(GLO)- Vừa qua, có cuộc hội thảo cấp quốc gia bàn về tác động chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm với nhiều ý kiến tham luận đề nghị bãi bỏ chính sách này vì nó đã lỗi thời và gây ra tình trạng lãng phí ngân sách và nguồn nhân lực.
Bản chất của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là nhằm thu hút đông đảo sinh viên có học lực khá, giỏi theo nghề dạy học trong lúc số lượng giáo viên ở các địa phương còn thiếu. Hiện nay, tình trạng khủng hoảng thừa giáo viên đã đến đỉnh điểm. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc phát triển không kiểm soát được hệ thống các trường sư phạm từ địa phương đến trung ương dẫn đến đào tạo tràn lan, thiếu kế hoạch điều chỉnh giữa cung và cầu; bên cạnh đó, một trong những vấn đề đáng lưu ý là số lượng đào tạo chưa được quan tâm đúng mức.
Ảnh minh họa |
Những năm gần đây, sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm hoặc làm việc không đúng ngành nghề đào tạo tăng đáng kể, trong đó có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa hoặc đã qua trình độ thạc sĩ. Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng năm 2017, các trường sư phạm, khoa sư phạm từ trung cấp đến đại học trên cả nước có chỉ tiêu tuyển 55.600 sinh viên. Các trường sư phạm căn cứ vào quy mô hiện có mà xin chỉ tiêu tuyển sinh, Nhà nước căn cứ vào số lượng sinh viên nhập học để cấp kinh phí (theo tiêu chuẩn miễn học phí).
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã chỉ ra sự lãng phí kép đang tồn tại lâu nay mà các cấp, các ngành chưa nhìn rõ để có giải pháp hữu hiệu. Người ta ước tính, cứ đà đào tạo như thế này thì đến năm 2020 sẽ có 70 ngàn sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp, trong số đó có nhiều sinh viên được tuyển đầu vào với điểm sàn rất thấp (chỉ bình quân hơn 3 điểm/10 mỗi môn). Thực tế công tác tuyển sinh đầu vào năm 2017 cho thấy, dù chế độ miễn học phí được phổ biến khá rộng rãi nhưng các trường sư phạm, khoa sư phạm vẫn không thu hút được sinh viên có điểm cao theo học. Điều đó chứng tỏ, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không còn tác động đến sự lựa chọn ngành nghề của các em.
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc khuyến khích con vào ngành sư phạm không phải để được miễn học phí, mà là việc làm sau khi ra trường, đó là sự nghiệp tương lai của con em họ gắn bó cả đời với ngành nghề đã chọn. Do vậy, ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu là cán bộ quản lý của các trường đại học sư phạm hiện nay là Nhà nước nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, thay vào đó là đào tạo có địa chỉ, tức sinh viên ra trường được phân công công tác đúng với ngành nghề đào tạo, giống như một số trường của ngành Công an, Quân đội.
Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quy hoạch lại mạng lưới các trường, khoa sư phạm hiện tại, trên cơ sở nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục hàng năm của từng địa phương mà phân chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được phân công về giảng dạy tại các địa phương theo nhu cầu đăng ký. Thay vì miễn học phí, sinh viên vào ngành sư phạm được ưu tiên vay tín dụng, nếu sau khi ra trường chấp nhận sự phân công giảng dạy từ 3 năm đến 5 năm trở lên sẽ được miễn trừ khoản vay nói trên. Có lẽ đây là giải pháp tối ưu nhằm thu hút sinh viên khá, giỏi theo nghề dạy học. Từ nền tảng này, chúng ta mới có thể tiến hành những cải cách căn bản và toàn diện đối với sự nghiệp giáo dục trong tương lai.
Bùi Quang Vinh