dê, có bời lời cũng mừng. Nhưng mà vẫn còn nhiều khó khăn, vợ chồng mình sẽ cố gắng làm chăm chỉ hơn để cuộc sống tốt hơn”. |
|
Chương trình 135 cũng đã đầu tư hỗ trợ cho 30 hộ gia đình dân tộc thiểu số (làng Tuêk, xã Đak Tơ Ve) mua máy tuốt lúa phát triển sản xuất. |
|
Trường Mầm non xã Đak Tơ Ve vừa mới đầu tư 2 phòng học, 1 nhà ăn, hàng rào và sân bê tông, được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí xây dựng gần 1,5 tỷ đồng, phục vụ chăm sóc và nuôi dạy hơn 110 trẻ. |
|
Hội viên nông dân xã Đak Tơ Ve tham quan mô hình trồng cà phê xen cây ăn trái của gia đình ông A Nông, Bí thư chi bộ làng Tuêk. |
|
Ông A Tông cho hay: “Gia đình tôi có 700 cây cà phê, 1 ha cao su, 100 trụ tiêu, 1 ha bời lời, 5 con bò… Hiện tại, mỗi tháng, gia đình ông thu nhập từ 1 ha cao su được 15 triệu đồng”. |
|
Vào ngày thứ bảy hàng tuần bà con trong làng tích cực thu gom rác thải để tạo cảnh quan môi trường nơi ở sạch đẹp. |
|
Tuyến đường 2 km được đầu tư gần 3 tỷ đồng bằng vốn 135 đi từ trung tâm làng Tuêk đến khu sản xuất đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại và lưu thông hàng hóa. |
|
Năm 2020 UBND xã Đak Tơ Ve vận động bà con đóng góp hơn 10 triệu đồng làm 4 trụ đèn thắp sáng ngoài đường đủ phục vụ đi lại ban đêm cho bà con, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. |
|
Anh Nguyễn Trung Huy (bìa trái), cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Đak Tơ Ve, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chăm sóc cây trồng, cách làm chuồng cho vật nuôi, phòng bệnh… từ đó bà con đã thay đổi được nhận thức nên cũng biết cách hơn, nắm rõ về kỹ thuật hơn. |
|
Thôn trưởng Phiu (người đứng giữa) nói: “Nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người dân vay vốn ưu đãi để làm ăn phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập cho người dân. So với trước đây thì bây giờ thu nhập của nhiều hộ gia đình được cải thiện hơn. Nhờ vậy, các hộ dân đều rất vui mừng và chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo, từng bước đưa làng Tuêk cán đích nông thôn mới”. |
ĐỨC THỤY (thực hiện)