Phóng sự - Ký sự

Cô giáo H'Rê 7 năm gieo chữ ở vùng cao xứ Nẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dù công tác tại nơi có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng 7 năm qua, cô Đinh Thị Hồng Linh (27 tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số H'Rê) vẫn miệt mài gieo chữ ở những bản làng vùng cao của huyện An Lão (tỉnh Bình Định).

Trường mẫu giáo An Dũng đa phần học sinh là con em của đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn và còn nhiều thiếu thốn, nên hầu hết phụ huynh ít quan tâm đến việc đưa con đến gửi ở các trường mẫu giáo. Chính vì thế mà với các giáo viên ở đây như cô Linh, điều khó khăn nhất là vận động học sinh tích cực tới trường.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp lớp 12, gia đình khó khăn nên cô Linh không có ý định học đại học mà tìm việc để phụ giúp ba mẹ. Tuy nhiên, chính ba mẹ lại động viên cô phải đi học để có nghề nghiệp ổn định, ở nhà ba mẹ sẽ cố gắng xoay xở. Sự động viên của ba mẹ tiếp thêm động lực cho cô gái nhỏ H’Rê.


 

 Cô Đinh Thị Hồng Linh miệt mài gieo con chữ ở những bản làng vùng cao huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Ảnh: A.L
Cô Đinh Thị Hồng Linh miệt mài gieo con chữ ở những bản làng vùng cao huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Ảnh: A.L


Cô Linh lúc bấy giờ chọn học Cao Đẳng Sư phạm Trung ương I chuyên ngành mầm non tại Hà Nội với mong muốn có thể gieo chữ cho những đứa trẻ H’Rê khắp bản làng, để thay đổi cuộc đời chúng nhờ con chữ.

“Cuộc sống xa nhà lúc đầu với tôi rất khó khăn, lúc đó, tôi vừa đi học và đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí. Tuy mệt nhọc nhưng tôi cũng rất vui vì có thể giúp ba mẹ đỡ phần nào gánh nặng” – cô Linh nhớ lại.

Gần kết thúc năm 3, trong kì thực tập tốt nghiệp, cô Linh đã chọn về Trường Mầm non huyện An Lão để dạy các em. “Khi bước vào trường, tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Các cháu ở đây rất dễ thương, khi các cháu cất tiếng “chúng con chào cô ạ”… tôi không nói được lời nào chỉ biết nhìn các cháu rồi cười trong hạnh phúc” – cô Linh xúc động nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp, năm 2013, cô Linh được Phòng GD&ĐT huyện An Lão phân về công tác tại Trường mẫu giáo An Dũng - nơi cô đang sinh sống.


 

 Cô Linh phải luôn tìm mọi cách vừa dạy, vừa “dỗ” các em học sinh đến trường. Ảnh: A.L
Cô Linh phải luôn tìm mọi cách vừa dạy, vừa “dỗ” các em học sinh đến trường. Ảnh: A.L



An Dũng là một xã miền núi có điều kiện kinh tế còn khó khăn của huyện An Lão, đa số người dân sinh sống đều là dân tộc thiểu số (người H’Rê) chủ yếu làm nông, học vấn còn hạn chế.

“Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên về công tác ở trường. Vì không đủ phòng học nên nhà trường phải tổ chức các lớp học tạm ở nhà văn hóa thôn hay phòng công vụ của trường tiểu học. Dù khó khăn, nhưng tôi luôn động viên cha mẹ các em đừng để các em dang dở việc học. Chính niềm vui, sự thích thú trên gương mặt các em mỗi ngày đến trường là động lực giúp tôi cố gắng mỗi ngày” - cô Linh nói.

Cô Linh thường xuyên luân chuyển giữa các điểm trường, trước là ở xã An Vinh, sau là về xã An Trung và hiện là xã An Dũng. Mỗi điểm trường có đặc điểm riêng nhưng đều là ở vùng khó khăn, học sinh đều là người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn.

Năm 2020, Trường Mầm non An Dũng được chuyển về Khu tái định cư hồ Đồng Mít nên điều kiện cơ sở vật chất đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Ở đây, việc dạy chữ cho các em không đơn thuần là dạy đánh vần, tập viết. Vì học sinh là người dân tộc thiểu số nên các thầy cô phải luôn tìm mọi cách vừa dạy, vừa “dỗ” các em học sinh đến trường.


 

Chính niềm vui, sự thích thú trên gương mặt các em mỗi ngày đến trường là động lực giúp Linh cố gắng mỗi ngày. Ảnh: A.L
Chính niềm vui, sự thích thú trên gương mặt các em mỗi ngày đến trường là động lực giúp Linh cố gắng mỗi ngày. Ảnh: A.L


Qua trò chuyện, cô Linh kể không ít câu chuyện rơi nước mắt của nhiều học trò nghèo, kiên trì tới lớp. “Khi trời mưa nước sông lớn hay ba mẹ các em bận đi làm rẫy không kịp đón con, tôi phải cõng từng em lội sông về. Cuộc sống của người dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn nên tôi luôn mong các em đi học đến nơi đến chốn. Các thầy cô giáo ở đây cũng đều hết lòng hỗ trợ các em” - cô Linh chia sẻ.

Cô Trần Thị Bích Phượng – Hiệu trưởng Trường Trường mẫu giáo An Dũng nhận xét: “Cô Linh rất nhiệt tình trong công tác chăm sóc trẻ, ngoài ra cô còn rất năng nổ trong công tác vận động, tuyên truyền phụ huynh đưa trẻ tới trường”.

https://laodong.vn/nguoi-viet-tu-te/co-giao-hre-7-nam-gieo-chu-o-vung-cao-xu-nau-855431.ldo
 

Theo NGUYỄN TRI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm