Phóng sự - Ký sự

Chuyện xóm chợ Nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- So với 90 năm tuổi của đô thị Pleiku, xóm chợ Nhỏ cũng được hình thành khá sớm, khoảng năm 1950-1960 của thế kỷ XX. Tuy không phải ngôi chợ đầu tiên, nhưng chính những thứ đầu tiên xuất phát từ xóm chợ Nhỏ này đã góp phần kiến tạo nên dáng vẻ cho đô thị Pleiku ngót 1 thế kỷ hình thành, phát triển, minh chứng cho câu nói nổi tiếng của một Thủ tướng Anh Churchill: “Chúng ta đã dựng nên thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta”.

Thành phố Pleiku có bao nhiêu xóm, bao nhiêu cái chợ chẳng rõ. Nhưng hễ nhắc tới “Xóm chợ Nhỏ” thì phàm là người Pleiku không ai không biết. Người kín tiếng thì giữ suy nghĩ trong lòng, còn người bạo miệng hễ nhắc tới chốn này thì chép miệng: “Dân chợ Nhỏ hả, chắc dữ dằn lắm!”.  Dân chợ Nhỏ có “dữ dằn” thật không, vì sao xóm chợ này lại nổi lên giữa bao nhiêu địa danh, bao nhiêu tên xóm, tên làng như vậy? Khi đi tìm lời giải cho những thắc mắc này, chúng tôi phát hiện thêm vô số điều thú vị.

 

Những hàng quán nằm san sát ngay đầu đường vào xóm chợ Nhỏ hiện nay. Ảnh: H.N
Những hàng quán nằm san sát ngay đầu đường vào xóm chợ Nhỏ hiện nay. Ảnh: H.N

Nghề cũ, người xưa

Xóm chợ Nhỏ nằm trên con hẻm 62 đường Lê Lợi, nay có tên là đường Phùng Hưng, dài chưa tới 1 km. Cuối đường là con suối Hội Phú chắn ngang. Ngay đầu đường vào xóm là một loạt quán ăn bình dân nằm san sát. Chiều chiều, dân Phố núi đổ về con đường này ăn hàng, xe nối xe đông kín cả đoạn đường, đặc biệt là ở các quán bún cua.

Chưa biết những quán bún này có liên hệ gì với nghề làm bún của xóm chợ Nhỏ hay không, nhưng nơi đây từng là nơi xuất hiện những lò bún đầu tiên, cung cấp bún tươi cho cả thị xã Pleiku những năm trước và sau giải phóng. Có hẳn một “xóm lò bún” ở khu vực gần cuối đường. Ông Nguyễn Quang Hiền-một lưu dân của xóm chợ, lưu trú từ những năm 1960 thế kỷ trước kể: “Nghề làm bún là nghề lâu đời và có đầu tiên ở xóm chợ này. Có hàng chục gia đình làm nghề bún ở đây. Họ đều là những người gốc Bình Định, có họ hàng với nhau. Hồi đó nghề bún làm hoàn toàn thủ công chứ không có máy móc như bây giờ. Cứ chiều tối là chúng tôi bắt đầu nghe tiếng cối chày giã thình thịch. Nhiều năm sau tôi vẫn luôn nhớ âm thanh ấy như nhớ về điều gì đó rất thân thuộc của tuổi thơ nơi xóm nghèo”.

Nghề làm bún khá vất vả do các công đoạn xay gạo, vắt bún đều từ sức người, nhưng các gia đình làm nghề này khá sung túc, có của ăn của để. Thế nhưng, một nơi từng là lò cung cấp bún tươi cho thị xã giờ chỉ còn vẻn vẹn 2 gia đình bám trụ.

Lò bún lớn nhất hiện nay ở xóm chợ Nhỏ là của gia đình ông Mười Cho ở số 79 Phùng Hưng. Ông cho biết, ông xuất thân chỉ là một thợ làm bún thuê cho các lò bún lâu đời ở xóm chợ Nhỏ. Khi họ nghỉ làm, ông bèn mua lại toàn bộ đồ nghề, cùng với kiến thức tích lũy được sau bao nhiêu năm làm thuê về mở lò bún từ những năm 1990 cho tới giờ. Ông kể: “Gia đình tôi đến ở cuối xóm chợ Nhỏ từ những năm 1966. Nhà tôi có 10 anh em, gần như đông con nhất xóm. Tôi là con thứ 10 được bố mẹ đặt tên Cho, nên “chết” cái tên Mười Cho từ nhỏ. Sau giải phóng, tôi đi làm thuê cho các lò bún, kiếm công mỗi ngày 1 ký gạo. Sức vóc thanh niên mà nhiều khi còn chịu không nổi vì công việc quá cực nhọc. Nhưng nhờ đó, sau này ra mở lò bún, tôi đã đủ kinh nghiệm để làm ra những sợi bún tươi ngon không thua kém các lò bún lâu năm. Từ năm 2005 trở đi, ở Pleiku xuất hiện những chiếc máy làm bún đầu tiên, đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ làm thủ công tốn sức, mà năng suất chỉ bằng 1/10 so với làm máy”.

 

Một góc chợ Nhỏ xưa (ảnh do ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm).
Một góc chợ Nhỏ xưa (ảnh do ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm).

Chuyện xuyên thời

Nước sạch, cho đến nay vẫn là câu chuyện “xuyên thời” của người dân xóm chợ Nhỏ này. “Nghề làm bún cần rất nhiều nước, vì thế mà người dân chọn ở khu vực gần suối để gánh nước cho gần. Đó là lý do vì sao nguyên một xóm lò bún lại quây quần phía cuối đường, gần khu vực suối Hội Phú”-ông Mười Cho giải thích thêm. Nghề bún cũng sinh ra một đội ngũ lao động khá đặc biệt, đó là nghề gánh nước thuê. Cất công đi tìm những người “muôn năm cũ” của nghề chỉ tồn tại trong một giai đoạn này như bà Hai, ông Có, ông Của… chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Họ chết cả rồi”. May mắn thay, Đại đức Thích Thông Đạt-Trụ trì chùa Quang Minh, ngôi chùa đầu tiên hình thành ở xóm chợ Nhỏ này, nói ông còn biết 1 người: ông Trần Của-một người gánh nước thuê trứ danh, để lại bao câu chuyện thú vị tới giờ vẫn được lớp hậu thế kể lại. Ông hiện vẫn còn sống, nơi xóm chợ Nhỏ này.

Sau những khúc rẽ ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ đường Phùng Hưng, chúng tôi mới tìm được nhà ông Trần Của. Một cụ già vóc dáng nhỏ bé, tóc bạc phơ, ngồi gối đầu trên những chiếc gối xếp chồng, một bên chân phải băng trắng toát sau ca mổ thông tắc động mạch, còn bàn chân trái cụt đến trên mắt cá. Ông làm tôi hụt hẫng đôi chút bởi nghe nhiều câu chuyện xoay quanh cuộc đời ông trước đó: rằng ông có sức vóc hơn người; dáng người thấp đậm, ăn khỏe gấp 4 lần người bình thường và gánh nước cũng gấp 2-3 lần những người khác. Có người còn kể, ông khổ đến nỗi luôn phải làm việc nhiều gấp đôi bình thường mới đủ kiếm gạo nuôi vợ và 4 đứa con. Người ta còn thấy ông vừa gánh nước vừa... ngủ nhưng chân vẫn đi thoăn thoắt…

Ở tuổi 87, tuy hơi lãng tai nhưng ông Trần Của có một trí nhớ tuyệt vời. Ông kể: “Tôi ở quê Bình Định lên đây từ những năm 1960, làm nghề gánh nước thuê cho xóm này từ hồi đó, chủ yếu cho các lò bún. Mấy chục năm trước suối Hội Phú đầy lau lách ven bờ, nước rất sạch. Cứ hễ mưa xuống là đục ngầu, nhưng để vài hôm nước lắng trong trở lại người ta có thể sử dụng được. Sau này dân đông dần lên, nước thải sinh hoạt đổ hết về đây, các gia đình làm bún bắt đầu phải đào giếng. Tôi lãnh luôn công việc này, rồi hàng ngày quay nước đổ đầy các thùng phuy cho các gia đình. Rất nhiều giếng nước ở xóm này có bàn tay tôi đào xới. Năm 1975, khi Gia Lai vừa giải phóng, tôi giẫm phải mìn ở khu vực phi trường (nay là Sân bay Pleiku) cụt mất bàn chân trái. Từ đó, tôi chỉ đi làm công quả cho các chùa trên địa bàn thị xã, không làm được việc nặng nữa”-ông kể.

Cũng theo ông Của, nước giếng ở khu vực xóm chợ Nhỏ rất trong và ngọt nên làm ra những sợi bún ngon có tiếng thời ấy. Cũng vì lẽ đó mà hiếm có nơi nào, nằm giữa trung tâm thành phố, mà người dân lại làm ngơ với nước máy như ở xóm chợ Nhỏ này. Nhưng dân xóm chợ mỗi ngày mỗi đông, từ chỗ chỉ vài chục nóc nhà với mấy trăm dân nay số dân đã tăng gấp nhiều chục lần. Nước sinh hoạt trở thành vấn đề nóng cho cả xóm. Suối Hội Phú đoạn qua xóm chợ Nhỏ đã chính thức bị “khai tử”, hiện đang được đổ đất chuẩn bị cho một dự án của thành phố. Nước giếng bị ô nhiễm, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt. Trong khi đó, mới chỉ 1/3 số hộ trong xóm-khu vực gần đường Lê Lợi có nước máy. Riêng khu vực từ giữa đến cuối đường đoạn gần suối, nước máy vẫn chưa đến được các gia đình vì nhiều lý do.

“Giải oan” cho người xóm chợ

Khi tìm hiểu để viết bài này, tôi đã gặp khá nhiều người ở xóm chợ Nhỏ, từ bà bán bún đầu đường, ông chủ lò bún, hay những con người sống xuyên thời nay đã gần đất xa trời. Chính họ đã xóa tan sự nghi ngại cho chúng tôi bằng sự chất phác từ giọng nói, ánh mắt. Họ dữ dằn đâu không thấy, chỉ thấy đó là những người hiền khô, còn nguyên cái chất quê kiểng của người Bình Định mấy chục năm vẫn còn đậm đà, không lẫn vào đâu. Vậy cái sự “dữ dằn” mà người ta nghĩ về người dân xóm chợ Nhỏ do đâu mà ra? Đem thắc mắc này hỏi Đại đức Thích Thông Đạt, ông cười hiền từ: “Tôi lên xóm chợ Nhỏ này chỉ vài ngày sau giải phóng tỉnh Gia Lai và chuẩn bị chiến thắng 30-4 lịch sử. Đó là khoảng thời gian tràn đầy khí thế chiến thắng nhưng cũng còn đầy biến động trong đời sống. Tuy vậy, phần đông những người ở xóm chợ Nhỏ này lại là dân quê gốc Bình Định, họ hiền lành từ bản chất. Cuộc sống sau giải phóng tràn ngập khó khăn, nên họ chỉ biết cần cù lao động. Ai nói họ gì cũng chỉ dạ, ít có sự phản kháng. Nhưng như dân gian nói “hiền quá hóa dại”, các thành phần giang hồ, bợm bãi thấy dân xóm hiền lành nên dạt về đây ngày mỗi đông vì không bị xua đuổi như những khu dân cư khác”. Theo vị sư trụ trì, vì lẽ đó mà có một thời kỳ, nói về “tứ đổ tường” (4 cái xấu: rượu, phụ nữ, cờ bạc, hút chích) xóm chợ Nhỏ không thiếu món gì. Tiếng xấu ấy cứ thế đeo bám bao thế hệ người dân cho đến tận hôm nay dù cuộc sống đã được “thanh lọc” rất nhiều.

Suy nghĩ này của thầy trụ trì có phần tương đồng với cách lý giải của ông Nguyễn Quang Hiền, ông Mười Cho. Chỉ cho chúng tôi cảnh những người đang làm việc chăm chỉ trong lò bún, ông Mười nói: “Nếu thanh niên đều có việc làm như những người ở đây, họ lấy thời gian đâu để tụ tập chơi bời, rồi sinh ra gây rối”. Cái tiếng “dân chợ Nhỏ” nổi lên sau giải phóng nhưng “vĩ thanh” ấy sau này vẫn được một số người, nhất là những thanh niên xóm khác vỗ ngực tự xưng cho oai, khiến người ta nghĩ sai về người dân xóm chợ.

Hơn nửa thế kỷ hình thành, những xóm chợ như chợ Nhỏ Lê Lợi đã góp phần làm nên sắc vóc cho đô thị. Còn đó những câu chuyện không nhiều người muốn nhắc tới nhưng tôi tin, một lớp người đã dám từ giã quê cũ để bắt đầu một cuộc sống nơi đất lành này, lớp cháu con hẳn có lý do để viết tiếp những câu chuyện về sự gầy dựng, kiến tạo trên tinh thần của tiền nhân: để bắt đầu một giấc mơ không bao giờ là quá muộn.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm