Có nên bỏ Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước áp lực về đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính của hệ thống chính trị theo nghị quyết của Đảng, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cả nước đang rà soát lại hệ thống quản lý từ cấp bộ đến cơ sở và đội ngũ cán bộ, viên chức để có đề án sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Những ngày qua, có nhiều ý kiến đề xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh vấn đề bỏ Phòng GD-ĐT cấp huyện. Các ý kiến nói trên mới chỉ là những trao đổi mang tính cá nhân, chưa có các khảo sát, nghiên cứu cặn kẽ với tính thuyết phục cao.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở đây, chúng ta cần xem xét tính chất và nhiệm vụ chính yếu của Phòng GD-ĐT là gì? Nếu không có đơn vị trung gian này thì việc lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống giáo dục quốc gia có bị ách tắc không? Trong thực tế, đơn vị quản lý giáo dục cấp huyện tồn tại từ khá lâu trong hệ thống giáo dục nước ta. Tùy từng giai đoạn lịch sử mà chức năng, nhiệm vụ được giao cho cấp quản lý này cũng khác nhau.

Có thời kỳ, Phòng GD-ĐT cấp huyện ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn được giao theo dõi cấp phát ngân sách cho các cơ sở trường học, làm công tác nhân sự cán bộ, giáo viên ở địa phương mình... Nhưng đến thời kỳ đổi mới thì Phòng GD-ĐT cấp huyện dần dần mất đi chức năng quản lý ngân sách và nhân sự, chỉ còn đơn thuần nhiệm vụ theo dõi chuyên môn (theo sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT), làm nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác giáo dục. Thực chất, Phòng GD-ĐT cấp huyện chỉ là cánh tay nối dài của sở và bộ. Từ đó, người ta nhận thấy vị trí, vai trò trung gian này đến nay không còn cần thiết nếu tăng cường quyền hạn cho cấp trường và nâng trách nhiệm chỉ đạo của cấp sở lên một mức nữa. Vì vậy, có người nêu vấn đề, nhiều ban ngành cấp quận, huyện cần sắp xếp tinh gọn vì không nhất thiết tỉnh có bộ máy tham mưu nào thì cấp huyện cũng phải như thế.

Theo tìm hiểu của người viết, mô hình quản lý giáo dục của các nước tiên tiến hầu hết đều giảm cấp quản lý trung gian, tăng cường nhiệm vụ quản lý vĩ mô (cấp liên bang hoặc bang như ở Mỹ, cấp chính phủ như ở Nhật…) và luật hóa quyền hạn cấp trường. Theo đó, việc điều hành, quản lý rất thông suốt, sự phân quyền rõ ràng, không giẫm chân lên nhau.

Hiện nay, cả nước có 713 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, thành và tương ứng là 713 phòng GD-ĐT với bình quân biên chế l5 cán bộ, nhân viên/phòng. Vị chi có 10.695 cán bộ Phòng GD-ĐT, chưa kể số giáo viên được điều động về phòng làm công tác chuyên môn nhưng ăn lương ở trường. Như vậy, hàng năm ngân sách nhà nước chi cho cấp quản lý giáo dục này rất lớn. Về khách quan, trong giai đoạn trước đây, khi mà công tác quản lý còn nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, phương tiện liên lạc... thì Phòng GD-ĐT cấp huyện có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục ở địa phương, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền được sâu sát, đồng thời triển khai nhiệm vụ chuyên môn của ngành một cách thiết thực và hiệu quả. Nhưng đến nay, việc quản lý đã trở nên thuận lợi hơn nhờ hệ thống kết nối hiện đại giúp dễ dàng triển khai nhiệm vụ từ trung ương đến cơ sở và trực tiếp đến từng giáo viên. Do vậy, nhiều công đoạn mang tính chất trung gian không còn tác dụng.

Nếu biết sắp xếp một cách khoa học thì công việc chuyên môn của Phòng GD-ĐT hiện tại có thể giao lại cho sở điều hành, đồng thời một số công tác hành chính liên quan thì các nhà trường có thể trực tiếp đảm nhận. Xét về lợi ích thì rõ ràng Nhà nước giảm được một cấp quản lý trung gian với hàng vạn biên chế cùng nhiều khoản đầu tư khác về cơ sở vật chất, thiết bị; thay vào đó, dùng ngân sách và nguồn nhân lực trên để bổ sung cho các trường học. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng cần có sự điều nghiên kỹ lưỡng từ thực tế và nếu có thể thì nên làm thí điểm để rút kinh nghiệm.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm