Phóng sự - Ký sự

Cổ Cò vạn dặm…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuyến sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam kỳ thực chỉ dài chưa đầy 20km, thế nhưng hành trình để dòng sông phục sinh sau bao năm vẫn nghe xa xôi như vạn dặm…
Khung cảnh thường thấy với các dự án dở dang bên dòng sông Cổ Cò chưa nạo vét xong. Ảnh: Q.T

Khung cảnh thường thấy với các dự án dở dang bên dòng sông Cổ Cò chưa nạo vét xong. Ảnh: Q.T

Những lời hứa bỏ lại

Loáng một cái đã hết nửa năm 2023, thời gian cũng vùi vào cát những lời cam kết về tiến độ phục sinh dòng sông Cổ Cò.

Trong số những “lời hứa” mà các bên liên quan ký kết thực hiện vào một ngày cuối năm 2021, chỉ có việc bàn giao mặt bằng toàn bộ cầu Ông Điền là về đích vượt thời hạn. Phần còn lại, đã 6 tháng hoặc hơn một năm trôi qua nhiều “lời hứa” vẫn ngủ quên theo con nước của dòng sông này.

Thực ra, những động thái cố gắng lay thức nhịp thở của Cổ Cò vẫn luôn thường trực nhưng con đường thông dòng của sông cũng dùng dằng tựa như số phận thăng trầm trăm năm của Cổ Cò.

Tại cuộc họp liên quan đến dự án này vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay: “Việc nạo vét luồng từ cầu Ông Điền cũ đến cầu Nghĩa Tự vẫn bế tắc. Điện Bàn cần ưu tiên hoàn thành giải phóng các thửa trong phạm vi nạo vét luồng trước để đơn vị có mặt bằng thi công.

Có hai lý do khiến người dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù là giá đền bù thấp và có một số thửa vướng đến khu tái định cư cũ chưa kiểm kê xong. Đơn vị kỳ vọng đến cuối tháng 10 sẽ có hết mặt bằng để thi công. Từ nay đến cuối năm thời gian cũng không còn nhiều nhưng cơ quan chức năng cũng cần đặt ra mốc để quyết tâm thực hiện nếu không sẽ rất khó hoàn thành”.

Đặt quyết tâm là vậy nhưng ai cũng hiểu rằng không có cơ sở gì đảm bảo tiến độ nêu ra lần này sẽ không lỡ hẹn. Trong cuộc trà dư tửu hậu, cư dân địa phương vẫn hay bông đùa với nhau về điệp khúc “chậm tiến độ” quen thuộc của những điều liên quan đến dòng sông thấm đẫm giá trị văn hóa - lịch sử này đến nỗi như một sự mặc định.

Từ việc nạo vét, cầu cống đến hàng loạt dự án đô thị - du lịch hứa hẹn về viễn cảnh sông Cổ Cò sau thông dòng đều chậm tiến độ hay xin gia hạn. Một thập kỷ qua, tên của dự án nạo vét, chủ đầu tư các tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng rồi chủ sở hữu của nhiều dự án đắt giá dọc theo bờ sông đã đổi thay nhiều bận, chỉ có những vạt bèo, nổng cát khô khốc vẫn im lìm ở lại cùng dòng sông chảy thầm bên dưới.

Việc xác định chủ các thửa đất để phục vụ nạo vét sông Cổ Cò đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Q.T

Việc xác định chủ các thửa đất để phục vụ nạo vét sông Cổ Cò đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Q.T

Tản bộ dọc bờ sông, cách một quãng lại rải rác bắt gặp mấy ống cống bê tông nằm phơi trên ụ cát hay một chiếc xe ủi đóng máy chỏng chơ bên hàng rào nhà ai. Khi những lần lỗi hẹn đã trở nên thường lệ cũng là lúc những lớp cư dân bao đời cư ngụ bên dòng Cổ Cò không còn thấy hụt hẫng khi đón nhận nó nữa.

Bà Đinh Thị Bích (trú khối Hà My Trung, phường Điện Dương, Điện Bàn) kể: “Mấy năm trước có lúc công trình khu nghỉ dưỡng ngay trước nhà làm cả ca đêm, đến gần khuya vẫn nghe tiếng máy, tiếng người thi công nhiều lúc rầm rầm ngủ không được nhưng thấy cũng khấp khởi. Rứa rồi cuối cùng để lại đến nay chỉ là những khối nhà hoang lạnh dang dở dần xuống cấp theo thời gian”.

Bà Bích kể thêm rằng, trước đây phần đất của cha mẹ chồng mình nằm trong khu vực triển khai dự án khu nghỉ dưỡng này nên đã được giải tỏa để bố trí đến nơi ở mới, còn nhà bà ở phía bên kia đường lại thuộc một dự án đô thị khác nhưng ì ạch mãi không chuyển động gì nên vẫn mắc kẹt tại đây. Nói là mắc kẹt bởi dù đã là lên phố lâu rồi nhưng khu vực này vẫn chưa có đường sá tươm tất để đi lại vì… vướng quy hoạch.

Đích đến dằng dặc

Quay lại với mớ bòng bong trên dòng Cổ Cò, lâu nay trên địa bàn tỉnh không ít dự án cầu cống thi công lưng chừng rồi “đắp chiếu” nhưng “đứng bánh” ngay từ lúc chưa bắt đầu dù kinh phí, nhân vật lực thi công không thiếu như dự án cầu Nghĩa Tự thì quả là hiếm hoi.

Đã hơn một năm từ lúc tỉnh phê duyệt dự án nhưng cây cầu này vẫn chưa rục rịch. Thậm chí hợp đồng ứng tiền để triển khai dự án hết hạn và đã được gia hạn lại nhưng vẫn không thi công được.

Mấu chốt vẫn là chuyện mặt bằng. Không phải là người dân không muốn rời đi. Mới đây, một số hộ “cấn” ở ngay khu vực mố cầu đã chủ động xin ứng tiền trước và cam kết bàn giao sớm mặt bằng. Hộ nhanh thì 20 ngày, hộ lâu hơn thì cũng trong vòng 30 ngày là có mặt bằng “sạch”.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay: “Nút thắt khiến dự án này chưa thể tập kết vật liệu khởi công là vẫn còn 1 hộ thuộc diện không được giao thêm đất tái định cư vì trước đó đã có đất ở khác trên địa bàn phường do mẹ của người này chia lại”.

Lý giải từ cơ quan chức năng về sự oái oăm này là chỉ cần người mẹ của ông C. khoan hãy chia cho ông một lô đất cùng ở trên địa bàn phường trước khi tiến hành bồi thường dự án cầu Nghĩa Tự thì mặc nhiên là ông C. đã được bố trí thêm lô đất tái định cư từ việc giải tỏa của nhà mình.

Nghe thì xuôi nhưng tuổi tác, thời gian đâu có chờ đợi được những dùng dằng triền miên trên dòng sông này. Và hẳn là người dân cũng không thể nào tường tận được cơ sự như bây giờ để mà toan tính.

Ông Hà phân tích thêm: “Thực ra trong ngôi nhà mà ông C. sống có thêm 2 người con gái đã có gia đình và họ không có nhà, đất nào khác. Do đó trường hợp này có thể xem là đặc biệt và có thể vận dụng đề xuất được tiếp tục giao lô thứ 2, thu 100% tiền sử dụng đất để con cái họ đảm bảo an cư nhưng ở thẩm quyền UBND cấp huyện thì chỉ có thể trình tỉnh xem xét giải quyết”.

Xét rộng ra toàn dự án, chính quyền vẫn loay hoay tìm quỹ đất tái định cư cho hàng chục hộ trên toàn tuyến bị ảnh hưởng. Để có đất tái định cư thì lại phải tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực khác, cụ thể là 5 hộ dân ở khu dân cư Thống Nhất gần đó nhưng các hộ này vẫn chưa… thống nhất.

Một giải pháp khác là xây khu tái định cư mới, có vẻ phương án này cũng không khá hơn khi theo lời Bí thư Thị ủy Điện Bàn Phan Minh Dũng là muốn hình thành một khu như vậy trong điều kiện mọi thứ suôn sẻ cũng phải mất ít nhất là 2 năm. Thế là một vòng luẩn quẩn bị động về quỹ đất phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư cứ thế tiếp diễn.

Dân vùng này ai cũng biết nhìn rộng ra toàn dự án, dù là ở chân cầu, trên bờ hay dưới nước cũng đều vấp phải lắm chuyện dở khóc dở cười. Nào là có những thửa trồng dừa nước đến bây giờ đơn vị bồi thường vẫn chưa tìm được ai là chủ. Rồi có thửa chủ sở hữu một đằng, người canh tác một nẻo tranh cãi ì xèo.

Tếu táo hơn là có những trường hợp đến cơ quan chức năng cũng chưa xác định rõ là đã bồi thường hay chưa vì có sự chuyển tiếp của các đơn vị thực hiện. Những rối rắm này cứ mải miết làm Cổ Cò “ngái ngủ” cùng nắng mưa mặc cho những lay động, thao thức.

Mới đây dự án thành phần Nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh gia hạn đến hết năm 2023. Sáu tháng còn lại của năm nay chỉ là một quãng ngắn trong chuỗi tháng ngày khắc khoải đã qua của đất và người bên dòng Cổ Cò.

Kể ra, hầu khắp thông số liên quan đến dự án này cơ quan chức năng đều có thể toan tính, đong đếm được. Duy chỉ có thời điểm để con nước ở hai đầu sông của phố hòa cùng nhau thì dằng dặc. Những ước vọng, hứa hẹn xán lạn về dòng sông của mai sau lắm lúc khiến cho mọi thứ tưởng như đã ở rất gần, kỳ thực một Cổ Cò tái sinh như trăm năm cũ vẫn còn là viễn cảnh…

Có thể bạn quan tâm