Phóng sự - Ký sự

Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ 4: Những ngày bão lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi mùa lúa bội thu đi qua người nông dân Hà Tĩnh càng biết ơn những thử thách khốc liệt mà người công nhân hồ Kẻ Gỗ đã ngày đêm “giữ nước” để đủ tưới tắm cho đồng ruộng.

Mùa xả lũ ở đập tràn hồ Kẻ Gỗ
Mùa xả lũ ở đập tràn hồ Kẻ Gỗ
"Ngày lũ đến mình tính toán, dự báo không kỹ là “chết” liền. Xả nước sớm quá, lỡ trời không mưa tiếp coi như vụ mùa năm sau bà con nông dân phải chịu cảnh khô hạn, mất mùa. Nhưng ngược lại nếu không xả, cố tích nước quá đầy đến khi mưa bão ập đến bất thường thì nguy cơ vỡ hồ cuốn trôi dân"-Trạm trưởng Trần Anh Tuấn


Với những người đang đảm trách việc vận hành hồ Kẻ Gỗ, cuộc đời của họ chỉ biết “lo nước cho dân mình”.

Giữ hay xả nước

Việc xả nước hay giữ nước hồ Kẻ Gỗ vào ngày mưa bão là cuộc tính toán đầy cam go. Ông Phan Đình Phòng, người con Hà Tĩnh đã gắn đời mình với hồ Kẻ Gỗ.

29 năm làm công nhân vận hành hồ Kẻ Gỗ, với ông Phòng mỗi mùa mưa lũ đi qua là một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên. Ngày mưa bão đến cũng như người lính ra trận vậy, họ xa vợ con, quân số dồn về ở hồ đập không thiếu một người.

Chúng tôi lên hồ Kẻ Gỗ vào chiều mưa lũ tầm tã cuối tháng 11-2016. Đứng trên thân đê nghe rõ tiếng nước ầm ầm từ khe suối dội về. Nhìn lên thượng nguồn, hồ Kẻ Gỗ trong phút chốc đã trở thành biển nước ầm ào.

Chiều tối, trong căn nhà đơn sơ nép bên triền đê, những người công nhân trạm thủy nông Kẻ Gỗ túc trực 100% quân số.

Ông Phòng tâm sự: “Mấy chục năm rồi chưa có mùa mưa lũ nào tôi được ở nhà với vợ con vì phải nằm lại ở hồ Kẻ Gỗ. Mình không có mặt lúc mưa bão ập đến thì vợ con ở nhà chống chọi rất khó nhọc. Anh em ở đây ai cũng cố khép lại thiệt thòi của gia đình để giữ cho Kẻ Gỗ bình yên. Chứ nếu hồ Kẻ Gỗ mà xảy ra sự cố thì không chỉ gia đình mình mà mạng sống hàng vạn dân quê bị đe dọa”.

Trời chập choạng tối, trên triền đê hồ Kẻ Gỗ những toán công nhân vẫn lăn lộn dưới cơn mưa rát mặt. Mỗi người mỗi việc, người xuống kiểm tra thân đê, người chăm chăm đo lượng nước về hồ. Còn trong sở chỉ huy, người trạm trưởng trẻ tuổi Trần Anh Tuấn đứng ngồi không yên.

Chàng trai trẻ chưa vợ con mặt căng thẳng cầm điện thoại để nhận tin báo về lượng mưa.

Lo lắng nhìn cơn mưa đang xối xả, Tuấn nói: “Ngày lũ đến mình tính toán, dự báo không kỹ là “chết” liền. Xả nước sớm quá, lỡ trời không mưa tiếp coi như vụ mùa năm sau bà con nông dân phải chịu cảnh khô hạn, mất mùa.

Nhưng ngược lại nếu không xả, cố tích nước quá đầy đến khi mưa bão ập đến bất thường thì nguy cơ vỡ hồ cuốn trôi dân. Cho nên ở đây anh em cán bộ công nhân ý thức được công việc mình mang vác có liên quan đến sinh mạng vài chục vạn người.

Không cho phép sự cẩu thả trong công việc, vì chỉ cần dự báo sai, tính toán không chuẩn xác là hậu quả đến tức thì và không lường hết”.

Đêm mưa bão có mặt ở hồ Kẻ Gỗ mới thấu hiểu được sự vất vả của người công nhân vận hành hồ. Dù đã được phân công kíp trực bảo vệ hồ nhưng đêm bão đến không ai dám nghỉ ngơi. Mưa dội xuống ầm ầm trong tiếng gió mạnh càng khiến người vận hành hồ không thể chủ quan.

Nửa đêm, ông Phòng cùng anh em công nhân chia nhau bám trụ bờ đê.

Ông Phòng nói: “Ngày mưa bão đổ về thì nhiệm vụ của anh em công nhân tụi mình là bám chặt thân đê. Có khi phải ăn ngủ cả tháng trời bên bờ đê. Những đêm mưa gió thế này tụi mình không dám ngủ, phải túc trực thay nhau kiểm tra kỹ từng cung đoạn mái đập, thân đập, ống cống, đo dung tích, cao trình chính xác.

Nếu có tình huống khẩn cấp thì hội ý chớp nhoáng với cấp trên qua bộ đàm, việc xả nước để bảo vệ an toàn hồ Kẻ Gỗ được thực hiện một cách nhanh chóng”.

Cứu đập là cứu dân

Ông Phạm Đăng Nhật-nguyên giám đốc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh (hiện là chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, đơn vị quản lý hồ Kẻ Gỗ), nói có trải qua những ngày tháng là người chỉ huy vận hành hồ trong mưa bão ông thấu hiểu sự hi sinh, vất vả của anh em vận hành.

Với họ, mỗi mưa mùa lũ tới như bước vào một cuộc chiến đấu.

Với ông Nhật, cuộc thử thách cam go và quyết liệt nhất là trận lũ lịch sử xảy ra tháng 10-2010.

Ông Nhật tâm sự: “Dấu ấn của trận lũ ấy cứ mãi in đậm trong tâm trí của tôi. Thời điểm đó, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng liên tiếp xảy ra hai trận lũ (lũ chồng lũ) có tổng lượng mưa rất lớn (2.031mm), chiếm 77% tổng lượng mưa bình quân nhiều năm của cả năm và có cường suất mưa lớn nhất từ trước tới nay. Lúc đó tổng lượng nước đổ về hồ Kẻ Gỗ là 385,2 triệu m3.

Để bảo đảm các mục tiêu trong quản lý vận hành hồ chứa nước ở điều kiện bất thường như thế, công tác điều tiết xả lũ hết sức căng thẳng và khó khăn, nhất là quyết định khối lượng xả, thời điểm xả”.

Ông Nhật nói trước nguy cơ vỡ đập, ngay lập tức tất cả lãnh đạo chủ chốt của Hà Tĩnh đã có mặt ở thân đập để chỉ huy ứng phó. Qua thực tế kiểm tra, họ đã đưa ra quyết định sáng suốt. Lúc đó phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là ông Lê Đình Sơn đã yêu cầu xả lũ ở mức nước vừa phải, và phải xả trong thời gian dài.

Tận dụng thời điểm đó triều cường từ biển xâm nhập vào hạ du ở mức thấp nhất, các vùng ở hạ du chưa bị ngập, nước xả từ Kẻ Gỗ đổ về thoát ra biển rất nhanh.

Ngoài ra, để xả lũ chủ động tránh gây bất ngờ cho dân, thông tin báo việc xả nước được thông báo đến tận dân trước sáu tiếng để họ chủ động ứng phó.

Để đưa ra quyết định xả nước, sở chỉ huy đã ra lệnh cập nhật đầy đủ thông tin về diễn biến trận lũ, lượng mưa, thủy triều, mực nước đo tại các trạm... đồng thời vận dụng tối đa các thông số, đặc tính, dung tích hồ chứa, kịp thời xử lý thông tin, số liệu thực tế để tính toán đưa ra phương án về lưu lượng xả lũ thực và thời gian xả thực một cách hết sức khoa học, linh hoạt để tham mưu điều tiết xả lũ.

“Chính việc điều tiết lũ kịp thời đã tránh được một thảm họa. Sau trận lũ lịch sử, điều mừng nhất là những vùng dân cư gần địa phận hạ du hồ Kẻ Gỗ tuy có ngập nhưng không sâu, không có xã nào bị thiệt hại lớn về người và tài sản.

Chính vì vậy mà nhân dân ở vùng phụ cận hồ Kẻ Gỗ rất ghi nhận việc đơn vị linh hoạt, khoa học, quyết đoán, xả lũ vừa cứu được đập lại cứu được dân, vừa tích đủ nước phục vụ nhân dân”-ông Nhật nói.

Hồ Kẻ Gỗ trước khi xảy ra trận lũ lịch sử tháng 10-2010, mức nước trong hồ đã ở cao trình 26,54 mét, tương đương trong hồ đã tích giữ sẵn một lượng nước là 192,8 triệu m3.

Về tổng lượng nước đổ về lòng hồ Kẻ Gỗ tổng cộng 385,2 mét triệu m3, cộng với lượng nước đã có sẵn, hồ Kẻ Gỗ phải chịu sự uy hiếp của một khối lượng nước vô cùng lớn là 578 triệu m3 (trong đó dung tích thiết kế của hồ Kẻ Gỗ chỉ là 345 triệu m3), nghĩa là chúng ta phải xả xuống hạ du ít nhất 233 triệu m3 nước.

Theo ông Nhật, với tổng lượng lũ, lưu lượng đỉnh lũ khủng như vậy, thời gian tập trung lũ nhanh của trận lũ lịch sử, nếu chúng ta điều tiết xả lũ không kịp thời thì nước có thể không những làm vỡ tràn sự cố, làm vỡ đập hồ Kẻ Gỗ mà sẽ tràn vượt lên trên đỉnh đập với mức cao nhất khoảng 3,4 mét và vấn đề thảm họa sẽ xảy ra ở hạ du không thể lường trước được.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm