Phóng sự - Ký sự

Có một Năm Sa Đéc... "rất khác"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Năm Sa Đéc” được nhiều người biết đến không chỉ là ngôi sao của nghệ thuật biểu diễn. Bởi ngoài kỹ năng đa dạng trên nhiều lĩnh vực, như: Hát bội, cải lương, kịch nói, phim ảnh… bà còn là vợ của cây bút sưu khảo nổi tiếng và tay chơi cổ ngoạn Vương Hồng Sển (1904 - 1996). Nhưng ít ai biết, đằng sau ánh hào quang ấy là một số phận hoàn toàn khác biệt.

“Năm Sa Đéc” - lai lịch một nghệ danh lận đận

Vốn có chút máu “văn gừng” nên tôi là “fan” của bà Năm Sa Đéc. Sau khi nhờ nhiều ông anh cầm bút ở địa phương rà tới, rà lui, vẫn không tìm ra bà, cuối cùng một đồng nghiệp ở báo Đồng Tháp “chỉ đường” đến ông Nguyễn Nhất Thống - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Sa Đéc - “Người hiểu “chuyện xưa, tích cũ” ở Sa Đéc như lòng bàn tay”. Sau khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng, ông Thống liền giới thiệu tôi đến ông Thiện Mộc Lan với lý do “ông này rành bà Năm Sa Đéc “6 câu vọng cổ” luôn”.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Loan - người gọi bà Năm Sa Đéc là bà ngoại.
Chị Nguyễn Thị Thanh Loan - người gọi bà Năm Sa Đéc là bà ngoại.

Thiện Mộc Lan là bút danh của nhà nghiên cứu, kiêm nhà báo kỳ cựu của đất Sa Đéc chuyên về “gương mặt văn nghệ sĩ” - hiện đang sống tại TP.Sa Đéc, sau nhiều năm lăn lộn trên đất Sài Thành. Ông đã qua tuổi “cổ lai hy”, khi chúng tôi đến, ông đang hoàn chỉnh tác phẩm chuyên về nữ sĩ tài này với nhiều bài viết, hình ảnh rất độc quyền. Như được “gãi trúng chỗ ngứa” - lão nhà báo “rút ruột” cho hậu bối. Bằng chất giọng sang sảng, ông hào hứng kể...

Bà Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung (1907-1988), là con thứ 5 của ông Nguyễn Duy Tam, tức Cả Tam - một người nổi danh mê hát bội ở làng Tân Đông, nay là xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc. Không chỉ lập đoàn “Thiện Tiền Ban” (năm 1915), ông Cả Tam còn lấy tên của nghệ sĩ hát bội nổi tiếng đương thời là Kim Chung ở Mỹ Tho (Tiền Giang) để đặt tên khai sinh cho người con gái thứ 5 của mình.

Đúng như mong đợi của cha, Kim Chung có cả thanh lẫn sắc. Năm 20 tuổi, bà chính thức gia nhập làng hát bội dưới nghệ danh Năm Nhỏ với hàm ý đơn giản là người thứ Năm có dáng vóc nhỏ nhắn. Với chất giọng thiên phú và lối diễn xuất có thần, Năm Nhỏ nhanh chóng trở thành “ngôi sao lớn” qua các vai: “Đào Tam Xuân” (tuồng Đào Tam Xuân; “Lữ Phụng Tiên” (tuồng Phụng Nghi Đình)... rồi nhanh chóng được xếp vào hàng “ngũ châu” (năm gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật hát bội) đương thời, gồm: Năm Đồ, Cao Long Ngà, Ba Út và hai nữ nghệ sĩ cùng nghệ danh Năm Nhỏ. Nghệ sĩ Năm Nhỏ kia là dâu của một “bầu đoàn hát” có nhiều thế lực... Vì vậy nữ nghệ sĩ đất Sa Đéc đành phải “đoạn tuyệt” với nghệ danh Năm Nhỏ và chọn nghệ danh mới bằng cách kết hợp thế thứ trong gia đình với địa danh nơi “chôn nhau cắt rốn”: Năm Sa Đéc”. Điều này không chỉ để lại trong lòng bà nỗi buồn đau, mà còn là chỉ dấu báo hiệu cho số phận lận đận của tài danh đa dạng...

“Ngôi sao lao đao”

Theo nhiều người am tường, chính sự “đoạn tuyệt” bất đắc dĩ với nghệ danh Năm Nhỏ, bà đã bỏ hẳn hát bội và chuyển sang lĩnh vực mới - cải lương vào năm 1934, và bà nhanh chóng chứng tỏ sức hút tại các gánh “Huỳnh Kỳ”, “Trần Đắc”, “Song Phụng”… khi thành công với vai diễn Lữ Phụng Tiên, Địch Thanh… Đặc biệt là vai Đổng Trác và vai bà Phán Lợi trong vở Đoạn Tuyệt (phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhất Linh) được giới chuyên môn đánh giá là vai diễn “để đời”. Thậm chí đến thập niên 60 của thế kỷ XX, do nhiều “biến động trong gia đình” bà gia nhập làng kịch nghệ và sau ngày thống nhất đất nước, bà tham gia màn bạc và thành công với phim: “Cho đến bao giờ” (đạo diễn Huy Thành -1983); “Nơi bình minh chim hót” (đạo diễn Việt Linh - 1986)…

Thế nhưng, ẩn đằng sau ánh hào quang của sự nghiệp ấy là thân phận một ngôi sao lao đao. Cho đến nay, nhiều người chỉ biết bà Năm Sa Đéc là vợ của nhà sưu khảo, người chơi cổ ngoạn “ngoại hạng” Vương Hồng Sển, nhưng ít ai biết, trước đó bà đã lỡ 1 “lần đò”. Theo ông Thiện Mộc Lan, người chồng đầu của bà là ông Đặng Ngọc Chấn, sinh khoảng năm 1894, từng là “Đốc phủ sứ”. Hai người có với nhau một con trai là Nguyễn Ngọc Đặng vào năm 1939 (sau này là diễn viên điện ảnh, mất năm 2005) nhưng sau đó thì “đường ai nấy đi” do gia đình ông Đốc xem thường nghề ca hát là “xướng ca vô loại”.

Tự mình nuôi con, bà lên Sài Gòn kiếm sống. Một thời gian thì bà đi bước nữa với ông Sển và có với nhà chơi cổ ngoạn này một người con trai là Vương Hồng Bảo vào năm 1950. Nhờ trúng số kiến thiết, ông Sển mua căn nhà khang trang (sau này được biết đến với tên “Vân Đường Phủ”) và bà sống với cuộc hôn nhân thứ hai đến ngày về đất mẹ (1988).

Nhưng trong cuộc hôn nhân này bà cũng không có diễm phúc mặc áo cô dâu. Thậm chí đến ngày nhắm mắt bà cũng chưa được cụ Vương xác định là vợ hợp pháp (chưa từng có hôn thú). Và buồn hơn là đến khi nhắm mắt, bà cũng không được nằm cạnh chồng. Với tư cách là người có nhiều lần đến “Vân Đường Phủ” trò chuyện như người thân trong gia đình, ông Thiện Mộc Lan cho biết: Khoảng năm 1984, một lần bà thăm dò ý chồng: “Mình già rồi, nên bàn với gia tộc lo mộ phần cho tôi với ông”. Thì cụ Vương trả lời: “Thôi thì sau này, tôi về quê tôi, còn bà thì về quê bà”. Năm 1988, bà mất, cụ Vương giữ đúng lời “cam kết”: Đưa vợ về an táng tại Tân Khánh Đông.

Không chỉ buồn đường tình duyên, sinh thời bà mang nặng nỗi khổ chuyện con. Sau khi sinh Vương Hồng Bảo, cụ Vương bắt đầu có sự “phân biệt đối xử” với con riêng của vợ. Vì thế, bà vừa phải tề gia, nội trợ vừa tăng cường hoạt động nghệ thuật để có tiền nuôi con. Hết hát cải lương, lại chuyển sang kịch nói, rồi đóng phim…

Đến chết vẫn chưa hết lao đao

Sau cơn bệnh đột ngột, bà ra đi ở tuổi 81, nhưng ngôi sao lận đận vẫn chưa hết lao đao bởi thông tin mà người đời sau “áp đặt” vì thói “biết 1 nói 10”. Nhất là chuyện viết bà Năm Sa Đéc từng bán hủ tiếu, bánh bao được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông.

Thậm chí có người còn khẳng định, hủ tiếu Bà Năm nấu mang đậm hương vị quê nhà Sa Đéc vì được bà chế biến từ bột xứ Sa Đéc... Tuy nhiên, theo lời chị Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1959), cháu ngoại ông Nguyễn Duy Cang (Sáu Cang - em ruột bà) người sống chung và gọi bà là “bà ngoại” từ lúc 4 tuổi, thì thông tin này hoàn toàn sai sự thật. “Quán Hủ tiếu và bánh bao này là của ông Cả Cần - chị Thanh Loan nói - Người này thứ ba và nhận ngoại tôi làm má nuôi nên tôi kêu bằng cậu Ba. Vì vậy lúc mới khai trương quán không thu hút được nhiều khách hàng. Ông Cả Cần mời ngoại đứng tên quán. Thỉnh thoảng, những hôm hát xong sớm, hay đi đóng phim ở đâu đó về ngang, ngoại có ghé quán trước là đãi ăn uống, sau là để quảng bá…”.

Cụ thể hơn, theo chị Loan, chủ quán này là ông Trần Phấn Thắng, gốc người Minh Hương ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và ông Thắng đã “nhập khẩu” toàn bộ “công nghệ” chế biến bánh bao, hủ tiếu từ Mỹ Tho lên, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến hủ tiếu Sa Đéc. (Mỹ Tho cũng là quê hương của thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng vượt khỏi giới hạn địa lý vùng ĐBSCL).

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), ông Thắng cùng gia đình định cư tại Canada, giao quán lại cho người bà con quản lý, duy trì. “Điều này dễ làm người đời sau hiểu nhầm là ngoại tôi “lấy của người làm của mình mà còn hạ thấp nữ nghệ sĩ nổi tiếng - chị Loan bức xúc - Do được thừa hưởng nền gia giáo nền nếp của ngày xưa nên cũng như nhiều phụ nữ đương thời, ngoại tôi rất giỏi công việc gia chánh, nhưng luôn giữ cho mình hình ảnh của một nữ nghệ sĩ, chỉ kiếm tiền bằng nghề biểu diễn chớ không bao giờ đi buôn hay bán quán…”.

Bà Năm Sa Đéc đã đi vào cõi vĩnh hằng, mãi mãi không thể giải thích, chứng minh hay tranh luận những câu chuyện do người đời sau nói về mình, nhưng chúng ta đừng vì thế mà dễ dãi với nguồn thông tin thiếu kiểm chứng. Bởi như thế không chỉ làm sai lệch sự thật lịch sử, mà còn ươm mầm cho những nhầm lẫn đáng tiếc về hình tượng một nữ nghệ sĩ tài danh tên tuổi đã vượt qua khỏi giới hạn của Sa Đéc - Thành phố Hoa bên bờ sông Tiền.

Lục Tùng/laodong

Có thể bạn quan tâm