(GLO)- Sau 7 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, trên địa bàn huyện Ia Grai đã có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Xã biên giới Ia Chía có 27 hộ thoát nghèo bền vững nhờ tích cực tham gia cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nâng tổng số hộ thoát nghèo toàn xã lên 101/366 hộ. Ông Phạm Văn Phúc-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Chía-cho biết: “Để thực hiện cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tiến hành rà soát hộ nghèo và đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, các hộ dân đã biết làm ăn, phát triển kinh tế cũng như nuôi dạy con cái tốt hơn”.
Cán bộ xã Ia Chía (huyện Ia Grai) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phan Thương |
Gia đình anh Rơ Mah Tuyn (làng Lang, xã Ia Chía) là một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Anh Tuyn cho biết: Trước kia, gia đình anh có đất sản xuất nhưng thiếu vốn cũng như kiến thức để chăm sóc cây trồng. Tham gia cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, năm 2014, anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng. Anh Tuyn đã sử dụng số tiền đó để mua phân bón cà phê. Sau nhiều năm cần cù lao động cũng như chăm chỉ học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với 500 cây cà phê trồng xen cây ăn quả, 300 cây điều, 3 sào lúa nước và 1 ha cao su nhận khoán của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15), gia đình anh Tuyn đã có cuộc sống khá giả với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. “Trước đây, mình không biết chăm sóc, mở rộng diện tích cà phê. Được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn, giờ mình đã biết nhiều loại cây trồng phù hợp trên cùng diện tích đất, mua máy móc phục vụ nhu cầu trong sản xuất để năng suất, chất lượng nâng cao hơn”-anh Tuyn chia sẻ.
Năm 2014, toàn huyện Ia Grai chỉ có 39 hộ tham gia cuộc vận động thì đến nay đã phát triển lên thành 274 hộ; hiện đã có 143 hộ thoát nghèo, đạt hơn 52%. Được các cấp chính quyền trao tặng những chiếc “cần câu” thoát nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Với sự cần cù và ham học hỏi, họ đã dần vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn. Chỉ tay vào căn nhà khang trang sắp hoàn thiện, anh Rơ Châm Yih (làng De Lung 1, xã Ia Tô) vui vẻ nói: “Trước kia, 5 miệng ăn của gia đình chỉ trông chờ vào 500 cây cà phê già cỗi, cứ tưởng đói khổ sẽ đeo bám mãi. Nhưng khi được các cấp chính quyền quan tâm, tổ chức tập huấn về công tác trồng trọt, chăn nuôi cũng như hỗ trợ cho vay vốn, gia đình mình đã biết chăm sóc cà phê, mua thêm bò về nuôi. Giờ mình đã xây dựng được ngôi nhà để ở. Mong sẽ có nhiều hộ nghèo được hỗ trợ để thoát nghèo như gia đình mình”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thu Soan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai-cho biết: Thay đổi lớn nhất sau 7 năm thực hiện cuộc vận động đó chính là ý thức của người dân. Nhờ vậy, tập quán sản xuất đến sinh hoạt đời sống của bà con đã khác trước. Họ đã biết giữ gìn vệ sinh môi trường, các hủ tục dần được xóa bỏ. Bà con còn biết tích lũy, tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất. “Thời gian đến, huyện Ia Grai sẽ không dừng lại ở mô hình làm điểm mà mở rộng việc đăng ký tham gia cuộc vận động ở các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn huyện. Đây là việc làm thường xuyên của Mặt trận và các đoàn thể để phát huy hiệu quả đồng vốn mà Nhà nước hỗ trợ. Huyện phấn đấu 25-30% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết thêm.
Phan Thương