(GLO)- Là một cô gái Huế, luôn mong muốn làm cái gì đó cho quê hương mình, cô chủ trẻ Phạm Thị Khánh Tâm, ở phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) đã tạo ra được một thương hiệu rượu làng Thủy Dương đặc trưng chỉ riêng đất cố đô mới có. Ngoài ra cô còn nuôi ý định sản xuất thêm những mặt hàng truyền thống để khách du dịch có nhiều chọn lựa đặc sản làm quà biếu người thân mỗi lần đến với Huế.
Vượt qua thành kiến
Tốt nghiệp Trường đại học Kỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghệ chế biến thực phẩm, nhưng cô sinh viên trẻ Phạm Thị Khánh Tâm được một công ty may mặc của Hàn Quốc tuyển dụng làm thư ký. Ở vị trí trái ngành này, Tâm có cơ hội đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều người, được tiếp xúc với nhiều loại rượu nổi tiếng và lạ. Tâm rút ra một điều rằng: Rượu gạo là thức uống ngon nhất trong các loại rượu, bởi nó có vị ngọt, bùi, thơm nồng đặc trưng của gạo. Từ đó, Tâm nuôi ý định trở về quê để mở cơ sở sản xuất rượu gạo, để vừa phát huy kiến thức chuyên môn, vừa giúp quê hương có thêm một đặc sản mới.
Khánh Tâm đang hướng dẫn nhân viên dán tem cho sản phẩm. |
Nghe ý định, ông bà, bố mẹ của Tâm phản đối dữ dội nhất là mẹ của Tâm. Nhiều lần khóc lóc khuyên con gái từ bỏ ý định, song Tâm vẫn kiên quyết theo đuổi ước mơ. Để vượt qua định kiến xã hội, nhất là lúc mới vào nghề, Khánh Tâm đã trải qua không ít khó khăn. Một mình vừa sản xuất, vừa tìm kiếm thị trường, vừa đăng ký nhãn hiệu…
Tâm ví khó khăn lúc đó của mình “Vừa chiến đấu với thành kiến của mọi người bên ngoài, lại phải xoa dịu bố mẹ bên trong”. Tâm chia sẽ: “Lúc mới đưa sản phẩm ra thị trường, hầu như không đầu mối nào nhận. Tôi chỉ còn cách gửi liều tại một số hàng quen. Dù đêm khuya, khách hàng gọi đặt hàng với số lượng nhỏ tôi cũng đem đến tận nơi”. Với cách làm này, dần dần, rượu gạo làng Thủy Dương do Tâm sản xuất được khách hàng biết đến. Hiện, Khánh Tâm đang đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở sản xuất rượu gạo làng Thủy Dương, để trả cơ sở cũ lại cho bố mẹ.
Hỏi nguyên do tại sao muốn sản xuất, chế biến hàng đặc sản, Khánh Tâm thú thật: “Tôi là người Huế. Mà cụ thể là con gái làng Thủy Dương. Cũng như cái tên rượu gạo làng Thủy Dương, tôi muốn tạo cho mình một thương hiệu để khi người ta thấy sản phẩm sẽ biết đến quê hương mình. Đây là cách tôi tri ân với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình”.
Thêm nhiều đặc sản…
Từ một cơ sở nhỏ lẻ ban đầu, với sự nỗ lực của bản thân, Phạm Thị Khánh Tâm đã dần khẳng định thương hiệu rượu gạo làng Thủy Dương trên thị trường. Hiện, rượu gạo làng Thủy Dương đã có mặt ở các tỉnh, TP từ Hà Nội, Hải Phòng đến Quảng Trị, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Không trực tiếp nấu mà thu mua từ các hộ dân nhỏ lẻ rồi tiếp tục ủ men mới, nên cơ sở luôn đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động trực tiếp, với mức thu nhập từ 1,7-3,5 triệu đồng/người/tháng, Khánh Tâm còn giải quyết việc làm cho khoảng 200 hộ dân làm nghề nấu rượu ở các địa phương như An Truyền, Hương Vân, Vinh Thanh… bằng cách thu mua sản phẩm của họ. Chị Trần Thị Thúy, một nhân công cho biết: “Trước đây tôi chẳng có công việc gì, quanh năm nhờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế gia đình rất chật vật, hơn hai năm tôi vào làm ở đây, mỗi tháng thu nhập gần 4 triệu đồng, ngoài trang trải đầy đủ cuộc sống hằng ngày thì vẫn còn dư một ít, với lao động chân tay ở quê vậy là dư giả rồi…”.
Trong năm 2010, rượu gạo làng Thủy Dương đoạt giải ba trong cuộc thi hàng lưu niệm Huế. Trước đó, rượu gạo làng Thủy Dương cũng đoạt Huy chương vàng và danh hiệu thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng; Huy chương vàng và chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn; Top 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam…
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Khánh Tâm khẳng định: “Tôi còn nhiều việc muốn làm, nhưng chủ yếu vẫn là thực hiện bằng được ý định sản xuất, chế biến thêm nhiều đặc sản cho Huế”. Khánh Tâm dự định sẽ chế biến thêm tôm chua, mắm ruốc… để bán cho khách du lịch khi xây dựng, liên kết được tuor du lịch trong và ngoài nước để từ đó có thể xuất khẩu ra nước ngoài. “Nếu chế biến tôm chua, mắm, ruốc…, tôi sẽ đăng ký thương hiệu riêng. Bởi lâu nay, tôm chua Huế nổi tiếng nhưng chưa có thương hiệu nào được khẳng định. Khách du lịch đến Huế và ngay cả người bản địa cũng lúng túng trong việc giới thiệu và chọn sản phẩm uy tín để làm quà”, Tâm chia sẽ thêm.
Quang Sang