Phóng sự - Ký sự

Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 3: Cái giá của những giọt nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lịch sử sẽ không quên hàng vạn người đã đổ mồ hôi, trí tuệ, một thời xẻ núi ngăn sông, chinh phục thiên nhiên làm nên hồ Kẻ Gỗ. Để được nước tưới cho những cánh đồng, đã có không ít cái giá phải trả.

Hiến đất, dỡ nhà

Để mong ước của hàng vạn người dân Hà Tĩnh thành hiện thực, những cư dân sinh sống trong lòng hồ chấp nhận dọn nhà đi không chút tiếc nuối.

 

Ông Đặng Xuân Thy nhớ về những ngày tháng “nhường đất dỡ nhà” của gia đình mình để xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ.
Ông Đặng Xuân Thy nhớ về những ngày tháng “nhường đất dỡ nhà” của gia đình mình để xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ.

Cụ Đặng Minh Thư - 88 tuổi, ở cùng con gái tại ngã ba Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) - là một trong hơn 30 hộ dân như vậy.

Tiệm kẹo cu đơ Anh Thư nổi tiếng nhất Hà Tĩnh của vợ chồng cụ Thư bây giờ được bắt đầu từ ngày vợ chồng cụ sinh sống trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Giữa những tháng năm chiến tranh khốc liệt, đói kém, ở tuổi 22 vợ chồng cụ Thư quyết định dọn lên thượng nguồn dòng Rào Cái để mưu sinh.

Những cánh đồng, đồi chè, cam, bưởi, thuốc lá bạt ngàn không cần rào giậu đã nuôi sống vợ chồng cụ cùng bầy con thảnh thơi.

“Khi chính quyền vận động di dời để làm hồ Kẻ Gỗ, mới nghe chủ trương nhà tôi tự nguyện di dời. Tôi về cầu Phủ mua lô đất giá 1.350 đồng để dựng nhà làm cu đơ bởi ước mơ của mình cũng là ước mơ trăm họ.

Ngày trước dân vùng hạ du này chẳng có nước để uống. Hàng ngàn hecta đồng ruộng khô cằn, bụi đỏ mù mịt” - cụ Thư nhớ lại.

Công việc nhà tạm yên, ông cụ cùng bà con chòm xóm kéo nhau lên xây hồ đắp đập. Cụ Thư kể lại: “Ngày đó cực lắm nhưng hăng hái vô cùng. Sáng tối ăn bo bo, sắn lát, vậy mà vẫn tay cuốc, tay xẻng, xà beng cùng nhau gánh vác”.

Con trai cụ Thư, ông Đặng Xuân Thy (62 tuổi), ngày đó cũng cùng cha lên tham gia phá đá, đào sỏi. “Ăn bo bo, cực khổ vậy nhưng sáng đi làm chiều tối về lại hát hò. Nữ đào đất, nam đẩy xe, mỗi ngày làm tám tiếng. Những ngày nắng tranh thủ làm đêm” - ông Thy kể.

 

Để tri ân các liệt sĩ đã nằm lại dưới lòng hồ, những người công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ đã xây một miếu tưởng niệm.
Để tri ân các liệt sĩ đã nằm lại dưới lòng hồ, những người công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ đã xây một miếu tưởng niệm.

“Hai lần hi sinh”

Một ngày cuối năm 2016, giữa tiết trời giá lạnh chúng tôi cùng các công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ ngược lên phía thượng nguồn. Những người vận hành hồ Kẻ Gỗ nói rằng nơi mà chúng tôi sắp đến là “nghĩa trang dưới lòng hồ.”

Trong tâm trí ông Phan Khắc Quỳnh, nguyên bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), dưới lòng hồ bây giờ ngày xưa có con đường 22, sân bay Li Bi, trạm xá dã chiến.

Vào những ngày cuối năm 1972, ở bên bờ Ngàn Mọ gần đường 22, sân bay Li Bi, trạm xá dã chiến liên tục bị kẻ thù đánh phá ác liệt. Người dân Cẩm Mỹ và bộ đội ta chịu hậu quả nặng nề, có đến 137 người hi sinh.

Ông Quỳnh kể ngày chiến tranh kết thúc, dân Nghệ Tĩnh bước vào cuộc chiến đấu với đói nghèo nên ngay cả việc tìm kiếm di dời hài cốt mồ mả của người thân, đồng đội trong lòng hồ đành tạm thời khép lại.

Ngày hồ Kẻ Gỗ tích nước, sân bay Li Bi, chứng tích một thời oanh liệt, đã nằm lại dưới lòng hồ.

Và những người lính hi sinh chiến trận năm xưa chưa kịp cải táng như hi sinh thêm lần thứ hai cho Tổ quốc để có dòng nước tưới cho dân mình được ấm no.

Bây giờ với những cựu binh như ông Quỳnh, hàng chục năm qua dưới lòng hồ nhiều hài cốt của bạn ông ngấm vào dòng nước mát cho mùa màng sinh sôi.

Vào đầu những năm 1990 khi dòng nước Kẻ Gỗ tràn đầy, áo cơm tạm no đủ, những cựu binh năm xưa trở về lòng hồ để tìm đồng đội.

Nhưng nơi ngày xưa các anh, các chị tuổi mười tám đôi mươi nằm lại là biển nước mênh mông nên cuộc tìm kiếm không hề đơn giản. Mãi đến đầu những năm 2000 sau khi có nhiều người dân đánh cá trong lòng hồ phát hiện những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, xã Cẩm Mỹ mới bắt đầu cho cất bốc.

Ông Quỳnh nói đến giờ chưa ai thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đã hi sinh trên tuyến đường 22, sân bay Li Bi và trạm xá dã chiến. Do nhiều lực lượng, đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhiều đoàn quân đến rồi lại đi.

Chiến tranh, lưu tán, đồng đội ở xa, khó khăn cách trở, chiến trường xưa đã chìm trong biển nước nên việc định hình danh tính từng người thật không dễ. Có bao nhiêu ngôi mộ của đồng chí, đồng đội đang ở dưới lòng hồ mà chưa thể đưa về?

Và rồi công việc tìm kiếm lại tiếp tục bằng sự miệt mài của các cựu chiến binh cùng nỗ lực đầy trách nhiệm của cơ quan quân sự địa phương.

Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên đã thành lập đoàn công tác đặc biệt để quy tập hài cốt các liệt sĩ hi sinh trên tuyến đường 22, sân bay Li Bi và trạm xá dã chiến thuộc vùng lòng hồ Kẻ Gỗ. Đến nay đã có 87 bộ hài cốt được đưa về nghĩa trang.

Để tưởng nhớ, tri ân những người đã hi sinh, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã dựng lên tại tuyến đường 22, bên lòng hồ, cạnh sân bay Li Bi năm xưa một miếu thờ để đồng đội, du khách thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Vậy là sau bao nhiêu năm nằm trong lòng hồ, bây giờ các liệt sĩ ấy đã được mai táng.

Theo tuoitre

Đánh thức Kẻ Gỗ

Ông Nguyễn Duy Hoàn, phó giám đốc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết hồ Kẻ Gỗ có vẻ đẹp thầm lặng, thanh tịnh cả bốn mùa. Không ít du khách trong và ngoài nước đã tự nguyện tìm đến đây để tận hưởng vẻ đẹp này.

Hồ Kẻ Gỗ len lỏi giữa các triền núi, bao quanh là những rừng cây ngút ngàn. Hồ tựa như chiếc gương khổng lồ soi bóng những rừng cây điệp trùng tỏa bóng mát quanh năm. Trên mặt hồ là những ốc đảo nhỏ với nhiều vẻ kỳ bí.

Hiện nay ngành du lịch Hà Tĩnh đang tập trung xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và các hệ thống dịch vụ để xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp có nhiều loại hình giải trí như đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá cùng các khu thể thao.

Theo đó sẽ xây dựng các vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh. Ông Hoàn cũng tin rằng những ý tưởng về dự án này một ngày không xa sẽ trở thành hiện thực.

Có thể bạn quan tâm