Phóng sự - Ký sự

Chuyện về "nhà An Khê học"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cố GS. Phan Huy Lê từng đặt cho tôi danh xưng vui là “nhà An Khê học”, bởi theo ông ấy hiếm có người dân nào chịu khó tìm hiểu và viết nhiều sách liên quan đến lịch sử, văn hóa của vùng đất mình đang sinh sống như tôi. Thật ra, tôi làm điều ấy chỉ đơn thuần xuất phát từ sự mến mộ đối với 3 ngài Tây Sơn cùng tình yêu dành cho quê hương thứ 2 đã chở che, cưu mang tôi suốt những tháng ngày khó khổ”-ông Nguyễn Quốc Thành (1336 Quang Trung, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) chia sẻ.
 

Trải qua gần 90 năm cuộc đời, ông Thành bảo rằng, niềm vui lớn nhất của ông chính là được sống trọn vẹn với đam mê con chữ, với mạch nguồn lịch sử và văn hóa bất tận ở miền đất địa linh nhân kiệt Tây Sơn Thượng đạo.

Bôn ba tuổi trẻ

Ông Nguyễn Quốc Thành sinh năm 1934 tại An Nhơn, Bình Định. Năm lên 9 tuổi, cậu bé Thành bẽn lẽn cầm chặt tay ông nội mình, lần đầu vào trường làng học chữ. Vốn cần cù, hiếu học, chẳng bao lâu Thành đã đọc thông viết thạo, thậm chí còn “nhảy vọt” lên 2 lớp và luôn dẫn đầu với thành tích học tập vượt trội.

Nhà nghèo, ngoài thời gian đến trường, cậu bé Thành phải đi chăn trâu. Đêm đêm, kể cả khi mưa bão, cứ gà gáy canh 2 là cậu vùng dậy, xách giỏ dạo khắp vườn hoang lượm phân trâu, phân bò để bón ruộng hoặc bì bõm ngoài đồng bắt cua đợi tờ mờ sáng đem ra chợ bán.

Lên cấp II, trường cách nhà chừng 6 cây số nên hầu như cậu phải ở lại tại chỗ để học. Cứ chiều chủ nhật, cậu mang gạo, khoai, mắm muối trên vai rồi lội bộ tới trường, đến khuya thứ bảy tuần sau lại về, lao vào kéo vải sợi giúp cha mẹ.

Ông Nguyễn Quốc Thành (bìa phải) trao đổi với đoàn công tác của GS. Phan Huy Lê về vị trí lũy An Khê thời Tây Sơn vào năm 2017. Ảnh: Mộc Trà


“Quá trình học tập của tôi kéo dài đến năm 1954 thì phải dừng lại vì gặp bạo bệnh, nằm liệt giường mấy tháng trời. Việc tập kết ra Bắc vì thế cũng không thể thực hiện được. Làm nghề thợ mộc một thời gian ở địa phương, tôi phải lánh vào tận Ninh Thuận để trốn lính. Tại đây, tôi chuyển sang làm phụ hồ rồi thầu khoán xây dựng. Hồi đó, tôi cũng giúp cho hàng chục thanh niên trốn lính vào đây cùng làm việc”-ông Thành nhớ lại.

Gầy dựng sự nghiệp được một thời gian, tình hình tạm yên ổn, ông Thành trở lại quê nhà lập gia đình rồi dùng số tiền tích cóp được mở một quầy tạp hóa nhỏ. Đầu năm 1965, toàn vùng nông thôn nơi đây được giải phóng, ông Thành tham gia vào Ban Tự quản thôn. Cũng từ đây, chưa đầy 1 năm, ông cùng dân làng trải qua nhiều trận càn “thừa chết thiếu sống” của địch mà lực lượng chính là lính Nam Triều Tiên.

“Nhớ nhất là cái lần tôi đang sốt thì nghe tiếng kẻng báo động giặc càn. Mọi người chạy bộ đến làng An Chánh cách nơi ở gần 5 cây số, xe tăng giặc quần thảo sau lưng. Cả đoàn bàn nhau vào bờ sông Côn lánh giặc, vừa rẽ qua đường mòn thì tôi bị lọt hầm chông, rất may bàn chân nằm gọn giữa lòng 4 cây chông sắt nên tiếp tục chạy được. Riêng 2 người bên cạnh thì bị mũi chông đâm, không thể thoát thân, bị giặc bắt lại và hành quyết ngay trong đêm ấy.

Công cuộc bình định và tìm diệt của địch còn tiếp diễn nhiều lần sau đó, gây nên nhiều vụ thảm sát tập thể đẫm máu khiến lòng người vô cùng căm phẫn. Sau khi thoát khỏi vòng vây của giặc, tôi được các cán bộ địa phương giúp đỡ trốn ở trại tiếp cư 3 tháng rồi đưa cả gia đình lên An Khê tìm kế sinh nhai”-ông Thành bồi hồi kể.

Tình yêu với miền Tây Sơn Thượng

Mãi đến bây giờ, ông Thành vẫn không nghĩ rằng lần lánh nạn lên Tây Sơn Thượng đạo năm ấy lại là cơ duyên gắn chặt cuộc đời ông với mảnh đất này. Lúc bấy giờ, quân Mỹ và đồng minh đã tràn ngập đất An Khê. Ông Thành thuê một ngôi nhà tại vị trí gần chợ Đồn ngày nay để ở và mở cho vợ cửa tiệm buôn bán nhỏ, còn mình vừa làm thầu xây dựng, vừa viết bảng hiệu thuê để kiếm sống qua ngày. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, chính quyền Sài Gòn tiếp tục ráo riết bắt lính và đôn quân khiến cả nhà ông lại phải bao phen trốn chạy.

Sau khi An Khê hoàn toàn giải phóng, ông Thành tham gia phụ trách đội văn nghệ xã Phú An Cư. Cũng từ đây, ông mới có nhiều điều kiện tìm tòi trong các thư viện cũng như điền dã khắp vùng để sưu tầm, tìm hiểu các tư liệu liên quan đến văn hóa An Khê, anh em nhà Tây Sơn và buổi đầu dựng cờ tụ nghĩa của họ trên đất Tây Sơn Thượng đạo.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Quốc Thành vẫn dành trọn niềm đam mê với con chữ. Ảnh: Mộc Trà


Lý giải về nguyên do khiến bản thân quyết định bỏ thời gian và công sức để theo đuổi việc làm ấy trong nhiều năm, ông Thành bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi đã vô cùng mến mộ 3 ngài Tây Sơn, lại may mắn sinh ra ở vùng Hạ đạo và nương náu ở vùng Thượng đạo. Lúc mới lên An Khê, tôi khá bất ngờ vì dù là căn cứ địa xưa của nhà Tây Sơn nhưng theo sự biến thiên của lịch sử hầu như đã phai nhòa dấu tích lẫn nhân danh. Vậy là tôi quyết tâm lao vào tìm kiếm để thỏa mãn những trăn trở của chính mình”.

Đầu tiên, ông Thành tìm đến các cụ cao niên trong vùng, chăm chú lắng nghe họ kể lại những hiểu biết “truyền miệng” từ ông cha để lại và tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ dẫn của họ về lộ trình điền dã; sau đó là qua sách, báo từ thư viện. Mỗi ngày, ông chuẩn bị cơm nắm, khoai luộc và nước uống rồi cần mẫn với hành trình riêng của mình mãi từ sáng sớm cho đến tận tối mịt. Thậm chí, khi tới những địa điểm xa, ông còn ở lại 2-3 ngày nhằm thu thập được kỹ càng hơn.

Những tư liệu tìm hiểu được, ông đều ghi chép cẩn thận để có sự đối sánh, kiểm chứng giữa các nguồn và với sử sách. Về đến nhà, ông lại miệt mài chọn lọc, viết từng bản thảo rồi đóng tập. Cứ thế ròng rã suốt nhiều năm mà ông không hề biết mệt mỏi chỉ bởi “cứ mỗi ngày hiểu thêm một chút lại khiến bản thân thêm đam mê và bị cuốn theo mãi”.

Đến năm 2011, cuốn sách đầu tiên của ông mang tên “Trầm tích Tây Sơn Thượng” được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành. Cuốn sách là tập hợp những bài viết của ông về nhà Tây Sơn, về quá trình chiêu binh tụ nghĩa và những vị tướng tiêu biểu cùng thời; cuộc trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn; đồng thời đề cập đến nhiều giai thoại và nét văn hóa đình, chùa, nhà cổ... trên đất An Khê xưa. Sau khi xuất bản, cuốn sách này được xem là nguồn tư liệu tham khảo cho một số nhà nghiên cứu. Cố GS. Phan Huy Lê trong một vài lần về An Khê cũng đã tìm gặp ông để trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan.

Tiếp đến là truyện ngắn “Cọp lửa sông Ba” với những câu chuyện về Nguyễn Nhạc và vũ khí hỏa hổ của nhà Tây Sơn. Gần đây nhất là cuốn “Huyền tích An Khê” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017 với 6 chương gồm: Thế đất-Lòng dân Tây Sơn Thượng đạo; Đình, miếu, chùa tiêu biểu ở An Khê; Sắc phong của dòng họ, gia đình ở An Khê; Hoành phi, câu đối, văn tế ở các tự đường; Bóng dáng người xưa và Văn hóa nhà ở trên đất An Khê.

“Trong 5 tập văn và nhiều tập thơ của mình, tôi hầu hết đều đề cập đến An Khê, chỉ một phần nhỏ dành cho miền Hạ đạo nơi sinh ra. Tất cả là tài sản tinh thần quý giá và là minh chứng cho tình yêu, sự biết ơn của tôi đối với quê hương thứ 2”-ông Thành trải lòng.

Là người giàu tâm huyết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa tại địa phương, ông Phan Duy Tiên-nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện An Khê (cũ) nhận định: “Tình yêu, sự tâm huyết của ông Nguyễn Quốc Thành dành cho An Khê nói chung, nhà Tây Sơn nói riêng là rất đáng trân trọng. Những tư liệu, câu chuyện mà ông sưu tầm và in thành sách phần nào giúp cho thế hệ trẻ sau này có cơ hội hiểu rõ hơn, nhiều hơn về vùng đất giàu truyền thống lịch sử và trầm tích văn hóa này. Ông Thành cũng là một nhà thơ, nhà văn của An Khê, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai với nhiều tác phẩm được đón nhận và đạt giải tại các cuộc thi thơ trong cũng như ngoài tỉnh”.

Dưới ánh sáng dìu dịu của chiếc đèn bàn, ngày nối ngày, ông Thành vẫn chăm chú đọc sách và ghi lại điều mình tâm đắc bằng những câu văn, vần thơ đầy cảm xúc. Chứng kiến sự khởi sắc từng ngày của mảnh đất An Khê, nhất là sự quan tâm đầu tư tôn tạo của chính quyền địa phương đối với khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, ông không khỏi phấn khởi, vui mừng. Bởi lẽ, ước nguyện của ông và nhiều người dân An Khê giờ đây đang dần trở thành hiện thực.

 

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm