Chuyển từ bao cấp sang xã hội hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 3 năm thực hiện Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình-sức khỏe sinh sản (KHHGĐ-SKSS) của Bộ Y tế tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020, người dân đã dần thay đổi nhận thức và hành vi.

Chị Nguyễn Tuyết Mai (40 tuổi, trú tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đã có 3 con. Hiện vợ chồng chị đang thực hiện PTTT bằng cách uống thuốc. Chị Mai cho biết: “Trước đây, mỗi năm xã tổ chức 2 đợt phát động chiến dịch KHHGĐ-SKSS. Tôi thường đến Trạm Y tế xã để khám phụ khoa và được cấp thuốc tránh thai hoặc khi cần đến nhà cộng tác viên dân số để lấy. Nhưng gần 3 năm qua, tôi tự bỏ tiền ra mua thuốc tránh thai tại Trạm Y tế xã. Bây giờ, Nhà nước không còn phát thuốc tránh thai miễn phí nữa mà chỉ hỗ trợ phần nào, còn lại người dân chủ động mua. Tôi nghĩ, mỗi năm bỏ ra mấy chục ngàn đồng để mua PTTT là điều bình thường”.

 

Phụ nữ ngày càng quan tâm hơn tới chăm sóc sức khỏe sinh sản.       Ảnh: Đ.Y
Phụ nữ ngày càng quan tâm hơn tới chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: Đ.Y

Chị Nguyễn Thị Thúy (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng đồng quan điểm: “Tôi xem trên ti vi thấy nói về việc Nhà nước chỉ hỗ trợ, cấp miễn phí PTTT cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực thành thị, nông thôn phát triển, Nhà nước chỉ hỗ trợ phần nào. Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp thực tế, bởi cuộc sống người dân giờ đã khá hơn trước”. Hay chị Lê Thị Mai (48 tuổi, trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) do sử dụng PTTT như đặt vòng, thuốc cấy tránh thai không phù hợp với cơ địa nên chị chọn phương pháp triệt sản. Trước đây, việc triệt-đình sản được Nhà nước hỗ trợ miễn phí nhưng bây giờ phải trả tiền. “Số tiền bỏ ra triệt sản không nhiều mà bản thân lại giữ gìn được sức khỏe nên mình quyết định thực hiện”-chị Mai cho biết.

Theo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trên 70,5%. Từ năm 2014 trở về trước, PTTT được cung cấp miễn phí do nguồn ngân sách nhà nước đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dân số-KHHGĐ.

Từ tháng 3-2015 đến nay, Việt Nam bước ra khỏi ngưỡng của nước nghèo nên các nhà tài trợ đã ngừng viện trợ không hoàn lại các PTTT, đòi hỏi Nhà nước cần có ngân sách để mua PTTT. Do vậy, việc cung cấp PTTT miễn phí và dịch vụ KHHGĐ miễn phí sẽ giảm, chuyển dần sang cung ứng dưới hình thức tiếp thị xã hội. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thay đổi nhận thức, hành vi từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” còn gặp khó khăn. Theo đó, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố, cộng tác viên dân số ở các thôn, làng, tổ dân phố cũng đã tích cực tuyên truyền, tiếp thị các PTTT. Từ đó, người dân cũng bắt đầu làm quen và có ý thức mua PTTT.

Tuy nhiên, PTTT chủ yếu nhập khẩu (trừ bao cao su và viên uống tránh thai) cho Chương trình mục tiêu quốc gia để ưu tiên cấp miễn phí; trên thị trường không có bán PTTT lâm sàng, dù các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa nhưng lại không có PTTT để thực hiện xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ-SKSS, nhất là dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) và thuốc cấy tránh thai (que cấy tránh thai). Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Dân số-KHHGĐ mới đây, ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, kiến nghị: “Xã hội hóa cung cấp các PTTT và dịch vụ KHHGĐ-SKSS là mục tiêu mà ngành Dân số đang thực hiện. Tuy nhiên, Gia Lai là một tỉnh miền núi nghèo, vì vậy, cần thực hiện đa dạng hóa PTTT theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các PTTT hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Thành Đồng-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ cho rằng: Thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dân số-KHHGĐ. Đặc biệt, Gia Lai phấn đấu thực hiện đạt mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Để thực hiện hiệu quả, tỉnh cần đổi mới công tác truyền thông dân số-KHHGĐ ở địa phương; nắm chắc biến động về dân số, những trường hợp phát sinh cụ thể để có sự điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động thực hiện công tác dân số chuyển từ bao cấp sang xã hội hóa, tiếp thị xã hội.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm