Thời sự - Bình luận

Cơ hội giải 'bài toán' ngành y

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo để Quốc hội xem xét lùi thời điểm thông qua tới kỳ họp giữa năm 2023 thay vì ngay tại kỳ họp 4 này.

Dù việc quyết định là ở Quốc hội, song báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rằng, “cần có thêm thời gian để xem xét” dự án luật rất quan trọng này. Chỉ sau hơn 3 tháng kể từ kỳ họp trước, dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đã bổ sung thêm 16 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, tăng gần 15%. Nhiều vấn đề có thể chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.

Trong khi đó, cả cơ quan thẩm tra lẫn cơ quan chủ trì soạn thảo dường như vẫn chưa tìm được “lối ra” cho nhiều vấn đề lớn của dự thảo luật, như các vấn đề liên quan tới hành nghề KCB, hệ thống tổ chức KCB hay vấn đề tài chính trong KCB, đặc biệt là về xã hội hóa, liên doanh liên kết, giá dịch vụ KCB hay tự chủ tài chính bệnh viện công…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phức tạp của luật KCB là hoàn toàn có thể hiểu được khi chỉ riêng các quy định về tài chính cho KCB đã được ít nhất 8 luật khác quy định, từ luật Đầu tư công, luật Đầu tư cho tới luật Đấu thầu, luật Giá, chưa kể các nghị định của Chính phủ về tự chủ bệnh viện công… Đây cũng là một lý do mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải lùi thêm thời gian thông qua dự án luật để việc sửa luật KCB đồng bộ với các dự án luật Đấu thầu, luật Giá mà Chính phủ sắp trình Quốc hội.

Điều đáng mừng là dự thảo luật KCB sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý đang dần đi vào trọng tâm của “bài toán” mà ngành y hiện đối mặt. Dù vẫn còn nhiều quy định cần phải cụ thể, rõ ràng hơn, song việc bỏ nội dung liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, thay vào đó khuyến khích bệnh viện tư hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; hay quy định về chi phí làm cơ sở để tính giá KCB… là then chốt giải quyết những vướng mắc mà ngành y đang gặp phải.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) trong cuộc thảo luận tại tổ cuối tuần trước, sau khi nêu hàng loạt tồn tại của ngành y đã nói rằng cần phải nói thẳng để tân Bộ trưởng Y tế thấy “đang tiếp nhận gia tài thế nào”. “Gia tài” ngành y mà tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan tiếp nhận rõ ràng là một thách thức rất lớn, song không phải không có cơ hội. Với vai trò là đạo luật “xương sống” của ngành y, việc lùi thời gian thông qua luật KCB thêm một kỳ họp là cơ hội để tân Bộ trưởng Y tế giải “bài toán” ngành y một cách tổng thể và quan trọng hơn là căn cơ, triệt để. Vấn đề cuối cùng vẫn là: liệu chúng ta có muốn làm hay không?

Theo Lê Hiệp (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm