Kinh tế

Nông nghiệp

Cơ giới hóa nâng cao hiệu quả sản xuất ngành mía đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thu hoạch mía bằng máy là một trong những giải pháp được Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) chú trọng nhằm giảm chi phí và rút ngắn thời gian thu hoạch, đồng thời giúp ruộng mía đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt trong vụ sau.
Lợi ích của cơ giới hóa
Hiện nay, ở một số nước như Brazil, Thái Lan…, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía đã đạt 80-90%. Tuy nhiên, ở nước ta, con số này mới chỉ đạt 10-20%, chủ yếu ở khâu làm đất. Do đó, năng suất mía bình quân đạt khá thấp so với các nước khác, chỉ khoảng 65 tấn/ha (Thái Lan đạt bình quân 100 tấn/ha). Như vậy, có thể thấy được việc áp dụng cơ giới hóa vào quy trình canh tác mía mang lại hiệu quả vượt trội.
Xe nâng mía thu hoạch bằng máy. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lợi ích đầu tiên của việc áp dụng cơ giới hóa chính là giải quyết bài toán khan hiếm nhân công và chi phí nhân công cao ngất ngưởng như hiện nay. Bên cạnh đó, khi sử dụng máy làm đất để cày ngầm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giúp đất giữ được độ ẩm tối đa; trồng mía bằng máy cũng sẽ đảm bảo cây mía được xuống giống kịp thời vụ, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Bón phân, làm cỏ bằng máy cũng là giải pháp tối ưu giúp giảm chi phí, tăng năng suất mía. Đối với khâu thu hoạch, việc áp dụng cơ giới hóa càng trở nên cấp thiết nhất hiện nay.
Đẩy mạnh cơ giới hóa trên vùng nguyên liệu
Hiểu rõ những lợi ích của việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, TTC Gia Lai đã triển khai các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị theo Nghị định 68 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trên vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.
Hiện nay, Công ty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng mua sắm máy móc, trang-thiết bị phục vụ cơ giới hóa trên vùng nguyên liệu. Đặc biệt, Công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng mua 2 máy thu hoạch mía hiệu John Deere do Mỹ sản xuất để hỗ trợ cho 2 nông dân. Máy thu hoạch mía này có một bộ lưỡi dao đốn mía sát gốc và một bộ lưỡi dao ở phía trên để xén ngọn mía. Mía được đốn theo từng hàng, cắt thành khúc ngắn khoảng 20-25 cm, chuyển vào thang cuốn và trút vào thùng xe tải chạy kèm bên cạnh.
Nếu như thu hoạch bằng phương pháp thủ công phải có người chặt mía, sau đó buộc thành bó, bốc mía lên xe, băm rồi loại bỏ dây buộc… thì với thu hoạch bằng máy, tất cả các công đoạn trên được giảm tối đa. Giá nhân công hiện nay dao động khoảng 250-300 ngàn đồng/tấn tùy vào tình trạng của mía. Bên cạnh đó, khan hiếm nguồn nhân công là một trong những khó khăn lớn trong việc thu hoạch mía của nông dân. Trong điều kiện thuận lợi, công suất của máy thu hoạch mía có thể đạt khoảng 25 tấn mía/giờ, cao gấp nhiều lần so với lao động thủ công nên tiết kiệm về thời gian và chi phí.
Ông Hoàng Duy Hoàn (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) cho biết: “Đốn mía bằng máy giúp tôi tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng/ha tiền thuê nhân công. Ngoài ra, mía được chặt sát gốc nên sản lượng và chữ đường cao hơn; ngọn và lá mía được băm nát, phủ trên mặt ruộng giúp giữ độ ẩm để mía nảy mầm nhanh và phát triển tốt hơn trong vụ sau”.
Với những lợi ích nêu trên, máy thu hoạch mía là “lời giải” cho những khó khăn hiện tại của nông dân. TTC Gia Lai đã tiến hành trình diễn máy thu hoạch tại các cánh đồng lớn, như: Chư Gu (huyện Krông Pa), Chư Mố (huyện Ia Pa)... TTC Gia Lai cũng hướng dẫn nông dân hiểu rõ hơn quy trình áp dụng cơ giới hóa và quá trình canh tác mía để cải thiện năng suất, nâng cao lợi nhuận. Để sử dụng được máy thu hoạch mía, điều kiện tiên quyết là ruộng mía phải được quy hoạch, san phẳng, rà rễ tốt, mía phải được trồng hàng đôi, hàng cách hàng 1,4 m, không đổ ngã quá nhiều…
 H’Muan

Có thể bạn quan tâm